Giữa tháng Sáu, Trung Quốc tuyên bố nới lỏng tỷ giá đồng NDT so với đồng USD và cho phép tiền tệ thả nổi so với giỏ tiền tệ.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ không mấy ấn tượng đối với 0,8% giá trị tăng thêm của đồng NDT khi Trung Quốc áp dụng chính sách mới này.
Tuần trước, Thượng Nghị sĩ Mỹ Charles Schumer đã thẳng thắn chỉ trích chính sách thương mại của Trung Quốc. Ông cho rằng, việc dữ liệu thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng đến 28,7 tỷ USD trong tháng Bảy sẽ giảm động lực của Trung Quốc trong việc tăng giá đồng NDT.
Theo ông, chính đồng NDT đã khiến Mỹ bị mất nhiều việc làm trên lĩnh vực sản xuất. Ông và nhiều nhà lập pháp Mỹ cho rằng, tiền tệ của Trung Quốc đang bị định giá thấp từ 25-40% so với đồng USD. Điều này mang đến lợi thế về giá cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức gần 10%, áp lực mà Mỹ đặt lên Trung Quốc trong việc định giá tiền tệ sẽ ngày một tăng lên.
Có thể dự đoán, áp lực này sẽ đến từ các thành phần và nhóm ngành công nghiệp bị mất việc làm và phải đóng cửa nhà máy trước ngưỡng cửa của Trung Quốc. “Thặng dư thương mại của Trung Quốc đang mở rộng cho thấy hai điều. Thứ nhất, Trung Quốc đang trở lại “thủ đoạn hám lợi”. Thứ hai, công bố về tiền tệ của Trung Quốc chỉ là giả tạo,” Giám đốc điều hành Hiệp hội sản xuất Mỹ Scott Paul nói.
Liệu chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thực sự là “giả tạo” như ông Paul nhận xét không? Hay việc xem xét chính sách mới của Trung Quốc dựa duy nhất trên cơ sở mối quan hệ giữa đồng NDT và đồng USD chỉ tạo ra bức tranh từng phần của tác động tổng thể?
Trung Quốc không tiết lộ về việc đầu tư như thế nào từ khoản dự trữ ngoại tệ 2,5 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố tăng giá đồng NDT vào hôm 19/6 cho thấy, chính sách mới nhất của Trung Quốc đang có tác động đáng kể đối với tất cả các loại tiền tệ toàn cầu. Trên thực tế, đúng là giá trị của đồng NDT so với đồng USD không thay đổi đáng kể, song dường như nó đã kết thúc sự gia tăng gần đây của đồng USD và đưa đồng USD di chuyển theo một hướng khác.
Chỉ số US Dollar (USDX) là thước đo mở rộng giá trị của đồng USD so với giỏ tiền tệ bao gồm đồng EUR, yên, bảng Anh, USD Canada, franc Thụy Sỹ và Krona Thụy Điển. Chỉ số USDX có giá trị 100,000 vào tháng 03/1973 và chạm mức thấp nhất 70,698 vào ngày 16/3/2008.
Vào giữa tháng Tư, USDX đạt mức 80,19, tăng từ 75,09 vào tháng 11/2009, tuy nhiên vẫn ở mức thấp. Khi cuộc khủng hoảng Hy Lạp xảy ra cùng với các vấn đề khác tại châu Âu, đồng USD một lần nữa lại trở thành thiên đường an toàn đối với các thương nhân tiền tệ và USDX đã tăng 10% lên 88,05 vào ngày 07/6. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc tuyên bố tăng giá đồng NDT vào hôm 19/6, USDX đã giảm xuống chỉ còn 87,04. Tiếp đó, USDX còn giảm hơn 7% xuống 80,88 khi giá trị của đồng USD giảm so với các loại tiền tệ khác.
Đầu năm nay, tỷ giá đồng EUR so với đồng USD là 1,19, nhưng sau đó, đồng EUR đã tăng 9% và hiện tại đang ở mức 1,30. Tương tự như đồng EUR, sau ngày 19/6, đồng yên Nhật và bảng Anh cũng đã tăng 6% so với đồng USD.
Lý giải điều này rất đơn giản. Dự trữ ngoại tệ lớn của Trung Quốc đã biến quốc gia này trở thành một trong những “người khổng lồ” trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Do vậy, ngay cả những thay đổi nhỏ của quốc gia này trên lĩnh vực tiền tệ cũng có thể gây ra tác động lớn. Khi Trung Quốc mua nhiều đồng EUR, yên Nhật và bảng Anh hơn đồng USD thì giá trị tương đối của các loại tiền tệ sẽ thay đổi. Các thương nhân cho rằng, hành động này của Trung Quốc bắt nguồn từ sự suy yếu của đồng USD và sự mạnh lên của các loại tiền tệ khác như EUR và yên Nhật trong thời gian gần đây.
(Vitinfo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com