Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tỷ giá VND/USD: Liệu có nới tiếp, và ở mức nào?

Cách đây vài tuần, thị trường xuất hiện những nhận định cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể nới rộng biên độ giao dịch giao ngay giữa USD và VND.

Đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh. Vài tuần đã trôi qua nhưng việc điều chỉnh biên độ vẫn chưa xảy ra. Vậy điều này có thể trở thành sự thật? Đây là vấn đề mà người viết muốn bàn luận.

Ngày 6/11/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2635/QĐ-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối nới rộng biên độ tỷ giá cho giao dịch mua bán giao ngay USD từ ± 2% lên ± 3% so với tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Sau quyết định này, thị trường đã có những biểu hiện thăm dò tình hình cung cầu. Trong một vài ngày đầu, nhiều ngân hàng bán USD bằng hoặc gần bằng giá trần trong khi mua USD với giá thấp hơn khá nhiều (khoảng vài chục đồng). Tuy nhiên, giá mua USD của các ngân hàng cứ dần tăng lên và hiện nay giá mua đã bằng giá bán và bằng trần ở không ít ngân hàng.

Đến cuối tháng 11, tỷ giá bình quân liên ngân hàng liên tục được công bố tăng. Điều này có phải là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách khác trong điều chỉnh tỷ giá?

Theo quan điểm của người viết, giả thuyết Ngân hàng Nhà nước sẽ nới rộng biên độ tỷ giá là có thể xảy ra. Trong suốt hai tuần vừa qua, có thể thấy giá thị trường tự do liên tục đứng ở mức 17.200 - 17.250. Giá mua bán USD của các ngân hàng đều ở mức giá trần hoặc sát trần. Mặc dù giá mua bán USD niêm yết của các ngân hàng vẫn ở trong biên độ cho phép, nhưng nếu sử dụng công thức tính tỷ giá chéo thì có thể thấy, các ngân hàng đã sử dụng tỷ giá giữa USD/VND vào khoảng 17.120 để tính giá niêm yết các đồng tiền khác.

Trên thị trường liên ngân hàng, hầu như không có giao dịch mua bán USD trực tiếp với VND. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy dường như trong biên độ hiện tại, cung cầu USD không gặp nhau.

Để cân bằng cung cầu, Ngân hàng Nhà nước hoặc phải bán một lượng lớn USD ra ngoài thị trường (điều này có thể gây ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối quốc gia) hoặc để tỷ giá tăng. Việc nới rộng biên độ là một giải pháp để giá USD phản ánh sát hơn nhu cầu thị trường.

Hơn nữa, tỷ giá USD tăng sẽ góp phần giảm nhập siêu (tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu), kích thích tiêu dùng các mặt hàng sản xuất trong nước (vì hàng nhập khẩu trở nên đắt tương đối khi tỷ giá tăng), qua đó kích thích sản xuất trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, người viết cho rằng sẽ không có chuyện nới biên độ quá nhiều. Nếu việc nới rộng biên độ xảy ra thì cũng chỉ ở mức 3,5% hoặc cao nhất là 4%, bởi các nguyên nhân chính sau:

- Khoảng cách lãi suất giữa VND và USD hiện nay chỉ còn khoảng 5%. Nếu biên độ tỷ giá nới lên 5% sẽ khuyến khích người dân giữ USD hơn là VND.

- Việc nới biên độ tỷ giá quá nhanh như thế sẽ tạo nên một cú sốc rất lớn trên thị trường nhất là với doanh nghiệp nhập khẩu trong đó có các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất đầu vào. Điều này sẽ có hại cho nền kinh tế.

- Trong tất cả các lần nới biên độ trước đây, Ngân hàng Nhà nước luôn nới biên độ ở mức để  giá trần hoặc sàn niêm yết có thể gần bằng với giá mà ở đó cung cầu ngoại tệ gặp nhau rồi bán hoặc mua ra một lượng USD nhất định để bình ổn thị trường.

Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể đẩy tỷ giá USD lên bằng cách công bố tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thay vì nới rộng biên độ. Tuy nhiên, nếu tăng tỷ giá này lên đột ngột sẽ làm mất đi đặc điểm cơ bản cần có của tỷ giá bình quân liên ngân hàng là tương đối ổn định, có tác dụng định hướng cho thị trường.

Nếu Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá này lên từ từ (mỗi ngày khoảng 3 đến 5 điểm) liên tục trong nhiều ngày thì cũng phải mất khoảng hơn 1 tháng, gần 2 tháng để đạt được mức giá tiệm cận 17.100. Khoảng thời gian đó có thể lá quá lâu cho sự giải tỏa ách tắc của thị trường ngoại tệ hiện nay.

Căn cứ vào cách thức hành động của Ngân hàng Nhà nước trong quá khứ, cũng có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ vừa nới biên độ vừa tăng nhẹ tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng.

Trong thời điểm hiện tại, khó khăn của Ngân hàng Nhà nước là phải điều tiết linh hoạt về tỷ giá nhưng lại phải ngăn chặn được tình trạng đầu cơ ngoại tệ có thể xảy ra. Nhưng hành động như thế nào, có lẽ chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới có thể ra được quyết định chính xác, vì đây là cơ quan duy nhất biết được đầy đủ những số liệu về trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng.

( Theo vneconomy ).

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • Ứng xử như thế nào với biến động tỷ giá năm 2009?
  • Chóng mặt với đồng yen
  • Đồng NDT “ngóng chờ” động thái của phía Mỹ
  • NDT sụt giảm giá mạnh
  • Đồng USD tiếp tục ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội thất tại Braxin
  • Trung Quốc cần đảm bảo tính linh hoạt của đồng NDT
  • Thị trường tiền tệ thế giới ngày 02/12/2008: USD tăng nhẹ
  • Fed: khả năng thêm một lần cắt giảm lãi suất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!