Theo TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giá cả, Bộ Tài chính, việc điều chỉnh lãi suất cơ bản và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là động tác cho thấy sự thắt chặt dần đối với chính sách tiền tệ sau một giai đoạn dài nới lỏng.
![]() |
TS Vũ Đình Ánh |
Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn đang nắm giữ lượng ngoại tệ lớn (ước tính gần 6 tỷ USD) phải bán cho ngân hàng. Điều này sẽ có tác động thế nào tới thị trường?
Đây là một công cụ lẽ ra có thể dùng sớm hơn. Nếu lượng ngoại tệ này được đưa ra thị trường sẽ là nguồn cung đủ khả năng cân đối lại cung cầu của chúng ta từ nay đến cuối năm.
Vậy có tác động nào đối với thị trường vàng trong nước?
Vàng của Việt Nam hiện nay nhập khẩu hoàn toàn nên phải chịu tác động kép: Giá vàng thế giới tăng cao và giá đồng đô la tăng cao. Việc các tập đoàn bán ngoại tệ cho ngân hàng thì cũng chỉ làm cho tỷ giá hối đoái không tăng lên và giúp giá vàng giảm xuống rất ít chứ không thể làm cho giá vàng giảm xuống vài triệu đồng/lượng để bằng với giá thế giới được.
Từ ngày 1/12, lãi suất cơ bản sẽ được điều chỉnh tăng lên 8%. Việc điều chỉnh này sẽ tạo ra tác động gì với thị trường?
Trước đây, chúng ta đã nâng lãi suất cơ bản lên mức khá cao, tới 14% và sau đó phải liên tục giảm. Đến tháng 4/2009 thì lãi suất cơ bản chỉ còn 7%, lãi suất tái chiết khấu ở mức 5%. Các mức lãi suất này được duy trì trong thời gian tương đối dài, cho đến nay.
Đây là biện pháp thắt chặt dần chính sách nới lỏng tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 10 tăng tới 33%, đến tháng 11 là 34% và khả năng cả năm, nếu không kiểm soát tốt sẽ lên tới 40%. Theo tôi việc điều chỉnh lãi suất cơ bản cũng là biện pháp kịp thời trong thời điểm này.
Với mức điều chỉnh này, trần lãi suất huy động sẽ lên tới 12% và các ngân hàng hoàn toàn có thể chấp nhận mức huy động 11% để thu hút vốn, đảm bảo khả năng cho vay và tính thanh khoản của ngân hàng.
Ngoài việc sẽ có những cuộc đua lãi suất mới, theo ông sẽ có những vấn đề gì với ngành ngân hàng trong thời gian tới?
Điều đáng nói là tới đây các ngân hàng sẽ đối mặt với khả năng một số doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ lãi suất không trả được nợ. Khi đó tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng sẽ tăng. Để gỡ điều này, các ngân hàng phải đẩy mạnh thu hồi nợ đồng thời tăng quy mô tín dụng.
Điều ngân hàng cần quan tâm nữa là phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý việc mất cân đối về ngoại tệ đồng thời phải kiểm soát bong bóng tài sản. Phải kiểm soát chặt khối cho vay bất động sản, chứng khoán.
Quan điểm của tôi, điều chỉnh lãi suất cơ bản thì hỗ trợ lãi suất phải dừng. Vì điều chỉnh thắt chặt tín dụng mà vẫn dùng hỗ trợ lãi suất, kể cả ngắn hạn, trung và dài hạn, thì sẽ làm mất hiệu lực của chính sách tiền tệ. Qua tiếp xúc với một số doanh nghiệp tôi thấy các doanh nghiệp đã đủ sức chịu đựng mức trần lãi suất tăng lên.
Cảm ơn ông.
(Theo Phạm Tuyên // Tienphong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com