Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

USD quý hơn… vàng!

Trong khi lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ được các ngân hàng liên tiếp điều chỉnh tăng thì ngược lại, lãi suất huy động vốn bằng vàng giảm không phanh. Xu hướng trái chiều này đối với lãi suất tiền gửi USD và vàng diễn ra mạnh mẽ trong những ngày còn lại của tháng 3/2010. Lý do thật đơn giản, các ngân hàng đang "khát" ngoại tệ, "bội thực" vàng.

Lãi suất tiền gửi ngoại tệ tại DongA Bank kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện dao động từ 4,2 - 4,5%/năm. Các kỳ hạn 12 tháng trở xuống cũng được ngân hàng này áp dụng mức lãi suất lên đến 3,8 - 4,11%/năm.

Tương tự, tại HDBank, lãi suất huy động USD vừa được điều chỉnh tăng thêm từ 0,1- 0,45%/năm tùy kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất cao nhất là 4,8%/năm cho kỳ hạn 9 tháng trở lên và thấp nhất là 3,8%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.

DaiA Bank còn mạnh tay hơn trong việc điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ, với kỳ hạn 6 - 36 tháng lên đến 4,7%/năm và 1 - 3 tháng dao động từ 3,7 - 4,4%/năm. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi bằng USD hiện đã tăng khoảng 1 - 1,5%/năm, tùy từng kỳ hạn.

Cơ sở để tăng lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ được các ngân hàng lý giải là nhu cầu vốn vay bằng USD của doanh nghiệp đang gia tăng. Đặc biệt là kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các ngân hàng được cho vay thỏa thuận lãi suất đối với khoản vốn trung, dài hạn. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các nhà xuất khẩu chuyển sang vay USD để tránh lãi vay tiền đồng đã thiết lập mặt bằng mới gấp hơn 1,5 lần so với mức trần 12%/năm như trước.

Phó tổng giám đốc ABBank, ông Phạm Quốc Thanh cho biết, nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp đang tăng lên. Vì thế, Ngân hàng đang ra sức tìm kiếm nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ để phát triển tín dụng, nhất là khi áp lực lãi vay tiền đồng đã tăng cao. Hiện lãi suất cho vay USD áp dụng tại ABBank là 5 - 7%/năm, còn đối với VND là  14 - 17%/năm.

ACB cũng cho hay, tăng trưởng dư nợ bằng USD cải thiện so với đầu năm. Ngân hàng này đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ từ giữa tháng 3/2010. Mức cao nhất được ACB áp dụng là 4,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) và 4,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Trong khi lãi suất huy động USD tăng mạnh thì ngược lại, xu hướng giảm lãi suất tiền gửi bằng vàng vẫn chưa có điểm dừng và dự báo còn giảm sâu. Cụ thể, DongA Bank chỉ áp dụng mức lãi suất cao nhất đối với chứng chỉ tiền gửi bằng vàng là 0,5%/năm (kỳ hạn 24 tháng trở lên). Các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng dao động từ 0,15% - 0,33%/năm.

Từ ngày 20/3, DaiABank giảm lãi suất huy động vàng SJC trên toàn hệ thống. Theo biểu lãi suất mới, lãi suất huy động vàng được điều chỉnh giảm từ 0,35 - 1,25%/năm, trong đó mức giảm nhiều nhất là ở kỳ hạn 36 tháng và giảm ít nhất ở kỳ hạn 1 tháng. Cụ thể, các mức lãi suất huy động vàng SJC kỳ hạn 1 tháng tại DaiA Bank hiện là 0,15%/năm; 2 tháng là 0,18%/năm; 3 tháng là 0,2%/năm; 6 tháng là 0,25%/năm; 9 tháng - 36 tháng là 0,3%/năm.

Eximbank cũng giảm lãi suất huy động vàng vào ngày 17/3 vừa qua, với mức cao nhất được áp dụng đồng đều ở kỳ hạn 4 - 12 tháng là 0,2%/năm.

ACB, Vietcombank, OCB… áp dụng mức lãi suất cao nhất đối với tiền gửi bằng vàng là 0,5%/năm cho kỳ hạn dài ngày và tiệm cận 0%/năm cho các kỳ hạn ngắn ngày.

Đáng chú ý, một số ngân hàng không muốn công bố lãi suất huy động vàng, nhằm hạn chế lượng vàng của khách hàng gửi vào. Vì kể từ khi giá vàng đạt mức cao (trong năm 2009), khách hàng không muốn vay vốn bằng vàng, dù vẫn có nhu cầu để thanh toán.

Nguyên nhân là do các ngân hàng lo ngại vàng biến động, rủi ro sẽ gia tăng. Huy động vàng về không cho vay ra được, dẫn đến lượng vàng tồn kho lớn và phải trả lãi cho khách hàng. Tại ACB, ngân hàng này cho biết, chỉ cho vay được 40% trong tổng vốn huy động bằng vàng.

Hiện nay, các ngân hàng không còn được kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, đồng thời các sàn vàng dù chưa đến hạn chấm dứt hoạt động theo yêu cầu của Chính phủ, nhưng giao dịch trên sàn vàng đã trầm lắng kể từ sau Tết Nguyên đán. Vì thế, nhu cầu vay vàng của khách hàng cũng như việc cân đối nguồn vốn huy động bằng vàng càng trở nên khó khăn. Đây cũng chính là lý do để các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất, nhằm hạn chế tiền gửi bằng vàng.

Trong khi đó, những người mua vàng vào giữa và cuối năm 2009 (thời điểm giá vàng tăng và có lúc đạt đến ngưỡng 29 triệu đồng/lượng, nhưng chưa kịp bán ra) vẫn muốn nhờ ngân hàng giữ hộ để chờ thời cơ lấy lại vốn.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • Giá USD tự do ở HN đột ngột rớt mạnh
  • GBP/AUD đi ngang trong biên độ hẹp
  • Nhận định xu hướng EUR/USD
  • EUR/USD bật từ mức thấp 1.3460, nhưng bị chặn tại 1.3570
  • Tổng hợp ý kiến chuyên gia về đồng USD
  • Tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam ngày 23/3/2010
  • Tỷ giá USD/VND đang giữ mức 19.080
  • Điểm tin thị trường tiền tệ phiên Châu Á
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!