Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Iran phá thế bao vây bằng vàng

 

 

Trước sự bao vây, cấm vận kinh tế từ Mỹ, EU và các nước đồng minh, Iran đang nỗ lực mở lối thoát và vàng đang trở thành tấm thẻ bài của nền kinh tế. Dự báo quốc gia này sẽ còn nhập rất nhiều vàng.

Cuộc bao vây, cấm vận của Mỹ và đồng minh nhằm vào Iran kéo dài suốt gần 35 năm qua đang ngày càng gia tăng về cường độ và phạm vi tác động. Trong đó, cô lập nền kinh tế Iran với thế giới được xác định là biện pháp trọng điểm nhằm bẻ gẫy tham vọng hạt nhân của cường quốc tại khu vực Trung Đông này. Song, Iran cũng đang nỗ lực mở lối thoát và vàng đang trở thành tấm thẻ bài của nền kinh tế.

Những con số biết nói

Mặc dù tuyên bố có 150 tỷ USD dự trữ song việc khan hiếm các nguồn ngoại tệ mạnh đã tác động rất lớn tới giao dịch thương mại giữa Iran với thế giới. Giao thương bị co hẹp cùng với việc sản lượng dầu xuất khẩu bị giảm khiến Iran mất đi 40 tỷ USD mỗi năm. Thị trường tiền tệ Iran đã bị chấn động mạnh, đồng nội tệ Iran bị mất giá nghiêm trọng. Chỉ trong vài tháng gần đây, giá trị của đồng Rial đã bị mất đi 40-50% so với đồng đô la. Nhiều giao dịch thương mại của Iran đã phải chuyển sang hình thức khác như hành đổi hàng hay bằng vàng.

Thứ kim loại quý này đang được Iran xem như là một cứu tinh để cải thiện khả năng thanh khoản của hệ thống tài chính, đồng thời cũng là mặt hàng dự trữ chiến lược cho cuộc đấu tranh trường kỳ chống lệnh bao vây, cấm vận chưa có hồi kết của nhiều nước.

Để đối phó với những biện pháp trừng phạt được cho là khắc nghiệt nhất trong suốt 3 thập kỷ qua, thời gian gần đây, Iran đã triển khai chính sách thắt lưng buộc bụng, tăng cường quan hệ hợp tác với đối tác truyền thống, không bị ảnh hưởng nhiều từ Mỹ hay EU và tìm kiếm thêm những đối tác mới tại châu Á. Để giải quyết bài toán ngoại tệ thanh toán, Iran gia tăng nguồn dự trữ vàng và sử dụng nó như một công cụ thanh toán hiệu quả vì vàng được dễ dàng chấp nhận ở khắp nơi trên thế giới.

Một phóng sự điều tra của Reuters cuối tháng 10 vừa qua cho biết một đường dây vận chuyển vàng từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Dubai để đưa về Tehran đang được âm thầm triển khai. Số liệu trao đổi thương mại chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy riêng trong tháng 8/2012, một lượng vàng trị giá 2 tỷ USD đã được xuất sang Dubai theo yêu cầu của các khách hàng Iran.

Tổng cộng trong tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất 2,3 tỷ USD vàng, trong đó 2,1 tỷ là dạng vàng nén và thị trường Dubai đón nhận trên 1,9 tỷ, tương đương với khoảng 36 tấn vàng. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Thổ sang Dubai chỉ là 7 triệu USD trong tháng 7, một bước nhảy vọt khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi. Trước đó, mọi hoạt động nhập khẩu vàng của Iran đều được báo cáo lên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và công bố rộng rãi với các phương tiện truyền thông quốc tế. "Nay các giấy tờ đều cho thấy dòng vàng đang chảy sang Dubai, không phải về Iran", một nhà buôn tại Dubai nói.

Cùng thời kỳ đó, tuân theo những biện pháp cấm vận của quốc tế và do mối quan hệ căng thẳng giữa Tehran và Ankara trong một số vấn đề tại khu vực, lượng vàng mà Thổ Nhĩ Kỳ xuất trực tiếp sang Iran đã giảm đáng kể từ mức 1,2-1,8 tỷ USD trong các tháng trước đó xuống còn 180 triệu USD vào tháng 8.

Theo số liệu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nhu cầu về vàng từ Iran đột nhiên tăng mạnh kể từ tháng 3/2012. Giá trị vàng xuất khẩu trực tiếp trong tháng 7 từ Thổ sang Iran đã đạt 1,8 tỷ USD, tương đương 1/5 thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Đông trong tháng 7.

Một thương gia kinh doanh trong lĩnh vực này tại Dubai cho biết từ tháng 8 việc mua bán vàng gián tiếp qua trung gian Dubai đã thay thế cho các giao dịch trực tiếp nhằm tránh thu hút sự chú ý của dư luận.

Tuyến vận tải bí ẩn

Tới nay người ta vẫn chưa rõ các thương gia Ba Tư làm thế nào để chuyển đều đặn và an toàn một khối lượng vàng lớn như trên từ Dubai về Iran cũng như điểm đến chính xác của loại hàng hóa này. Rất có thể họ đã tận dụng tuyến đường biển chiến lược tại Eo Hormuz giữa hai quốc gia này để chuyên chở vàng trên các tàu thuyền. Chỗ hẹp nhất của eo biển này chỉ có 150 km, nơi thường xuyên có sự hiện diện của hải quân Iran.

Còn để vận chuyển vàng tới Dubai, thành phố ở phía Bắc các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất UAE, giáp Iran, các thương gia sử dụng những người dẫn đoàn du lịch. Họ đựng vàng trong hành lý xách tay và vận chuyển chủ yếu qua đường hàng không - mà sân bay quốc tế Ataturk tại Istanbul là một mắt xích quan trọng. Theo sự theo dõi của cơ quan hải quan Thổ Nhĩ Kỳ, trong tháng 8, một khối lượng vàng trị giá 1,45 tỷ USD đã được các hành khách vận chuyển qua sân bay quốc tế Ataturk trước khi đáp xuống Dubai. 800 triệu USD vàng nén còn lại được thông quan tại một sân bay nhỏ hơn tại Istanbul là Sabiha Gokcen.

Khối lượng vàng nén tối đa mà một hành khách được mang theo là 50 kg, như vậy sẽ phải cần hàng trăm lượt hành khách để vận chuyển hết lượng vàng kể trên. Điều đáng nói là đây là những biện pháp thu hút vàng hoàn toàn hợp pháp và không vi phạm tới các lệnh cấm vận của quốc tế. Dẫu vậy, những người cung cấp này cho Reuters đều đề nghị giấu danh tính với các lý do chính trị và thương mại.

Lần ngược theo nguồn gốc của đơn hàng, người ta phát hiện chúng được trả thuế bởi một số công ty đăng ký kinh doanh tại thành phố ven biển Izmir, thành phố lớn thứ ba của Thổ, một trung tâm công nghiệp và du lịch quan trọng nằm phía Tây nước này. Tuy nhiên, danh tính của các đơn vị xuất khẩu cũng được giấu kín vì không muốn thu hút sự chú ý không cần thiết của giới chức Mỹ. "Chúng hoàn toàn hợp pháp bởi họ công khai tuyên bố, họ có các mã số thuế và đóng thuế cho hoạt động này", một nhà buôn cho biết.

Iran hiện là một trong số ít các quốc gia chịu sự cấm vận khá toàn diện và khắc nghiệt từ cộng đồng quốc tế trong một thời kỳ suốt từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Chừng nào nỗ lực của các bên trong việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran chưa có kết quả rõ rệt nền kinh tế quốc gia bên vịnh Ba Tư sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa và có lẽ Iran sẽ còn cần thêm rất nhiều vàng.


Tác giả: A Vũ (Tổng hợp)
Theo VEF

 

 

  • Trung Quốc đóng vai nạn nhân với Mỹ
  • Người già – cứu cánh của nền kinh tế Nhật Bản?
  • ASEM 9: Lùi một bước, tiến hai bước?
  • Nhật Bản mở rộng kích thích kinh tế
  • Kế hoạch hợp nhất kinh tế của ASEAN là quá tham vọng?
  • Indonesia - gương mặt mới của câu lạc bộ BRICS?
  • Hàn Quốc: Tấn công chaebol?
  • Châu Á: Ngập tiền mặt, lo lạm phát