Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Obama: Để lần nữa làm nên lịch sử

Cách đây bốn năm, một chiến thắng chấn động khi người Mỹ gốc Phi đầu tiên trở thành tổng thống. Giờ đây, để ở lại Nhà Trắng thêm bốn năm, Barack Obama một lần nữa sẽ phải làm nên lịch sử.

 

Tổng thống Mỹ Obama đang vận động tranh cử. Để ở lại Nhà Trắng thêm bốn năm, Barack Obama một lần nữa sẽ phải làm nên lịch sử. Ảnh: Reuters

Ở Denver cách đây bốn năm, ứng viên Obama tuyên bố sẽ thay đổi nước Mỹ, hứa gạt sang bên những khác biệt phe phái, tạo hy vọng cho người thất nghiệp, bắt đầu quá trình bảo vệ hành tinh trước tình trạng nóng lên toàn cầu và làm nước Mỹ tự hào lần nữa. Tuần này, Barack Obama đọc diễn văn tại đại hội đảng Dân chủ ở Charlotte, bang North Carolina. Đây là một năm rất khác, tâm trạng rất khác, khi thành tích đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên ít hơn mong muốn: thêm ba triệu người Mỹ thất nghiệp và nợ công nhiều hơn 5.000 tỉ, so với cách đây bốn năm. Tình trạng phe phái tệ hơn bao giờ hết: một thành tựu ấn tượng như cải cách chăm sóc y tế lại trở thành mầm mống chủ yếu gây chia rẽ. Cộng đồng doanh nhân hoang mang không hiểu Obama không thích chủ nghĩa tư bản hay chỉ đơn giản là dửng dưng. Những nỗ lực của Obama đối với tình trạng nóng lên toàn cầu đã mất tăm. Vị thế của Mỹ trong thế giới Hồi giáo không cao hơn so với thời George W.Bush. Iran vẫn nguy hiểm, Nga và Trung Quốc vẫn thích công kích, và nhà tù ở Guantanamo vẫn còn mở.

Để bênh vực thành tích của Obama chỉ có thể tóm gọn bằng một câu: tất cả lẽ ra tệ hơn nhiều. Obama tiếp nhận một nền kinh tế lao dốc không phanh do hệ thống ngân hàng sắp sụp đổ và tình trạng hoang phí tài chính dưới thời người tiền nhiệm; thị trường bất động sản và sản lượng giảm dần; những biện pháp kích cầu và bảo hộ các hãng xe hơi lớn gần phá sản giúp ngăn chặn nguy cơ suy thoái thứ hai; tóm lại, Obama xứng đáng điểm khá nếu chấm điểm chắp vá kinh tế. Với những đảng viên Cộng hòa đối đầu cản trở trong quốc hội, Obama đã làm tốt để mọi thứ trôi chảy. Xác định chính sách đối ngoại hợp lý, và đã có những thắng lợi cá nhân, như là tiêu diệt Osama bin Laden.

Nhưng thành tích này rốt cuộc không đủ thuyết phục để tái cử. Hơn 60% cử tri tin rằng nước Mỹ đang đi sai đường. Tỉ lệ ủng hộ Obama ở xa dưới mức 50%; khoảng hai phần ba số cử tri không ấn tượng bởi cách Obama xử lý kinh tế. Kiệt sức bởi những khó khăn trong công việc, nhà đại cải cách Obama trở nên thận trọng với một nhóm cố vấn thiển cận bao quanh. Một ứng viên từng hứa hẹn giải pháp táo bạo cho những vấn đề nghiêm trọng của đất nước biến thành một tổng thống thậm chí còn không bảo vệ được kế hoạch cắt giảm lạm phát trong nhiệm vụ của mình.

Một rào cản cho chiến thắng xem ra ít quan trọng nhưng vẫn có ý nghĩa: cho đến nay chỉ có Franklin Roosevelt tái đắc cử với một tỉ lệ thất nghiệp cao. Tỉ lệ thất nghiệp vào tháng 2.2009 - tháng đầu tiên làm tổng thống của Obama – là 8,3%. Tháng rồi cũng là 8,3%. Nhưng nhóm tranh cử của Obama có thể ghi nhận tỉ lệ thất nghiệp 10% vào tháng 10.2009, và cho rằng các chính sách cho dù chậm của tổng thống vẫn giúp kéo nền kinh tế ra khỏi một cuộc suy thoái sâu mà ông thừa hưởng.

Nếu Obama đối mặt với một ứng viên có uy tín hơn Mitt Romney hay một đảng phái ít cực đoan hơn đảng Cộng hòa, Obama hẳn đã nhìn thấy thất bại. Việc tổng thống phải ở thế “tiêu cực”, như cách nói của tờ Economist, quá sớm và quá thường xuyên cho thấy ông cần nói về khuyết điểm của Romney hơn là những thành tựu bản thân.

Có ba lý do để Obama phải thay đổi chiến lược tranh cử. Đầu tiên, một chiến dịch tiêu cực rõ ràng có thể thất bại. Người Cộng hòa có một lãnh tụ vụng về; nhưng thành tích của Romney ở vai trò thống đốc và nhà điều hành vẫn gây ấn tượng, và ứng viên phó tổng thống đồng hành Paul Ryan có nhiều ý tưởng táo bạo. Chiến lược của Obama là trách móc đảng Cộng hòa cản trở sẽ bị nhiều cử tri cho là tự hạ thấp giá trị.

Thứ hai, ngay cả nếu chiến dịch tiêu cực có hiệu quả, một Obama tái đắc cử sẽ cần năng lực thực hiện một chương trình hoạt động thuyết phục. Nếu không, các đảng viên Cộng hòa, vốn sẽ kiểm soát Hạ viện và có lẽ cả Thượng viên, sẽ công kích tơi bời tổng thống mới.

Thứ ba, không chỉ Obama cần một kế hoạch. Nước Mỹ cũng vậy. Nền tài chính và chính phủ Mỹ cần một cuộc đại tu. Chắc chắn tổng thống Mỹ phải có nhiều ý tưởng về cái phải làm.

 

không chỉ Obama cần một kế hoạch. Nước Mỹ cũng vậy. Nền tài chính và chính phủ Mỹ cần một cuộc đại tu. Chắc chắn tổng thống Mỹ phải có nhiều ý tưởng về cái phải làm.
Ảnh: Reuters

Một chọn lựa hấp dẫn là khích động thành phần chính của đảng, đối thoại về cải cách y tế nhiều hơn và đe dọa thuế tăng cao hơn đánh vào doanh nghiệp và người giàu. Obama có thể hứa hẹn với những nghiệp đoàn khu vực công là không cắt giảm việc làm, hơn là xây dựng lại chính phủ. Obama có thể bảo đảm với người lớn tuổi rằng nước Mỹ sẽ chu cấp cho họ, hơn là cắt bỏ những chương trình được phép.

Thu hút những người ôn hòa không dễ dàng cho Obama. Các đồng minh của ông ở cánh tả vốn mạnh và trong một đất nước phân cực nhiều như thế, bộ phận ôn hòa cũng có thể là nơi nguy hiểm. Nhưng có nhiều thứ mà nhiều người ở cả hai phe có thể nhất trí, bao gồm cải cách thuế và nhập cư, đầu tư cho giáo dục và trợ cấp cho các doanh nghiệp tạo việc làm. Điều quan trọng là Obama có thể giải thích cách ông định cắt giảm nợ nần, mà không cần giả vờ bào chữa là đánh thuế người giàu cũng sẽ giúp đáng kể.

Obama có một lòng tin mạnh mẽ vào công bằng xã hội, thể hiện qua nỗ lực cải cách chăm sóc y tế. Nhưng ông cần phân biệt giữa ước muốn giúp người yếu với sự ưu tiên nguy hiểm cho khu vực công hơn tư nhân. Những công việc mà người nghèo cần là do các công ty tạo ra, nhưng cần cam kết cắt giảm một số lề thói quan liêu bao bọc các công ty.

Những người đương nhiệm có xu hướng tái đắc cử, nhưng các tổng thống nhiệm kỳ thứ hai có xu hướng gây thất vọng. Nhiệm kỳ đầu tiên của Obama cho thấy, nếu tái đắc cử, ông có thể gặp khó khăn nhất. Đó là lý do tại sao ông cần trả lời tốt cho câu hỏi lớn: sẽ phải làm gì thêm bốn năm nữa?

Võ Phương (ECONOMIST, CNN, SGTT)

  • Chiến lược, sách lược với một Trung Quốc mới
  • 18 điều ít biết về Vladimir Putin – chính trị gia bí hiểm bậc nhất thế giới
  • Chính trị gia Trung Quốc giàu nhất thế giới?
  • “Thương hiệu” Putin và triển vọng thúc đẩy kinh tế Nga
  • Những chính khách nổi tiếng sinh năm Rồng
  • Chiều cao và Tổng thống Mỹ
  • Tân Đại sứ Mỹ “chạm thần kinh” quan chức Trung Quốc
  • Đằng sau vụ “nữ hoàng tóc vấn”