Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Vụ bê bối Ozawa”: thế giới cũng bị vạ lây

Ichiro Ozawa, nhân vật được biết tới là trụ cột không thể thay thế được của đảng Dân chủ Nhật Bản, nay lại trở nên nổi tiếng hơn nữa dưới tên gọi “vụ bê bối Ozawa”. Vụ việc không những ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị – xã hội Nhật Bản, mà còn đối với quan hệ quốc tế của cường quốc này.

Người dân biểu tình bên ngoài trụ sở đảng DPJ, đòi ông Ichiro Ozawa từ chức. Ảnh: Reuters

Đầu tháng 1, văn phòng công tố quận Tokyo quyết định thẩm vấn tổng thư ký đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền Ichiro Ozawa về thương vụ mua bán đất gây tranh cãi của tổ chức quản lý quỹ của chính trị gia này. Các công tố viên muốn làm rõ trong hơn 400 triệu yen dùng cho việc mua đất tại quận Setagaya ở thủ đô Tokyo vào tháng 10.2004, nhưng lại không đưa vào các báo cáo quỹ chính trị của tổ chức này và số tiền mua đất là của ông Ozawa. Trước đó, hai cựu thư ký của Thủ tướng Yukio Hatoyama đã bị khởi tố với tội danh làm sai báo cáo tài chính. Những sự việc này cộng lại với nhau tạo nên sức công phá lớn đối với DPJ.

Theo các cuộc điều tra dư luận mới đây, tỷ lệ ủng hộ đối với DPJ xuống tới mức thấp nhất từ trước tới nay chỉ đạt 41,5%. Đặc biệt, có tới 73% số người được hỏi yêu cầu ông Ozawa từ chức. Bản thân Thủ tướng Yukio Hatoyama cũng thừa nhận đây là vấn đề “đau đầu” và là một thử thách lớn lao, khốc liệt đối với DPJ và đối với cả việc điều hành chính phủ hiện thời. Trong đó, thách thức mà DPJ đang phải trực tiếp đối đầu là kỳ họp Hạ viện vừa khai mạc hôm 18.1 vừa qua.

Vấn đề nan giải nhất là việc thông qua dự toán ngân sách bổ sung lần hai trong tài khoá 2009 – 2010. Ngay trước khi kỳ họp lần thứ 174 Hạ viện Nhật Bản khai mạc một ngày, bộ trưởng Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirofumi Hirano đưa ra một tuyên bố mà được giới quan sát nhận định là “đượm vẻ hoang mang, lo lắng và thiếu tự tin” rằng: “Chính phủ sẽ nỗ lực tối đa để dự toán ngân sách bổ sung lần hai trong tài khoá 2009 – 2010 được thông qua”. Sự “hoang mang, lo lắng và thiếu tự tin” của ông Hirano cũng được coi là có cơ sở. Bởi, với tỷ lệ ủng hộ giảm mạnh và với sự phân hoá ngay trong nội bộ DPJ hiện nay, nếu dự toán này không được thông qua thì đây không chỉ là vấn đề đối nội, mà ngay cả vấn đề đối ngoại, trong đó bao gồm cả những cam kết mà Nhật Bản đưa ra với cộng đồng quốc tế về đối phó với biến đối khí hậu, an ninh năng lượng, hỗ trợ các nước nghèo, các nước đang phát triển v.v… sẽ gặp nhiều rắc rối. Những rắc rối này có khả năng sẽ làm chậm tiến độ của một loạt các hoạt động không chỉ của Nhật Bản mà của nhiều nước có liên quan. Hiện nay, phe đối lập đang chủ trương tại kỳ họp lần này sẽ tập trung vào vụ bê bối của ông Ozawa, còn những vấn đề khác sẽ “hậu xét”. Với hiện trạng kinh tế khó khăn như hiện nay, dự toán chậm thông qua ngày nào là thiệt hại ngày ấy. Trách nhiệm đó đang đè nặng thêm trên vai chính phủ của Thủ tướng Hatoyama.

Một nguy cơ khác cũng được coi là nhãn tiền với DPJ là khả năng ông Ozawa bị bắt và truy tố. Đây là một đòn mạnh đánh vào không chỉ uy tín của DPJ mà vào cả thực lực của đảng này. Bởi vì, vận mệnh của DPJ trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp được tổ chức vào tháng 7 tới được coi là hoàn toàn trông cậy vào nơi ông Ozawa. Điều này có nghĩa là DPJ mất hẳn một trụ cột quan trọng trong cuộc bầu cử này. Nếu thất bại (mà nếu không có ông Ozawa, khả năng thất bại là rất cao), có thể nói, số phận của DPJ đã được định đoạt. Người ta đã đặt câu hỏi trực tiếp là trong trường hợp đó, liệu Thủ tướng Hatoyama có từ chức hay không? Và nếu có thì ai sẽ lên thay? Nặng nề hơn tất cả, câu hỏi được coi là không có lời giải đáp là: “thời kỳ hậu Hatoyama sẽ là thời kỳ như thế nào đối với DPJ nói riêng và đối với cả Nhật Bản nói chung?” Nhiều nhận định bi quan cho rằng đây là khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng chính trị tại Nhật Bản. Trong bối cảnh ảm đạm của bức tranh kinh tế quốc tế, nếu tại Nhật Bản xảy ra khủng hoảng chính trị, sẽ là cú sốc lớn cho khu vực và thế giới. Thực tế cho thấy, nếu là khủng hoảng kinh tế ở một nước, cộng đồng quốc tế có thể chung tay giúp đỡ, còn khủng hoảng chính trị thì không phải nước ngoài có thể can thiệp được. Kéo theo nó là một loạt hệ luỵ mà để khắc phục không phải một sớm một chiều.

Đến thời điểm này, vụ “bê bối Ozawa” đã vượt khỏi tầm kiểm soát của DPJ. Những gì người ta có thể làm được hiện nay chỉ là tìm mọi biện pháp để giảm thiểu những hậu quả có thể xảy ra mà thôi.

( Theo Tuấn Nhật // SGTT Online)

  • Rắc rối danh vị
  • FBI công bố tài liệu mật về Michael Jackson
  • Chính trị gia: Nghe sự thật chứ không phải điều mình thích - Phần 1
  • Chính trị gia: Nghe sự thật chứ không phải điều mình thích - Phần 2
  • Ireland : “Quan bà” ngoại tình, chính trường nổi sóng
  • Gửi gắm
  • Sarah Palin bị ném cà chua
  • Thủ tướng Italy: Đau thương là cơ hội