Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài học cúm A/H1N1

Các hãng thông tấn, báo chí thế giới trong những ngày gần đây đang rầm rộ đưa tin về loại “siêu vi khuẩn” có khả năng kháng lại hầu hết các loại kháng sinh với tốc độ lây lan siêu nhanh. Sau một số quốc gia ở Nam Á và Anh, Australia đã trở thành điểm dừng chân mới nhất của vi khuẩn chứa gen NDM-1.

Các nhà khoa học bắt đầu bày tỏ sự lo ngại rằng “siêu vi khuẩn” này có thể lan ra khắp thế giới và khẳng định trong tương lai gần sẽ chưa có loại thuốc nào có khả năng tiêu diệt. Vừa trút được gánh nặng về đại dịch cúm A/H1N1, người dân toàn cầu tiếp tục lại sống trong sợ hãi về loại “siêu vi khuẩn” chết người có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Hơn 1 năm trước, WHO đã đưa ra cảnh báo về cúm A/H1N1 gây chấn động-một đại dịch có thể giết hại hàng triệu người. Thế nhưng, thống kê mới đây của WHO cho biết, có 18.500 người đã tử vong vì cúm A/H1N1 trong năm 2009.

Mặc dù theo WHO, con số trên dựa vào các số liệu báo cáo chưa đầy đủ nhưng có thể thấy rằng mức độ tàn phá của cái mà WHO gọi là đại dịch kém xa nhiều những loại cúm thông thường theo mùa, thường xuyên cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới mỗi năm. Trước những diễn biến không còn nguy hiểm của “đại dịch”, WHO đã công bố chấm dứt đại dịch vào ngày 11-8 vừa qua bởi cúm A/H1N1 đã mất đi “tính siêu vi khuẩn” và giờ đã trở thành loại cúm thông thường.

Rất nhiều chính phủ châu Âu và các tổ chức y tế đã chỉ trích WHO về cách xử lý dịch cúm A/H1N1. Họ đã phải bỏ ra chi phí không nhỏ dành cho tích trữ vaccine; hứng chịu những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội… chỉ vì một cảnh báo đại dịch sai, rồi để lại sau đó là bóng đen bao phủ lên Ủy ban Khẩn cấp chỉ đạo chính sách ứng phó với cúm A/H1N1 của WHO.

Theo báo CS Monitor, trong danh sách thành viên của ủy ban này vừa được WHO công bố tuần qua, không ít những cái tên có mối quan hệ mật thiết với các tập đoàn dược phẩm dưới vai trò cố vấn hoặc nhận tài trợ nghiên cứu.

Tuy nhiên, để biến cúm A/H1N1 trở thành đại dịch, truyền thông thế giới cũng góp công không nhỏ. Thông tin về số người tử vong tăng cao mỗi ngày; cảnh báo lây lan từ châu Mỹ đến châu Á; những hình ảnh người người tiêm vaccine, nhà nhà tiêm vaccine chen lấn tại các bệnh viện… xuất hiện đều đặn trên các trang báo gây tâm lý hoang mang, hoảng sợ, làm xáo trộn cuộc sống người dân. Nhiều người chỉ mới hắt hơi, sổ mũi đã lo sợ bị nhiễm cúm A/H1N1, phải bằng mọi giá mua Tamilflu hoặc tiêm phòng vaccine cúm A/H1N1 với giá cắt cổ…

Bài học về cúm A/H1N1 vẫn còn nguyên giá trị trong thời điểm hiện nay. Vì vậy, trong lúc này, các tổ chức y tế cộng đồng và chính phủ các nước phải có nhiệm vụ đưa những thông tin hữu ích, đúng mức đến người dân về siêu vi khuẩn; tránh đưa ra những cảnh báo gây tâm lý hoảng loạn.

Trong khi đó, các phương tiện thông tin đại chúng không nên “câu khách” bằng cách đưa những bài viết giật gân về “đại dịch” chưa chắc có thật này. “Chúng ta cần phải học cách trao đổi thông tin trong thời buổi Facebook, Twitter và e-mails phát triển rầm rộ trên toàn cầu”, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan nhận định. 

(Theo ĐỖ VĂN // SGGP Online)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Bài học an ninh lương thực
  • Đằng sau kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Iraq
  • Những thảm họa được báo trước
  • Kinh tế thế giới rẽ hướng trái chiều
  • Nghiên cứu: Điều gì sẽ xảy ra nếu Nhật Bản không tự làm mới mình ?
  • Trung Quốc: Tự đẩy mình tới rủi ro đối đầu quân sự với các quốc gia láng giềng và Mỹ ?
  • Mỹ can thiệp vào châu Á để thách thức Trung Quốc
  • Thiên tai nặng nề ở nhiều nước