Người ta thường nói hai con hổ không thể sống chung trong một chuồng, và giờ đây năm con hổ BRICS đều đang quây quần về một phía. BRICS đang trở thành một thuật ngữ quen thuộc trên thế giới để gọi nhóm các quốc gia mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và mới nhất là Nam Phi. Trong những ngày nắng đẹp đầu tháng tư ở Washington, những cái đầu xuất sắc nhất của thế giới phát triển quy tụ lại trong hội nghị quan trọng nhất trong năm của Tổ Chức Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới World Bank, bàn về cách đưa hệ thống kinh tế toàn cầu trở về đúng quỹ đạo của nó sau cuộc khủng hoảng tài chính. Cách đó non nửa vòng trái đất, ở thành phố Tam Á bên bờ biển Đông, có một hội nghị khác tuy với số đại diện tham gia ít hơn, nhưng không hề thua kém xét về tầm quan trọng: hội nghị thượng đỉnh lần thứ III của khối BRICS tập trung vào việc cân bằng lại, hay chính xác hơn là xây dựng lại, hệ thống kinh tế chính trị toàn cầu phù hợp với tình hình mới. Thách thức quyền lực phương Tây Thuật ngữ BRIC lần đầu tiên được định nghĩa bởi Jim O'Neill, kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Ẩn đằng sau bốn chữ cái đó là Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), và Trung Quốc (China), bốn trụ cột của thế giới đang phát triển và là một trong các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo Jim O'Neill, trong vòng 10 năm kể từ 2001, sự bùng nổ kinh tế ở các quốc gia nói trên, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ khiến cho sức mạnh kinh tế toàn cầu sẽ có nhiều thay đổi, và kéo theo đó là "hệ thống quyền lực thế giới cũng bị thay đổi theo hướng có lợi cho khối BRIC". Tình hình thế giới 10 năm qua đã chứng minh cho nhận định của Jim O'Neill là hoàn toàn chuẩn xác. Cả bốn quốc gia trong khối BRIC, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, vươn lên trở thành những siêu cường thực thụ của thế giới. Nga dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin đã dần lấy lại sức mạnh mà họ đã có từ thời Liên Xô cũ ở khu vực Đông Âu và khối SNG. Câu chuyện thành công tương tự cũng đến với Brazil ở Nam Mỹ. "Cách đây 10 năm, khi nhắc đến Brazil người Argentina chỉ gạt đi rằng đất nước này chỉ có chuối và điệu samba là nổi tiếng. Và bây giờ, những vũ công Samba này như đang đứng trên dãy Andes và kiêu hãnh nhìn xuống những người Argentina ở phía dưới,", Lilian Franco, nhà báo và chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Argentina chia sẻ quan điểm về sự trỗi dậy của Brazil. Nhắc đến phát triển kinh tế ở Nam Mỹ vào cuối thế kỷ 20, người ta chỉ nhớ đến Argentina. Mười năm sau, trong khi Argentina vẫn đang cố gắng vực dậy nền kinh tế đổ nát sau cuộc khủng hoảng nợ vào năm 2002, Brazil đã vươn lên trở thành nền kinh tế số một Nam Mỹ, và là đối trọng của Hoa Kỳ trong trong khu vực vốn được họ coi là "sân sau". Tránh cạnh tranh đối đầu và phát triển hợp tác kinh tế là điểm mạnh lớn nhất của khối BRIC. Điều này thực hiện được là bởi các quốc gia trên có những thế mạnh riêng mà hoàn toàn có thể bổ trợ cho nhau: Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng hóa số một thế giới, Ấn Độ là siêu cường về công nghệ thông tin, và Brazil và Nga là hai quốc gia hàng đầu về nguyên liệu thô, đặc biệt là dầu mỏ. Tính "song thắng" này khiến cho mối liên kết kinh tế giữa các nước BRIC trở nên vững chắc hơn rất nhiều so với các tổ chức khác. Liên minh kinh tế mạnh tất yếu sẽ dẫn đến liên minh về chính trị. Phát biểu trong hội nghị tại Tam Á, tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng khả năng phát triển BRIC thành một khối đồng minh là "rất khả quan". Trên thực tế, một khối liên minh chính trị giữa các quốc gia này đã manh nha hình thành sau hội nghị thượng đỉnh nói trên. Điều này thể hiện ở sự đồng thuận giữa các quốc gia trong khối về vấn đề ở Trung Đông (tỏ thái độ không hài lòng với hành động tiếp tay cho xung đột quân sự của phương Tây), và cải tổ Liên Hợp Quốc (mở rộng số thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An với sự tham gia của Ấn Độ, Nam Phi, và Brazil). Những vấn đề chính trị được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này là một bước đột phá của BRIC, vì trước đây các hội nghị của khối này thường chỉ tập trung vào vấn đề phát triển hợp tác kinh tế. Kỷ nguyên mới của thế giới đa cực Trật tự của thế giới hiện nay được xây dựng sau chiến tranh thế giới thứ hai, với ban đầu là "hai cực" Liên Xô và Mỹ. Sau khi Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu sụp đổ, người ta đã cho rằng thời của thế giới đa cực đã đến. Tuy vậy, thế giới sau chiến tranh lạnh chứng kiến tham vọng trỗi dậy của Mỹ và phương Tây về một thế giới đơn cực dưới quyền chỉ huy của họ. Về chính trị, phương Tây là phe duy nhất thực hiện những cuộc chiến tranh can thiệp "vì công lý và dân chủ" trên toàn cầu: hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh, can thiệp ở Nam Tư, Afghanistan, và vô số dính líu tới những việc lật đổ các chính quyền không "hợp cạ" với họ. Về kinh tế, nhóm các nước G7 do Mỹ thống trị định hình luật chơi của kinh tế toàn cầu, với hai tổ chức vận hành chính là IMF và World Bank. Đồng USD giữ vai trò thống trị trong thương mại quốc tế, tạo cơ sở cho quốc gia này trở thành con nợ lớn nhất thế giới (bằng cách in tiền, phát hành trái phiếu để tài trợ cho tiêu dùng và đầu tư), mà chưa bao giờ gặp phải nguy cơ siêu lạm phát hay vỡ nợ. Quá trình đàm phán tự do hóa thương mại toàn cầu ở Doha bị ngưng lại do Mỹ nhất quyết không thay đổi chính sách trợ cấp nông nghiệp gây nhiều tranh cãi. Với sức mạnh kinh tế và chính trị của mình, thế giới phương Tây đã và đang cố gắng áp đặt một trật tự thế giới phục vụ cho lợi ích của họ. Thế nhưng tình thế bây giờ đã thay đổi, không còn giống như thời điểm trật tự đó được hình thành cách đây 60 năm. Các thế lực kinh tế mới, cụ thể là BRIC, đã gia nhập vào cuộc chơi. Và với sức mạnh ngày càng lớn, họ đương nhiên yêu cầu một vị trí tương xứng hơn trên trường chính trị toàn cầu. Yêu cầu này càng trở nên có trọng lượng hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và những bất ổn kinh tế ở Mỹ và Châu Âu vừa qua. Trong khi thế giới phát triển vẫn đang lao đao tìm lối thoát, thì BRIC tiếp tục thành tích phát triển ấn tượng. Thậm chí, chính nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào ở các quốc gia này được coi là phao cứu cánh cho các nền kinh tế phát triển trong thời khủng hoảng. Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nắm giữ hơn một nghìn tỷ đô la trái phiếu của nước này. Và một thông tin ít người biết đến, đó là việc chính phủ Trung Quốc bỏ ra gần 60 tỷ đô la Mỹ để tham gia vào gói cứu trợ cho cuộc khủng hoảng nợ hiện nay của Châu Âu. Sau hội nghị ở Tam Á cuối tuần qua, các nước BRIC đã bắt đầu lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho vị trí mới của mình. Đầu tiên là yêu cầu mở rộng thêm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, cho phép sự tham gia hiệu quả hơn của các quốc gia đang phát triển vào hệ thống quyết định chính sách quan trọng nhất toàn cầu. Tiếp theo đó là sự cải tổ lại hệ thống tiền tệ quốc tế, vốn lâu nay nằm dưới quyền chỉ đạo của IMF và World Bank, đứng đằng sau là Mỹ và các nước EU. Như chúng ta vẫn thường thấy, lãnh đạo của hai tổ chức này chỉ là sự luân phiên chia sẻ quyền lực giữa Mỹ và Châu Âu. Tuy vậy,"cái gọi là kỷ nguyên của sự thống nhất giữa Mỹ và Châu Âu trong việc phân chia quyền lực ở IMF và World Bank đã đến hồi kết. Đã đến lúc chúng ta có thể có một vị chủ tịch IMF đến từ thế giới đang phát triển," Dominic Strauss-Kahn, giám đốc điều hành của IMF tuyên bố. Tầm ảnh hưởng của đồng USD cũng sẽ chịu tác động rất nhiều kể từ sau hội nghị này. Các lãnh đạo của BRIC đã thống nhất thiết lập một lộ trình nhằm "phi Đô la hóa" trong giao dịch kinh tế giữa các nước thành viên, bằng việc tăng cường sử dụng các đồng bản tệ (Nhân dân tệ, Real, Rupi, Rúp, và Rand). Với tỉ trọng rất lớn trong thương mại toàn cầu, quyết tâm này của BRIC có thể sẽ là điểm khởi đầu cho sự kết thúc vai trò độc tôn của đồng Đô la trong thanh toán quốc tế. Và nước Mỹ có đủ lý do để lo ngại về xu hướng này. Thống nhất và chia rẽ Các quốc gia trong BRIC đều là những đại diện tiêu biểu nhất trong các khu vực của mình. Trung Quốc và Ấn độ là hai nền kinh tế mạnh nhất châu Á, Nga thống trị khu vực Đông Âu và Trung Á, Brazil đứng đầu Nam Mỹ, và thành viên mới Nam Phi (chính thức gia nhập BRICS sau hội nghị Tam Á), là nền kinh tế tiên tiến nhất châu Phi. Người ta thường nói hai con hổ không thể sống chung trong một chuồng, và giờ đây năm con hổ BRICS đều đang quây quần về một phía. Xung đột về quyền lợi là điều tất yếu sẽ diễn ra, đặc biệt là ở châu Á, khi cả Trung Quốc, Ấn Độ, và Nga đang tranh giành ảnh hưởng ở những vị trí chiến lược khác nhau trong khu vực. Ở Trung Á, đó là việc Trung Quốc gia tăng hợp tác với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, vốn là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga. Ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, chiến lược "chuỗi ngọc trai" (Ring of Pearls) của Trung Quốc, nhằm kiểm soát khu vực tối quan trọng trong vận tải biển quốc tế này, đặc biệt là con đường vận chuyển nguyên liệu thô từ châu Phi, đang tạo ra một tâm lý lo ngại nhất định cho Ấn Độ. Về vấn đề thương mại, cũng như nhiều quốc gia khác có quan hệ kinh tế với Trung Quốc, các quốc gia BRICS đều phàn nàn với nước chủ nhà về sự định giá quá thấp của đồng Nhân dân tệ, gây tổn hại đến xuất khẩu của và làm gia tăng nhập khẩu hàng hóa "Made in China". Châu Phi giàu tiềm năng về nguyên liệu thô cũng là nơi mà cả Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Brazil đang cố tranh giành ảnh hưởng, cùng với "nước thổ địa" Nam Phi. Tất cả những vấn đề kể trên sẽ là những trở ngại lớn nhất mà các quốc gia BRICS phải vượt qua, nhằm xây dựng được một khối liên minh kinh tế và chính trị đủ mạnh để thay đổi hệ thống quyền lực toàn cầu do phương Tây tạo ra. Trên thực tế, các quốc gia BRICS đều rất trẻ xét về mặt phát triển kinh tế, và họ đều có đủ tài nguyên, sức mạnh kinh tế, chính trị, và quân sự, để bảo vệ hòa bình và phát triển bền vững của thế giới, trong khi phương Tây đang ngày càng đi xuống hoặc sụp đổ dưới những góc nhìn nhất định. Theo Zhou Fang, biên tập viên cấp cao của ban thông tin đối ngoại thuộc Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền Trung Quốc, đoàn kết và hợp tác là con đường duy nhất để BRICS cân bằng lại và giải cứu thế giới khỏi "phương Tây tham lam", thế lực phải chịu trách nhiệm cho hàng nghìn cuộc chiến tranh đẫm máu, ô nhiễm môi trường và nghèo đói trên thế giới trong hàng trăm năm qua. "BRICS đại diện cho tương lai của thế giới, " Ông Zhou Fang kết luận.Các lãnh đạo BRICS tại hội nghị của nhóm vào giữa tháng 4/2011.
--------------------------------
Tác giả: KHẮC GIANG
Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com