Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Căng thẳng liên Triều: Khi nào lật lá bài tẩy?

CHDCND Triều Tiên kịch liệt phê phán Hàn Quốc không cho phép phái đoàn của Bình Nhưỡng sang Seoul để kiểm tra các chứng cứ do uỷ ban Điều tra quốc tế công bố liên quan đến kết luận tàu Cheonan bị ngư lôi Bắc Triều Tiên bắn chìm.

Trong những ngày này, người dân Hàn Quốc liên tục biểu tình phản đối hành động của Bắc Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Theo một điều khoản trong hiệp định cơ bản năm 1992 giữa hai miền Triều Tiên, Bình Nhưỡng và Seoul sẽ giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại. Triều Tiên đã viện dẫn điều 10, chương 2 của hiệp định khi đưa ra đòi hỏi cử phái đoàn sang Hàn Quốc.

Động thái này của Triều Tiên hé lộ một phần trong các nỗ lực của Triều Tiên muốn giải quyết hậu quả sự cố Cheonan. Trong chuyến thăm nửa bí mật nửa công khai sang Trung Quốc từ 3 – 7.5 của Chủ tịch Kim Jong Il, phía Bắc Triều Tiên khẳng định không hề có trách nhiệm gì trong vụ chìm tàu nói trên. Hình như phía Trung Quốc đã khuyên Chủ tịch Kim vậy thì im lặng là cách tốt nhất trong vụ này.

Lá bài tẩy thứ nhất

Tuy nhiên, thái độ đe doạ có phần “quá hăng hái” của Triều Tiên trong việc bác bỏ lời buộc tội của phía Hàn Quốc cho thấy Bình Nhưỡng không hoàn toàn tuân thủ lời khuyên của Bắc Kinh.

Dư luận còn nhớ năm 2002, Chủ tịch Kim Jong Il đã làm cho Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Junichiro Koizumi ngạc nhiên, khi ông Kim thừa nhận điệp viên Bắc Triều Tiên đã bắt cóc các công dân Nhật và đồng ý sẽ cho phép một số con tin trở về Nhật Bản. Dĩ nhiên là trước đó, Bắc Triều Tiên từng mạnh mẽ bác bỏ vụ bắt cóc này. Dư luận lần này có quyền nghi ngờ rằng vào một thời điểm phù hợp nào đó, Triều Tiên sẽ “bật mí” cho Hàn Quốc những tin tức liên quan đến chiến hạm “xấu số” Cheonan.

Một chuyện “khá lạ” vừa xảy ra ở Bình Nhưỡng khiến dư luận chăm chú theo dõi và dự đoán khi nào thì Triều Tiên lật lá bài tẩy của mình trong ván bài Cheonan hiện nay. Ngày 14.5, uỷ viên hội đồng Quốc phòng (NDC) kiêm thứ trưởng thứ nhất các lực lượng vũ trang nhân dân Kim Il Chol được nghỉ hưu vì “thiếu một ngày nữa” vị uỷ viên này bước sang tuổi 80.

“Khá lạ” vì ở Triều Tiên không có chế độ về hưu theo tuổi. Hơn nữa, vị uỷ viên nói trên còn trẻ hơn hai thành viên khác trong NDC này lại là vị anh hùng trong vụ Triều Tiên bắt sống tàu chiến USS Pueblo năm 1968. Chưa kể vị này từng là “đồng minh” quan trọng của Chủ tịch Kim trên con đường hoạn lộ của ông từ năm 1994, lúc ông Kim cha vừa mới qua đời.

Chuyện tước mất một số phẩm hàm của Kim Il Chol xảy ra trước cả vụ Cheonan, nhưng việc cho vị đại thần khai quốc này về hưu ngay vào lúc này có vẻ như phản ánh ý kiến vênh nhau trong lãnh đạo cấp cao xung quanh sự cố Cheonan và cách giải quyết hậu quả. Vị lão tướng này sẽ trở thành “con dê tế thần” nếu cần dàn xếp căng thẳng với Seoul.

Giả định nói trên có vẻ khớp với đòi hỏi của Tổng thống Lee Myung Bak hôm 24.5 khi ông này đòi Bắc Triều Tiên phải xin lỗi và trừng phạt những người có trách nhiệm trong vụ chìm tàu.

Lá bài tẩy thứ hai

Từ đầu đến giờ Trung Quốc cố giữ thái độ trung lập trong sự cố Cheonan. Trung lập như vậy, dĩ nhiên Trung Quốc muốn bày tỏ thái độ ủng hộ quan điểm của Triều Tiên. Trong khi thương mại hai chiều Trung – Hàn hiện gấp 60 lần thương mại Trung – Triều và đầu tư của Hàn Quốc ở Trung Quốc cũng là một nguồn rất quan trọng. Vật cược lớn là thế, tại sao Trung Quốc lại ủng hộ Bắc Triều Tiên mà không ủng hộ Hàn Quốc trong vụ này?

Giải đáp thắc mắc này không gì khác ngoài vai trò “kiến trúc sư trưởng” của Trung Quốc trong cuộc đàm phán ma-ra-tông sáu bên về vấn đề giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Bắc Kinh tính toán rằng, một Triều Tiên thống nhất hay một Triều Tiên khủng hoảng đều sẽ làm tổn hại đến khả năng của Trung Quốc trong việc sử dụng Bắc Triều Tiên như là một đòn bẩy trong quan hệ quốc tế ở khu vực và trên toàn cầu. Trung Quốc là nước lớn duy nhất có quan hệ “gần gũi” với Triều Tiên và có thể có những ảnh hưởng nhất định đối với Bình Nhưỡng. Trong cả hai kịch bản này Trung Quốc đều sẽ đánh mất “khu vực trái độn” mà Triều Tiên đã giữ trong suốt sáu thập kỷ qua.

Không phải ngẫu nhiên một tờ báo phương Tây đã từng bình luận, chính sách “ba không” của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên: không hạt nhân, không khủng hoảng, không thống nhất quả là một chính sách “huyền diệu” (?)

Trở lại đòi hỏi của Triều Tiên cử đoàn sang Hàn Quốc chúng ta có thể đoán đợi một kịch bản đỡ căng thẳng hơn hiện nay. Một là vì khi viện dẫn tới hiệp định cơ bản, Bình Nhưỡng muốn khoanh vụ này lại trong khuôn khổ liên Triều, hơn là dựa vào oai mấy ông lớn. Hai là làm như vậy, Bình Nhưỡng muốn gửi đi thông điệp tới người anh em ở phía Nam rằng họ muốn giữ cầu và muốn đối thoại thay cho đối đầu.

Một ngày nào đấy, Triều Tiên có thể làm cho Hàn Quốc và thế giới ngạc nhiên khi họ cởi bỏ bức màn bí mật xung quanh vụ Cheonan. Điều này có thể xảy ra trước 2012. Lúc đó, Bắc Triều Tiên hy vọng sẽ hoàn thiện xong quá trình “kế vị”. Mặt khác, Hàn Quốc lúc đó sẽ tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội và đó là dịp Triều Tiên có thể có ảnh hưởng nhất định nào đó đối với quan hệ liên Triều.

(Theo Nguyễn Hồng Mai // SGTT Online)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Mỹ: Đức mới là “nguồn gốc” của khủng hoảng nợ châu Âu
  • "Nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nguy cơ giảm phát"
  • Tàu cao tốc, chuyện bên “Tây”
  • Thế giới tuần từ 17-22/5: Bức tranh sáng tối
  • Trực thăng hiện đại nhất châu Âu mạnh tới mức nào?
  • Tham nhũng và tham vọng đồng tiền chung
  • Âm mưu đánh bom ở New York: Vai trò của Taliban Pakistan
  • Tàu hải quân Hàn đắm do ngư lôi của Triều Tiên?