Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Âu mừng và lo trước Trung Quốc

 Làn sóng đầu tư ồ ạt cùng lời đề nghị giúp đỡ về kinh tế hấp dẫn từ Trung Quốc trong thời gian gần đây đã khiến châu Âu, dù đang đối đầu với “bão tài chính”, cũng phải dè dặt trước khả năng bị thâu tóm.

Ở châu Âu, Đức là quốc gia thường mạnh miệng chỉ trích Trung Quốc. Nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tìm được tiếng nói chung về kinh tế tại Phủ thủ tướng Đức ở Berlin hôm 7-1 - Ảnh: Reuters

Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa đến Scotland hôm qua (9-1) cho chuyến thăm vương quốc Anh trong bốn ngày. Theo BBC, mục đích chính của chuyến thăm vẫn là giao thương và đầu tư. Như vậy cũng chẳng khác hai chặng dừng chân trước tại Tây Ban Nha và Đức, nơi ông Lý rời đi với các hợp tác hoặc lời hứa nặng ký hàng tỉ euro.

Hợp đồng tiền tỉ

Theo Deutsche Welle, tại Đức, với đội ngũ tháp tùng hơn 100 doanh nghiệp Trung Quốc, Phó thủ tướng Lý đã đạt được 11 thỏa thuận hợp tác trị giá 8,7 tỉ euro (11,3 tỉ USD), lớn nhất trong đó là thỏa thuận trong ngành sản xuất ôtô với các đại gia Volkswagen và Mercedes-Benz danh tiếng lâu nay của Đức trị giá đến 6,2 tỉ USD.

Thôn tính doanh nghiệp

Không chỉ bỏ tiền đầu tư, các công ty Trung Quốc cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm đến việc thôn tính doanh nghiệp EU, làm dấy lên những tranh cãi trong giới lãnh đạo châu Âu. Nổi cộm nhất chính là thương vụ Công ty Xinmao quyết định mua lại hãng sản xuất cáp viễn thông lớn thứ ba châu Âu Draka của Hà Lan sau khi “nốc ao” hai đối thủ là Nexans đến từ Pháp và Prysmian của Ý bằng mức giá vượt trội 1,3 tỉ USD. Mùa hè năm ngoái, Tập đoàn Geely của Trung Quốc cũng chính thức mua lại Hãng sản xuất ôtô Volvo của Thụy Điển với giá 1,5 tỉ USD. Hay trước đó Tập đoàn vận tải Cosco cũng mua lại quyền kiểm soát hai khu cảng Piraeus của Hi Lạp nhằm mở cửa cho hàng hóa vào châu Âu.

Chuyến thăm ở Tây Ban Nha cũng được đánh giá thành công với các gói hợp tác trị giá hơn 7,5 tỉ USD. China Daily dẫn lời ông Lý cho biết các thỏa thuận và hợp tác bao gồm 16 chương trình thuộc các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải và truyền thông. “Đối với Tây Ban Nha, 7,5 tỉ USD là một con số rất lớn và là cú hích rất đúng thời điểm cho nền kinh tế nước này” - chuyên gia về châu Âu Zhang Min thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc nhận xét.

Thậm chí ngay trước ngày rời Tây Ban Nha, ông Lý còn hứa hẹn Trung Quốc sẵn sàng mua đến 6 tỉ euro tiền nợ của nước này. Không ít nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh cả thế giới cần tiền như hiện nay thì với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên đến 2.700 tỉ USD, Trung Quốc đang đĩnh đạc đóng vai “anh lính cứu hỏa” của cả thế giới.

Trung Quốc cũng không che giấu điều đó. Hồi đầu tháng 10-2010, trong chuyến viếng thăm Hi Lạp và cũng nói toàn chuyện đầu tư và hỗ trợ mua nợ, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng khẳng định: “Trung Quốc đang từ từ đan mạng lưới của mình. Trung Quốc có tiền và muốn giúp đỡ các nước sử dụng đồng euro”.

Những lời nói và hành động của Trung Quốc khiến không ít nhà phân tích phải vò đầu bứt tai tìm hiểu động cơ đó. Thậm chí tờ The Christian Science Monitor số ra ngày 5-1 đã đặt thẳng tựa bài “Trung Quốc muốn gì khi vung tiền ở châu Âu?”. Trung Quốc thật sự muốn gì có lẽ chỉ họ mới có được câu trả lời xác đáng.

Châu Âu dè dặt

Nhưng phía cộng đồng euro dù đang khó khăn cũng bắt đầu cảnh giác. Trong buổi phỏng vấn ngày 27-12-2010, ủy viên công nghiệp Liên minh châu Âu (EU) Antonio Tajani đã tuyên bố EU, như Mỹ từng làm, cần phải bảo vệ những ngành công nghiệp chiến lược của mình khỏi sự ảnh hưởng của những công ty nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc. “Công ty Trung Quốc đang dùng nhiều cách để mua ngày càng nhiều các doanh nghiệp châu Âu có những kỹ thuật chủ chốt trong các lĩnh vực quan trọng” - ông Tajani tuyên bố thẳng với nhật báo Handelsblatt của Đức.

Theo ông Tajani, sự đầu tư của Trung Quốc không chỉ nhằm mục đích nắm bắt các thương hiệu hay hệ thống phân phối mà còn là sức mạnh công nghệ của châu Âu. “Đây là vấn đề về đầu tư, nhưng đằng sau là một chính sách chiến lược mà châu Âu phải đối phó bằng chính trị”. Còn Bộ trưởng Nội vụ Đức Stefan Paris cho rằng một phần mục tiêu đằng sau chính là quốc phòng: “Truyền thông điện tử ngày càng dễ bị tấn công. Nó không giống như những gì bạn thấy 30 năm trước trong các bộ phim là các điệp viên sẽ gắn những máy quay nhỏ xíu vào túi xách, chụp ảnh rồi tẩu thoát”.

Số liệu cho thấy trong năm 2010, đầu tư của Bắc Kinh vào thị trường phương Tây đã tăng 12%, lên 50 tỉ USD, tức gấp 10 lần số vốn của EU rót vào Trung Quốc, biến nước này thành nhà đầu tư lớn thứ ba của EU. Theo Cục Thống kê Eurostat, xuất khẩu của EU vào Trung Quốc trong chín tháng đầu năm ngoái khoảng 108 tỉ USD, trong khi chiều ngược lại lên đến 267 tỉ USD. Thương mại EU - Trung Quốc cũng đạt hơn 433 tỉ USD năm 2010, tăng 33%.

Nhiều lãnh đạo của Ý, Pháp và Bỉ đã bày tỏ lo ngại trước làn sóng thâu tóm từ Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, ông Tajani đã đề xuất thành lập một cơ quan kiểm soát đầu tư của EU đối với các khoản đầu tư nước ngoài. Theo các chính trị gia Ý, cơ quan này sẽ dựa trên mô hình Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ, có chức năng giám sát các nguy cơ trong những vụ thâu tóm của các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên Bộ trưởng Kinh tế Đức Rainer Bruederle ngay sau đó đã lên tiếng phản đối ý định hạn chế đầu tư, thậm chí cho rằng châu Âu cần mở rộng thị trường và đặt ra những điều kiện hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa. Dù vậy ông cũng thừa nhận cần có một số biện pháp kiểm tra cần thiết để trấn an những lo ngại về an ninh và trật tự xã hội.

TRẦN PHƯƠNG - N.QUÂN tổng hợp// Theo Tuổi Trẻ

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Châu Phi-Trung Quốc: “Dựa vào nhau mà sống”?
  • “Tỷ giá Nhân dân tệ không quyết định thương mại Trung-Mỹ”
  • Kinh tế 24h qua: Rủi ro lớn nhất
  • Những tín hiệu khả quan từ kinh tế thế giới
  • Kinh tế 24h qua: Hậu họa vô cùng
  • Kinh tế 24h qua: “Bão” lương thực bắt đầu nổi
  • Những kỷ lục Guinness thế giới về tiền và vàng
  • Đến khi nào kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ?