Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Công nghiệp sáng tạo: cơ hội cho các nước đang phát triển

Làng điện ảnh Nollywood của Nigeria với doanh thu 2,75 tỉ đô la Mỹ hàng năm, chỉ xếp sau Mỹ và Ấn Độ. Ảnh: Jaguda

Theo báo cáo“Nền kinh tế sáng tạo năm 2010: một sự lựa chọn phát triển khả thi”được cơ quan của Liên hiệp quốc công bố ngày 30-3, ngành công nghiệp sáng tạo từ sách, thiết bị nghe nhìn đến âm nhạc và nghệ thuật trình diễn đạt gần 600 tỉ đô la Mỹ giá trị xuất khẩu trong năm 2008 mặc dù kinh tế toàn cầu suy thoái, tăng gấp đôi so năm 2002.

Báo cáo nhận định ngành công nghiệp sáng tạo có khả năng chịu đựng cao hơn trước tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu so với các ngành công nghiệp sản xuất truyến thống. Trung bình, nền kinh tế sáng tạo có tốc độ tăng trưởng 14% hàng năm, trong khi thương mại toàn cầu giảm 12% vào năm 2008 và đến nay vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Theo cáo cáo, ngành công nghiệp sáng tạo bao gồm âm nhạc, thời trang, phim ảnh, sách và các sản phẩm văn hóa khác, có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế. Ngành công nghiệp sáng tạo được xem là ngành có thể đi tắt đón đầu vươn lên trở thành một trong những ngành phát triển năng động nhất của nền kinh tế thế giới.

Không tính mảng dịch vụ sáng tạo, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của các nước đang phát triển đạt 176 tỉ đô la Mỹ trong năm 2008, chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa sáng tạo trên toàn cầu với tốc độ tăng trưởng hàng năm 13,5% trong giai đoạn 2002-2008.

Bà Edna dos Santos-Duisenberg, Giám đốc chương trình nền kinh tế và các ngành công nghiệp sáng tạo của Hội nghị thương mại và phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), nhận định: “Công nghệ mới và mạng internet tạo ra cho các nước đang phát triển một sự chọn lựa khả thi để thúc đẩy nền công nghiệp sáng tạo cũng như sự làm chủ của doanh nghiệp công nghiệp trong thị trường toàn cầu".

Báo cáo đưa ra 40 ví dụ cụ thể để chứng minh cho sự phát triển năng động của ngành công nghiệp sáng tạo. Các thành công của ngành kinh tế sáng tạo, chẳng hạn như nhạc kịch opera ở Mexico và Brazil, ngành điện ảnh ở Ấn Độ, nhạc Reggae ở Jamaica và các lễ hội hóa trang ở Brazil và các nước khu vực Caribê đã giúp các nước này thúc đẩy thương mại, tạo việc làm.

Báo cáo cũng đánh giá cao ngành điện ảnh đang phát triển ở Nigeria, hay còn gọi là làng điện ảnh Nollywood, có doanh thu 2,75 tỉ đô la Mỹ hàng năm và sản xuất ra 1.000 phim mỗi năm. Nigeria xếp thứ ba chỉ sau Mỹ và Ấn Độ về sản xuất phim ảnh. Chính phủ Nigeria đầu tư vào ngành công nghiệp điện ảnh, cải cách các chính sách và mở rộng đào tạo để thúc đẩy sản xuất và phát hành phim ảnh vì đó là nguồn lợi lớn nhất chỉ sau xuất khẩu dầu.

Một quan chức của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nói: “Nếu được nuôi dưỡng tốt, nền kinh tế sáng tạo có thể là nguồn động lực cho tăng trưởng kinh tế xã hội, việc làm, thương mại và sự đổi mới đồng thời đóng góp cho hòa nhập xã hội, đa dạng văn hóa, sự phát triển con người bền vững”.

Chủ tịch Ủy ban cao cấp về hợp tác Nam-Nam (South-South Cooperation) của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, bà Josephine Ojiambo, mô tả nền kinh tế sáng tạo như “một giải pháp năng động cho các vấn đề quan trọng nhất mà thế giới ngày nay đang đối mặt” như trao quyền lực cho phụ nữ, tạo cơ hội việc làm cho thế hệ trẻ và giảm các xung đột.

Nền kinh tế sáng tạo dựa vào ý tưởng, kiến thức, kỹ năng và khả năng nắm bắt cơ hội. Sự phát triển của cuộc cách mạng số, đặc biệt là điện thoại di động, cùng với sự tác động của các mạng xã hội đã mở ra thị trường và các kênh phân phối đối với âm nhạc, phim ảnh, tin tức, quảng cáo… giúp mở rộng các lợi ích của nền kinh tế sáng tạo. Báo cáo cũng nhấn mạnh nền kinh tế sáng tạo và nền kinh tế xanh sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tăng trưởng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // UN)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Thập kỷ tới sẽ là “Thập kỷ Mỹ Latinh”?
  • Đã đến lúc IMF xóa nợ cho các nước nghèo
  • Kinh tế 24h qua: Rò rỉ thông tin mật
  • Kinh tế toàn cầu tăng nỗi lo?
  • Kinh tế 24h qua: Châu Âu “trên đe dưới búa”
  • Hơn một tỷ người thiếu nước sạch vào năm 2050
  • Kinh tế 24h qua: Lạc quan hay bi quan?
  • Dày đặc nỗi lo sau thảm họa hạt nhân Fukushima