Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung – Mỹ liệu có xung đột?

Trung Quốc còn phải đi một quãng đường dài mới có thể thách thức Mỹ như trước đây Kaiser của nước Đức đã vượt qua Anh quốc vào đầu thế kỷ trước.

 
 

Một thế kỷ trước đây sự trỗi dậy của nước Đức và nỗi sợ hình thành ở Anh quốc đã dẫn đến cuộc chiến Thế giới. Một số nhà phân tích giờ đây cũng dự đoán số phận tương tự khi mà Trung Quốc đang nổi lên và nỗi sợ ở nước Mỹ cũng đang hình thành.

Người đời sẽ phải bi quan trước một dự phóng về tương lai thảm khốc như vậy. Cho tới năm 1900, nước Đức đã vượt Anh quốc về sản xuất công nghiệp và Kaiser (Hoàng đế Đức) lúc đó theo đuổi một chính sách đối ngoại toàn cầu mang tính phiêu lưu dẫn đến cuộc đụng đầu với các cường quốc khác. Giờ đây thì trái lại, Hoa Kỳ đang còn vượt xa Trung Quốc cả về sức mạnh kinh tế

 lẫn quân sự và mối quan tâm chủ yếu của Trung Quốc vẫn tập trung vào những đối sách  mang tính khu vực và phát triển kinh tế.

Nếu có lúc "mô hình kinh tế thị trường Leninnit" (hay còn gọi là "sự đồng thuận Bắc kinh") đã tạo ra một quyền lực mềm có sức thu phục một số quốc gia toàn trị thì tại các nước dân chủ nó lại gây nên hiệu ứng ngược.

Ngay cả khi GDP của Trung Quốc vượt Hoa kỳ đi chăng nữa vào khoảng năm 2030 (theo dự báo của Goldman Saschs) thì khi đó dù ngang bằng về tầm cỡ nhưng hai nền kinh tế vẫn rất khác nhau về cơ cấu. Trung Quốc lúc đó vẫn có một khu vực nông thôn kém phát triển rộng lớn đồng thời sẽ phải bắt đầu đối mặt với các vấn nạn dân số do hậu quả của chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ được có một con thực thi trong thế kỷ XX.

Hơn nữa, khi các quốc gia phát triển thì đến một giai đoạn nào đó tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Giả định rằng Trung Quốc sau năm 2030 đạt mức tăng trưởng 6% còn Mỹ là 2% thì tính bình quân thu nhập theo đầu người của Trung Quốc cho tới nửa sau của thế kỷ này vẫn chưa thể bằng Mỹ .

Trung Quốc còn phải đi một quãng đường dài mới có thể thách thức Mỹ như trước đây Kaiser của nước Đức đã vượt qua Anh quốc vào đầu thế kỷ trước.

Khác với Ấn Độ là một quốc gia ra đời cùng với bản hiến pháp dân chủ , Trung Quốc cho tới bây giờ vẫn chưa tìm được con đường để giải quyết vấn đề nhu cầu tham gia đời sống chính trị của người dân (hay vấn đề dân chủ xã hội) ắt phải phát sinh khi mà thu nhập theo đầu người gia tăng.

Lý tưởng chủ nghĩa cộng sản đã bị xói mòn và nhạt phai dẫn tới việc tính hợp pháp của đảng cầm quyền bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc đại Hán.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo gần đây đề cập nhiều đến cải cách nhưng dường như ông đã vấp phải sự chống đối của các lực lượng bảo thủ. Hệ thống chính trị của Trung Quốc bị nhiễm căn bệnh tham nhũng ở mức rất nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và gây nên bất ổn xã hội.

Cho dù Trung Quốc có tìm ra công  thức ứng phó với giai cấp trung lưu thành thị đang trở nên ngày một đông đảo thì tình trạng bất bình đẳng giữa các vùng lãnh thổ và sự bất bình của các sắc dân thiểu số vẫn là một đặc điểm rõ nét. Ông Tập Cận Bình, người mới đây được đề nghị vào vị trí của nhà lãnh đạo kế cận (khi diễn ra đại hội ĐCS Trung Quốc năm 2012) có lẽ cũng chưa thể hình dung được tương lai của đời sống chính trị Trung Quốc sẽ biến chuyển như thế nào.

Thế hệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nhận thức rằng tốc độ  tăng trưởng kinh tế chính là điểm mấu chốt của sự ổn định chính trị trong nước nên họ đã tập trung vào việc phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường quốc tế mà họ gọi là "hài hòa" để không làm gián đoạn sự tăng trưởng đó. Thế nhưng các thế hệ luôn thay đổi, mà quyền lực thì hay sinh ra sự ngạo mạn, sự thèm khát đôi khi tiến triển thành thói tham ăn.
 

Điều đã xảy ra là có một số lãnh đạo trẻ hơn trong ĐCS và quân đội cho rằng thành công mà Trung Quốc có được nhờ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phải được dẫn tới một vai trò chính trị lớn hơn, và kết cục là Hoa Kỳ vào mùa hè năm ngoái (2010) đã phải bác bỏ luận điểm "lợi ích cốt lõi" ở Biển Đông bao gồm cả khu vực xa bờ do phía Trung Quốc đơn phương hoạch định cho mình.

Bất kể ý định của Trung Quốc như thế nào thì khả năng quân sự của họ đủ để xua đuổi Hoa Kỳ ra khỏi vùng Đông Á sẽ vẫn là một điều đáng ngờ. Khu vực này có sự cân bằng quyền lực bên trong  riêng của mình , và trong bối cảnh đó rất nhiều quốc gia tiếp tục hoan nghênh sự hiện diện của Hoa kỳ ở đây.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đối chọi với  phản ứng của các quốc gia khác trên thế giới trong khi vẫn phải đương đầu với những ràng buộc do chính mục tiêu phát triển kinh tế mà họ đặt ra cũng như nhu cầu ngày một gia tăng đối với thị trường tiêu thụ và nguyên liệu sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Thái độ quân sự quá hung hăng có thể dẫn tới sự hình thành một liên minh đối lập trong hàng ngũ các nước láng giềng và sẽ làm suy yếu cả quyền lực cứng cũng như mềm của Trung Quốc.

Phản ứng thái quá gần đây của Trung Quốc trong vụ va chạm hàng hải gần đảo đang tranh chấp Senkaku đã dẫn đến việc Nhật Bản lựa chọn một thái độ cứng rắn hơn trước. Cuộc thăm dò dư luận gần đây của tổ chức PEW tại 16 quốc gia trên thế giới đã cho thấy một thái độ tích cực đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế chứ không phải là quân sự.

Việc Trung Quốc khó có khả năng để trở thành đối thủ ngang phân với Hoa Kỳ trên tầm quốc tế không có nghĩa là mối đe dọa xung đột ở Châu Á đã bị loại trừ. Nếu nhìn nhận những thách thức toàn cầu mà cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng phải đối mặt như sự ổn định tài chính, an ninh mạng, thay đổi khí hậu thì cả hai quốc gia sẽ được nhiều hơn nếu cùng hợp tác.

Đáng tiếc là sự ngạo mạn và chủ nghĩa dân tộc của một bộ phận người dân Trung Quốc cùng nỗi sợ hãi không cần thiết về một sự suy tàn trong một số người Mỹ đang làm cho việc hợp tác đó gặp khó khăn.
-------------------------------------------------

Phạm  Gia Minh gt
Nguồn:Tuần Việt Nam

 

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Giải mã "bước đi" thống trị nền kinh tế toàn cầu của Trung Quốc
  • Lạm phát: Nỗi lo không của riêng ai
  • Kinh tế 24h qua: Rủi ro chực chờ
  • Lãnh đạo IMF: Đã tới lúc châu Á phất cờ?
  • Trục kinh tế thế giới đang thay đổi
  • ADB: 40 năm nữa sẽ là kỷ nguyên của châu Á
  • Chính sách thuế - Công cụ quan trọng vượt qua khủng hoảng
  • Kinh tế 24h: Thảm họa nối liền thảm họa