Kinh tế toàn cầu đang phục hồi bền vững, nhưng rủi ro vẫn còn, như giá dầu và hàng hóa leo thang, kinh tế Trung Quốc có khả năng giảm tốc mạnh hơn dự báo, tài chính bất ổn tại Mỹ và Nhật Bản, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo.
Trong báo cáo mới nhất đưa ra hôm qua (25/5), OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của kinh tế thế giới ở mức 4,2% trong năm 2011 và 4,6% trong năm 2012. Trong đó, Mỹ dự báo tăng trưởng 2,6% trong năm nay và 3,1% trong năm tiếp theo. Khu vực đồng Euro là 2% và 3,1%.
Cũng theo báo cáo trên, OECD đã ra lời khuyến nghị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nên bắt đầu tăng lãi suất cơ bản đồng USD, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì nên tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ đồng Euro.
Kết quả nghiên cứu của hãng kiểm toán hàng đầu thế giới Ernst & Young cho thấy, đầu tư nước ngoài vào châu Âu trong năm 2010 đã tăng lên mức cao chưa từng có, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu.
Cụ thể, số dự án đầu tư tăng 14% lên mức cao kỷ lục 3.757, còn số việc làm mà các dự án này đem lại tăng 10% lên 137.000. Trong đó, số dự án mà các nhà đầu tư Mỹ rót vốn tăng 24%. Báo cáo còn cho thấy, Tây Âu sẽ sớm trở thành đối thủ của Trung Quốc trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo của Ernst & Young, các giám đốc điều hành doanh nghiệp xem Tây Âu là địa điểm hấp dẫn thứ 2 sau Trung Quốc, nhưng trong vòng 3 năm tới, mức hấp dẫn của hai khu vực này là ngang bằng nhau.
Nhà phân tích Mark Otty của Ernst & Young cho biết, sau khi dòng vốn đầu tư sụt giảm mạnh trong suốt thời điểm tồi tệ nhất của cuộc suy thoái toàn cầu, nhà đầu tư đang quay trở lại thị trường châu Âu, trong đó dẫn đầu là các nhà đầu tư Mỹ.
Đức là nước có số dự án đầu tư tăng mạnh nhất, với mức tăng 34% lên 560 dự án. Tuy nhiên, con số này lại thấp hơn 2 dự án so với Pháp và cách khá xa mức 728 dự án của Anh. Còn theo số liệu do Liên hiệp quốc công bố đầu năm nay, xét về tiền mặt, Pháp thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất trong năm 2010.
Trong khi đó, theo bình luận của trang EurActiv, các thị trường tài chính đang gây thêm áp lực đối với các quốc gia có tỷ lệ nợ cao trong Khu vực đồng Euro (Eurozone), khi các hãng xếp hạng tín dụng bày tỏ quan ngại của họ về nền tài chính của Italy và Bỉ.
Tỷ lệ nợ công của Bỉ hiện đã tăng lên mức tương đương 96,6% GDP của nước này trong năm 2010, đứng ngay sau Hy Lạp và Italy trong Eurozone và ngang bằng Ireland, quốc gia phải nhận cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).
Hồi tháng 11 năm ngoái, Bỉ cùng với Áo và Đức từng được Ủy ban châu Âu ca ngợi là những quốc gia của khối chống chọi tốt nhất với cuộc khủng hoảng, khi hầu hết người dân đều giữ được việc làm trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, tình hình ngày càng xấu đi.
Tình hình tại Italy cũng không khá hơn. Các thị trường tài chính đã có phản ứng tức ngay đầu tuần này sau khi hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) đánh tụt triển vọng tín dụng của Italy từ "ổn định" xuống mức "tiêu cực".
Chênh lệch lãi suất của trái phiếu Italy so với trái phiếu Đức đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2011, 186 điểm, sau đó có xu hướng chững tại mức này.
Michael Leister thuộc Ngân hàng WestLB nhận định: "Điều đáng lo ngại là cuộc khủng hoảng lại xảy ra tại các quốc gia được coi là hùng mạnh. Tâm lý thị trường đang thể hiện sự hoài nghi, không biết đâu là giới hạn của cuộc khủng hoảng khi mà một nền kinh tế lớn như Italy cũng bắt đầu bị các tổ chức định mức soi xét".
Theo báo cáo vừa được công bố của Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) giai đoạn 2001-2010, Italy là nước có mức tăng trưởng thấp nhất trong số các thành viên Liên minh châu Âu (EU). GDP trung bình mỗi năm chỉ đạt 0,2% so với mức trung bình 1,1% của EU.
Nhằm bảo đảm chi tiêu, các hộ gia đình Italy đã phải cầu cứu các khoản tiền tiết kiệm. Vì thế, tỷ lệ tiết kiệm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua với mức 9,1%.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Italy tăng mạnh. Khoảng 501.000 người lao động dưới 30 tuổi bị mất việc trong hai năm 2009 và 2010. Khủng hoảng việc làm diễn ra khá tồi tệ ở miền Nam Italy, khu vực nghèo hơn so với miền Bắc.
Theo ISTAT, về lý thuyết, nền kinh tế Italy đã vượt qua suy thoái, nhưng trong giai đoạn hậu khủng hoảng, mọi mặt đời sống xã hội tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khoảng 25% dân số nước này đang đối mặt với nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo khổ.
Cũng liên quan tới khu vực châu Âu, EU hôm 24/5 đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 4,75 tỷ Euro (6,69 tỷ USD) nhằm gây quỹ cứu trợ khủng hoảng cho Ireland và Bồ Đào Nha. Theo thông báo của Ủy ban châu Âu (EC), Ireland sẽ nhận được 3 tỷ Euro và Bồ Đào Nha là 1,75 tỷ dưới hình thức khoản vay.
Số tiền trên sẽ được giải ngân cho Ireland và Bồ Đào Nha vào ngày 31/5. Tuần trước, các nước thành viên EU và Eurozone cho biết, họ cũng hy vọng có được 15,3 tỷ Euro tiền cứu trợ cho Bồ Đào Nha và Ireland vào ngày 15/7 tới thông qua việc phát hành trái phiếu.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, tổ chức Standard & Poor's cảnh báo, các biện pháp thắt chặt tiền tệ và kiểm soát rủi ro tín dụng của Trung Quốc có thể khiến khả năng sinh lời của các ngân hàng nước này suy yếu đáng kể trong các năm tới và khiến tài sản xấu gia tăng mạnh.
Dù vậy, tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cho biết sẽ duy trì triển vọng ổn định cho lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc. Theo S&P, các ngân hàng lớn có thể thích nghi tốt hơn với môi trường thắt chặt tiền tệ nhờ cơ sở vốn mạnh.
“Lạm phát và nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế xuất phát từ các biện pháp thắt chặt có thể khiến thua lỗ tín dụng tăng cao trong vòng 2-3 năm tới”, nhận định của ông Qiang Liao, Giám đốc xếp hạng dịch vụ tài chính của S&P 500.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật giảm 12,5% trong tháng 4 khiến nền kinh tế này lần đầu tiên rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại sau hơn 3 thập kỷ. Nguyên nhân là do sản xuất đình trệ sau thảm họa động đất - sóng thần hồi đầu tháng 3. Thiệt hại nặng nhất thuộc về ngành công nghiệp ôtô.
Cụ thể, doanh thu từ xuất khẩu của các công ty Nhật trong tháng 4 giảm 12,4% so với cùng kỳ 2010. Trong khi đó, nhập khẩu lại tăng gần 9%, chủ yếu do giá cả các nguyên phụ liệu, năng lượng đầu vào tăng cao.
Thâm hụt thương mại phình lên hơn 460 tỷ Yên (khoảng 5,6 tỷ USD) cho kinh tế Nhật trong tháng 4. Tuy con số vẫn thấp hơn một chút so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhưng đây là khoản thâm hụt mậu dịch đầu tiên của nước này trong vòng 31 năm trở lại đây.
(VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com