Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 24h qua: Dấu hiệu chuyển biến

Chuyên gia kinh tế Mỹ Martin Hutchinson cho rằng, mỏ than chứ không phải là mỏ vàng hoặc dầu mới là nguồn lợi nhuận cao nhất của các nhà đầu tư trong cơn bão giá cả năm 2011.

Theo giới phân tích Mỹ, than đang trở thành vàng đen trong nền kinh tế toàn cầu, do sức ép tăng giá với vàng và bạc sẽ giảm bớt khi chính sách tiền tệ ngày một thắt chặt và hàng tỷ USD đã được bơm vào thị trường từ các chương trình kích thích kinh tế.

Trong khi đó, sức ép tăng giá của lương thực và nguyên nhiên liệu công nghiệp sẽ tăng lên do nhu cầu hàng hóa công nghiệp tiêu dùng cơ bản tăng nhanh từ người tiêu dùng trong các nền kinh tế mới nổi.

Thêm vào đó, nguồn dầu khí đang cần cạn kiệt và việc khai thác đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cực lớn. Biến động chính trị đang diễn ra ở các nước xuất khẩu dầu sẽ bồi thêm một cú đánh vào giá dầu khiến dầu khí trở nên nhạy cảm hơn.

Chuyên gia Martin Hutchinson nhấn mạnh, bối cảnh này cho thấy, sản lượng than khai thác hiện nay trên toàn cầu ngày càng không đáp ứng nhu cầu than đang tăng rất nhanh ở các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Các nền kinh tế lớn mới nổi phụ thuộc chủ yếu vào than để phát điện và nhu cầu nhập khẩu than từ các nước này không ngừng tăng cao.

Than đang được coi là hàng hóa công nghiệp đầu tư tốt nhất để có lợi nhuận cao trong cơn bùng nổ sốt giá hàng hóa năm nay vì đây là nguồn cung cấp dồi dào và các nền kinh tế thế giới lâu nay hầu như không có nhu cầu tích trữ.

Nhận định của ông Hutchinson có đúng hay không thì còn phải chờ thời gian trả lời, nhưng thực tế tình hình vàng và dầu mỏ hiện vẫn là mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư quốc tế, trong bối cảnh bất ổn gia tăng tại Trung Đông và Bắc Phi.

Hôm qua, kênh truyền hình Al-Jazeera cho hay, quân đội trung thành với ông Muammar Gaddafi đã tấn công thành phố Zuara, cách thủ đô Tripoli khoảng 120 km về phía Tây. Cuộc tấn công đã làm 7 người thiệt mạng và 40 người bị thương.

Hiện chưa rõ quân đội ủng hộ ông Gaddafi đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Zuara từ tay quân đội đứng về phía người biểu tình hay chưa. Trong khi đó, các đợt tấn công bằng bộ binh cũng được tiến hành ở thành phố Misrata.

Đáng chú ý nhất trong ngày là tin đồn ông Gaddafi đã bị bắn. Một quan chức Mỹ cho hay, chưa có lý do nào khẳng định nhà lãnh đạo Libya đã thiệt mạng. Tuy nhiên, tin đồn này đã ngay lập tức giảm nhiệt trên thị trường dầu mỏ quốc tế.

Ngoài ra, thị trường dầu cũng nhận được tin tốt cho hay Saudi Arabia đang tiến hành thương lượng với các nhà lọc dầu châu Âu, để khắc phục khả năng thiếu hụt do bất ổn tại Libya gây ra.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 trên sàn New York giảm 0,8% xuống 97,28 USD/thùng, sau khi lên trên 103 USD/thùng khi mở phiên. Ngược lại, dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4 trên sàn London tăng 11 xu lên 111,36 USD/thùng.

Trên thị trường vàng quốc tế, nhà đầu tư tiếp tục rót tiền vào kim loại quý này, đẩy giá vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Comex ở New York tăng 1,8 USD/ounce lên 1.415,8 USD/ounce, cao nhất từ ngày 3/1 tới nay.

Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, đồng USD yếu hơn sẽ giúp Mỹ cắt giảm thâm hụt với các nước còn lại trên thế giới và góp phần tái cân bằng kinh tế toàn cầu.

Theo IMF, số liệu thống kê cho thấy đồng USD vẫn “quá mạnh” nhờ các yếu tố cơ bản tốt trong trung hạn, trong khi Euro và Yên Nhật “được định giá hợp lý”, còn một số đơn vị tiền tệ châu Á, kể cả đồng Nhân dân tệ, đang bị định giá thấp.

IMF cho biết để giải quyết tình trạng mất cân bằng toàn cầu, nhóm hai mươi nền kinh tế dẫn đầu thế giới (G20) nên cho phép đồng USD giảm giá hơn nữa.

“Sự giảm giá của USD sẽ giúp Mỹ giảm thâm hụt tài khoản vãng lai xuống mức tương xứng hơn với các yếu tố nền tảng trong trung hạn và đem lại đà tăng trưởng cân bằng hơn”.

Theo số liệu mới nhất, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ tăng quý thứ 5 liên tiếp trong quý 3/2010 lên 127.2 tỷ USD.

IMF cho biết, Mỹ có thể thực hiện được cam kết cắt giảm một nửa thâm hụt ngân sách trong giai đoạn 2010-2013 như đã cam kết trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 6/2010 tại Toronto.

Cũng liên quan tới kinh tế Mỹ, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết, trong quý 4/2010, 884 ngân hàng nước này bị đưa vào danh sách "có vấn đề," chiếm 12% tổng số 7.657 ngân hàng được bảo lãnh, tăng 24 ngân hàng so với quý trước đó.

Theo FDIC, năm 2010, 157 ngân hàng của nước này "có vấn đề" phá sản và buộc phải đóng cửa. Đây là con số thống kê theo năm cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng và tiền gửi tiết kiệm năm 1992.

Tuy nhiên, do phần lớn các ngân hàng phá sản trong năm 2010 là những nhà băng nhỏ, nên số tiền bảo hiểm tiền gửi chỉ là 21 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với khoản phí bảo hiểm của năm 2009. Từ đầu năm đến nay, thêm 22 ngân hàng đã phải đóng cửa.

Trong khoản tiền lãi 21,7 tỷ USD mà các ngân hàng của Mỹ thu được trong quý 4/2010, các ngân hàng lớn đóng góp 20,6 tỷ USD. Năm 2010, lợi nhuận ròng mà các ngân hàng Mỹ thu được là 87,5 tỷ USD, tăng vọt so với khoản lỗ 10,6 tỷ của 2009.

Kết quả nghiên cứu của Cơ quan Phân tích chính sách kinh tế (BEPA) của Hà Lan cho thấy, khối lượng hàng hóa thế giới tăng vọt 15,1% trong năm 2010, sau khi sụt giảm 13% trong năm 2009.

Số liệu lạc quan của tháng 12 khép lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 4/2010. Theo đó, khối lượng hàng hóa giao dịch trong tháng cuối năm 2010 đã vượt mức đỉnh xác lập hồi quý 1/2008.

“Tăng trưởng thương mại năm 2010 diễn ra mạnh mẽ nhất ở các nền kinh tế mới nổi châu Á và Mỹ Latin. Tăng trưởng xuất nhập khẩu của Mỹ gần bằng mức trung bình thế giới, trong khi tăng trưởng ở châu Âu lại suy giảm đáng kể”.

Các nhà kinh tế dự báo, hoạt động thương mại có thể tăng trưởng chậm chạp trong năm nay và năm tới. Dù hoạt động thương mại đã tăng trở lại mức tiền khủng hoảng, nhưng một số khoản thiệt hại có thể không bao giờ phục hồi được.

(Vneconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Kinh tế 24h qua: Thế giới dầu lửa rung chuyển
  • Thế giới đương đầu với cú sốc dầu mỏ mới
  • Kinh tế 24h qua: 3 lý do mua USD
  • Kinh tế 24h qua: “Cơn khát” vàng vẫn tiếp tục?
  • Khủng hoảng lương thực 2011 đã bắt đầu lộ diện
  • Bất ổn Ảrập: Ba bài học lãnh đạo không thể bỏ qua
  • Thế giới tuần 14-20/2: Khủng hoảng lương thực lộ diện
  • Thế giới đối mặt nguy cơ tăng giá, thiếu lương thực