Trận động đất tuy là một đòn nặng nề giáng vào nước Nhật, nhưng nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu của nước này, vì đây lại là một cơ hội tốt để mua vào, nhà đầu tư huyền thoại, tỷ phú Mỹ Warren Buffett, cho biết hôm 21/3.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản hôm qua đóng cửa nghỉ lễ nên nhận định của tỷ phú Buffett chưa tác động ngay tới thị trường này, nhưng tuyên bố của ông cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp các sàn chứng khoán thế giới đi lên.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản có thể gây thiệt hại lên tới 235 tỷ USD. Nước này sẽ dành 12 tỷ USD trong ngân sách tài khóa hiện nay và một số tiền lớn hơn trong ngân sách tài khóa tới để tái thiết.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật Bản giảm và hoạt động chế tạo ở nước này bị ngưng trệ trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến thương mại với các nước lân cận.
Giá chíp nhớ mà các công ty Hàn Quốc nhập từ Nhật Bản đã tăng 20% do hoạt động sản xuất bị gián đoạn, trong khi các nhà xuất khẩu ôtô Thái Lan có thể thiếu phụ tùng do Nhật Bản sản xuất trong tháng tới.
Tình trạng này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới, vì vùng đông bắc nước Nhật là nơi tập trung các cảng, nhà máy sản xuất thép, nhà máy lọc dầu, nhà máy điện hạt nhân và các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và ôtô.
Tuy nhiên, WB cũng dự báo rằng tăng trưởng kinh tế sẽ quay trở lại từ giữa năm nay khi các nỗ lực tái thiết được thực hiện. WB cũng dự báo hoạt động tái thiết ở Nhật Bản có thể kéo dài tới 5 năm.
Theo số liệu thống kê công bố trưa 21/3 của Cơ quan Cảnh sát Nhật Bản, số người thiệt mạng do động đất và sóng thần ở nước này đã lên đến 8.649 người, trong khi 13.262 người hiện đang mất tích.
Trong khi đó, giới phân tích nhận định, chỉ tính riêng trong ngành bảo hiểm, thiên tai ở Nhật có thể quét sạch 35 tỷ USD trong lĩnh vực này. Một trong những thảm họa có mức thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay.
Thực tế, phải mất vài tuần nữa mới có thể xác định được con số thiệt hại cụ thể đối với lĩnh vực bảo hiểm là bao nhiêu. Chưa kể, Nhật Bản vẫn còn đang hứng chịu nhiều cơn dư chấn và thảm họa phóng xạ chưa giải trừ hoàn toàn.
Cũng liên quan tới tình hình Nhật Bản, hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, việc phát hiện phóng xạ trong thực phẩm của Nhật Bản là nghiêm trọng hơn dự đoán.
Tổ chức này đang tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của các sản phẩm bị phơi nhiễm phóng xạ đối với sức khỏe con người. Ngay sau khi có cảnh báo trên, Trung Quốc, Hàn Quốc và Philippines thông báo sẽ siết chặt kiểm tra thực phẩm nhập từ Nhật.
Cùng ngày, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo đã phát hiện thêm nhiều loại rau bị nhiễm phóng xạ tại nhiều nơi ở nước này. Các cuộc kiểm tra đã cho thấy lượng nguyên tố phóng xạ vượt quá quy định ở hạt cải dầu, rau cải cúc và rau bina.
Chính phủ Nhật Bản hôm qua đã ra lệnh dừng việc xuất sữa và hai loại rau từ 4 tỉnh Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma, do lo ngại các sản phẩm này có thể nhiễm phóng xạ từ nhà máy Fukushima số 1.
Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã tuyên bố sẽ bồi thường thiệt hại cho các sản phẩm nông nghiệp không được phép tiêu thụ tại các tỉnh thành này.
Trong khi đó, kiểm tra các nguồn nước trên toàn quốc hôm 20 - 21/3 cũng cho thấy nước lấy từ vòi ở Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa, Niigata và Yamanashi đều bị nhiễm phóng xạ iodine, còn Tochigi và Gunma nhiễm cả phóng xạ iodine và cesium.
Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, mức độ nhiễm xạ và hóa chất này nằm ở mức độ cho phép theo tiêu chuẩn của Ủy ban An toàn hạt nhân.
Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản cho biết khói trắng đã bốc lên từ các tòa nhà có lò phản ứng số 2 và số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima No. 1. Ngay sau đó, TEPCO đã sơ tán công nhân khỏi khu vực lò phản ứng số 3.
Việc đánh giá tình hình sau đó cho thấy, mức phóng xạ tại khu vực lò số 3 không thay đổi sau sự cố này và hiện tượng phun khói đã chấm dứt sau đó khoảng hai giờ. Hiện vẫn chưa có thông báo về tình hình tại lò phản ứng số 2.
Theo nhận định của ông John Lipsky, Phó giám đốc thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công hiện tại của các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới là không bền vững, có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.
Ông cho rằng, tỷ lệ nợ công trung bình năm 2011 của các quốc gia phát triển sẽ vượt 100% GDP lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2. “Các hậu quả tài chính của khủng hoảng vừa qua cần giải quyết triệt để, trước khi tác động đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu và gây ra những rủi ro mới", quan chức IMF này nói.
"Thách thức lớn nhất là ngăn chặn nguy cơ xuất hiện một cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai cùng lúc với việc tạo ra công ăn việc làm và tăng cường mối đoàn kết xã hội”.
(VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com