Nhiều tập đoàn sản xuất lớn của Mỹ đang cân nhắc chuyển công ty của họ từ châu Á trở lại Mỹ hoặc Mỹ Latin, khi chi phí vận chuyển và giao nhận đang ngày một tăng thêm, tờ Financial Times dẫn báo cáo của hãng tư vấn Accenture cho hay.
Trận động đất cùng với sóng thần tại Nhật Bản đã làm ảnh hưởng tới các nhà sản xuất lớn của thế giới, trong đó có Mỹ, do tình trạng thiếu thốn các linh kiện quan trọng, như tập đoàn xe hơi GM của Mỹ đã lên kế hoạch ngưng hoạt động tại nhà máy ở bang Louisiana do thiếu phụ tùng nhập từ Nhật Bản.
Tình hình tại Nhật Bản có thể buộc các tập đoàn chế tạo lớn tại Mỹ cân nhắc tới những rủi ro đối với dây chuyền của họ. Trên thực tế, theo báo cáo của Accenture, ngay từ trước vụ động đất ở Nhật, nhiều công ty Mỹ cũng đã tính đưa các bộ phận cung ứng linh kiện về gần thị trường cuối.
Theo nghiên cứu của Accenture, khoảng 61% lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi cho biết đã cân nhắc tới vấn đề đưa dây chuyền cung ứng linh kiện về gần thị trường nội địa hoặc ngay trong nội địa. Nếu điều này xảy ra, thế giới sẽ chứng kiến một đợt dịch chuyển các xưởng sản xuất của Mỹ từ châu Á sang Mỹ hoặc Mỹ Latin.
Một lý do quan trọng khác có thể dẫn tới tình huống này là, theo Accenture, giá vận chuyển và giao nhận đang tăng lên ở châu Á. Ngoài ra, đòi hỏi của khách hàng về thời gian giao hàng sớm hơn cũng góp phần tạo nên tâm lý dịch chuyển này.
Lại thêm một dự báo mới về thời gian kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ. Theo chuyên gia kinh tế trưởng
Justin Lin thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), “Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030”.
Ông cho rằng, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng 8% mỗi năm trong suốt 20 năm tới. Đến năm 2030, quy mô kinh tế của Trung Quốc có thể gấp đôi Mỹ, tính trên cơ sở ngang giá sức mua (PPP).
Theo chuyên gia Lin, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong hai thập kỷ qua. Trong giai đoạn từ năm 1990 - 2010, nước này đã có tốc độ phát triển lên tới 10,4%. Điều này đối lập với các nền kinh tế quá độ khác.
Tuy nhiên, ông Lin cũng cảnh báo rằng tốc độ mở rộng có thể bị kìm hãm bởi đà phục hồi yếu kém của nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng tài chính. Ông thúc giục Trung Quốc giải quyết các thách thức lớn trong nước như sự mất cân đối về thu nhập.
Cũng liên quan tới Trung Quốc, theo tờ China Daily, nước này đang nỗ lực củng cố ngành công nghiệp thép, tập trung vào bố trí các vùng công nghiệp và nâng cấp năng lực sản xuất.
Tờ báo dẫn lời các quan chức của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC) cùng với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) cho hay, vào năm 2015 Trung Quốc sẽ có khoảng 100 tập đoàn thép.
Chiến lược cụ thể là cắt giảm năng lực sản xuất thép ở phía bắc, đông bắc và đông Trung Quốc, nâng cao năng lực sản xuất tại các vùng trung tâm, phía nam và tây nam. Cuối cùng là phát triển sản xuất tại các vùng phía tây.
Theo MIIT, hoạt động chính của ngành công nghiệp thép Trung Quốc trong 5 năm tiếp theo chủ yếu là sáp nhập và mua lại, nhằm tăng cường năng lực sản xuất của 10 tập đoàn thép hàng đầu nước này từ 48% lên 60% tổng năng suất sản xuất thép quốc gia. Trong khi, NDRC cho biết, một số nhà máy thép sẽ phải di chuyển để điều chỉnh vùng công nghiệp.
Liên quan tới việc khắc phục thiên tai ở Nhật Bản, theo lời Phó thủ tướng Nga Igor Sechin, trong năm 2011, Nga sẽ tăng gấp đôi lượng dầu và khí đốt cung cấp cho Nhật Bản để giúp đất nước này khắc phục hậu quả trận động đất lịch sử kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng.
Phó Thủ tướng Sechin khẳng định năm nay, Nga sẽ cung cấp cho Nhật Bản 18 triệu tấn dầu mỏ và 4,5 triệu tấn sản phẩm dầu, đồng thời cũng sẽ tăng đáng kể lượng khí hóa lỏng và than đá cung cấp cho Tokyo. Sắp tới, Nga sẽ cấp khoảng 3-4 triệu tấn than đá theo thỏa thuận đạt được giữa các công ty hữu quan của hai nước.
Phía Nga cũng đã mời các công ty Nhật Bản tham gia các dự án khai thác than đá ở khu vực Viễn Đông và Siberia của Nga. Trước đó, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow đã đề xuất với các đối tác châu Âu mở rộng cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga, đổi lấy khí hóa lỏng và chuyển cho Nhật Bản.
Theo ông Putin, Nga không có khí hóa lỏng dư thừa, tất cả khí đốt từ Sakhalin đã ký hợp đồng thời hạn 25 năm bán cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Hai phần ba khối lượng này được xuất khẩu sang Nhật Bản. Tuy nhiên, Nga có khả năng tăng mạnh xuất khẩu khí đốt cho phương Tây thông qua đường ống dẫn khí tới châu Âu.
Trong khi đó, theo ông Yasuo Hayashi, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), đầu tư của đất nước Mặt trời mọc tại Thái Lan sẽ không giảm mà còn tăng tốc trong thời gian tới. Các lĩnh vực ôtô và thép ở Thái Lan có thể có được nhiều đầu tư nhiều hơn trong thời gian ngắn.
"Các công ty Nhật Bản sẽ không rời bỏ nơi này để đi nơi nào khác," ông Hayashi nói. "Thái Lan là cơ sở sản xuất quan trọng của các công ty Nhật Bản để xuất khẩu sang châu Á và thị trường khác của thế giới, đặc biệt là vào thời gian này khi sản xuất tại Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn".
Về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, theo công bố của Chính phủ Bồ Đào Nha, do đầu tư sụt giảm và việc nước này cắt giảm chi tiêu công, mức tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay sẽ giảm 0,9%, đến năm 2012 sẽ tăng trưởng 0,3%.
Đồng thời, Chính phủ Bồ Đào Nha dự báo tỷ lệ nợ công sẽ tăng từ 82,4% GDP trong năm ngoái, lên 87,9% GDP trong năm nay và 88,1% GDP vào năm 2012. Thâm hụt ngân sách năm 2011 dự kiến sẽ là 4,6% GDP; năm 2012 sẽ bằng mục tiêu mà Liên minh châu Âu (EU) thiết lập là 3%, tới năm 2014 sẽ giảm còn 2%.
(VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com