Những dấu hiệu liên tiếp gần đây, cộng với sự thoái lui của các thị trường hàng hóa như vàng, dầu đã khiến người ta liên tưởng tới khả năng kinh tế Mỹ đang giảm tốc. Điều này đã gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư, góp phần kéo đà tăng trưởng của hàng loạt thị trường xuống sâu hơn.
Phiên hôm qua, vàng hợp đồng tháng 6 trên sàn Comex ở New York đã trượt xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, 1.480 USD/ounce. Giá bạc giao tháng 7 giảm còn 33,49 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 25/2 tới nay. Dầu thô hạ xuống 96,91 USD/thùng, thấp nhất tính từ ngày 22/2.
Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Mỹ, trong quý 1 vừa qua, quỹ đầu cơ của nhà đầu tư tỷ phú George Soros đã bán đến 99% lượng vàng nắm giữ. Như vậy, tới cuối tháng 3, quỹ này chỉ còn sở hữu hơn 49.000 chứng chỉ của quỹ vàng SPDR Gold Trust từ mức 4,7 triệu vào cuối tháng 12 năm ngoái.
George Soros đã kiếm được mức lợi nhuận khoảng 65% với việc bán phần lớn dự trữ vàng và bạc mà ông đã gom trong 3 năm qua. Theo ông, khi lãi suất ở mức thấp, bong bóng tài sản có điều kiện phình lên và thực tế hiện nay, bong bóng giá vàng lớn nhất.
Tương tự, trên lĩnh vực chứng khoán, các chỉ số Dow Jones và S&P 500 của thị trường Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Các sàn chứng khoán châu Âu giảm mạnh, với biên độ hơn 1%, trong khi các thị trường châu Á - Thái Bình Dương tăng giảm thất thường.
Ngược dòng với kinh tế Mỹ, trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) mang tên "Định hướng phát triển toàn cầu năm 2011", các nền kinh tế mới nổi dự kiến tăng trưởng trung bình 4,7 %/năm trong giai đoạn 2011 - 2025, gấp hơn 2 lần so với mức 2,3 %/năm của khu vực các nền kinh tế phát triển.
Justin Yifu Lin, chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng, sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi đã dẫn đến một sự thay đổi, theo đó các trung tâm tăng trưởng kinh tế được phân bổ cho các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, một thế giới đa cực thực sự.
“Các nền kinh tế mới nổi đang trở thành một lực lượng quan trọng trong việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp toàn cầu với các khoản đầu tư và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng phong phú", ông Justin Yifu Lin nói.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang tỏ ra lo ngại về khả năng mất chiếc ghế lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vốn do lục địa này nắm giữ từ năm 1946, sau bê bối của Tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn.
Tuy nhiên, với việc IMF hiện tham gia chương trình cứu trợ cho ba nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Đức và Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, quyền lãnh đạo IMF vẫn phải do châu Âu nắm giữ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay khi đang diễn ra rất nhiều cuộc thảo luận xoay quanh đồng Euro, “châu Âu có những ứng cử viên phù hợp để đề cử” vào chức vụ Tổng giám đốc IMF.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng nói với đài truyền hình của Hà Lan rằng, nếu phải tiến hành bầu một Tổng giám đốc mới của IMF, châu Âu cần đề cử một ứng cử viên.
Theo trang tin EUobsever, những nhân vật được đề cập đến như những ứng cử viên sáng giá cho chức vụ này gồm cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Peer Steinbrueck, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan Marek Belka và Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Christine Lagarde.
Liên quan tới vấn đề nợ công châu Âu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Bồ Đào Nha cho biết mức lãi suất trung bình mà nước này phải trả cho gói giải cứu 78 tỷ Euro (tương đương 110 tỷ USD) từ EU và IMF là 5,1%. Ông Fernando Teixeira dos Santos cho hay, mức lãi suất sẽ phụ thuộc vào các điều kiện thị trường.
Theo tình hình hiện tại, lãi suất trung bình sẽ dao động từ 5% trong 3 năm đầu và 5,2% trong các năm tiếp theo. Bộ trưởng Bộ Tài chính Bồ Đào Nha cho biết thêm, nước này sẽ nhận được khoản giải ngân đầu tiên là 18 tỷ Euro vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Anh nhảy vọt từ mức 4% trong tháng 3 lên 4,5% trong tháng 4, mức cao nhất từ tháng 10/2008. Số liệu này buộc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mervyn King phải giải thích công khai rằng tại sao các quan chức lại chưa nâng lãi suất.
Mức lạm phát tháng 4 cao hơn dự báo 4,1% của các nhà kinh tế. Nguyên nhân là do đà tăng mạnh của chi phí vận tải, đặc biệt là giá vé đường không và đường biển, cũng như sự gia tăng của giá rượu và thuốc lá. Lạm phát cơ bản tăng tốc lên 3,7%, cao nhất kể từ khi năm 1997.
Liên quan tới kinh tế Trung Quốc, theo một tờ báo của Hồng Kông dẫn lời Chủ tịch hãng quản lý tài sản Goldman Sachs, ông Jim O'Neil, nhận định rằng, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hiện nay đã vượt xa nhu cầu thực tế.
Dự trữ ngoại tệ hiện nay của Trung Quốc đang ở mức tương đương hai lần giá trị nhập khẩu trong một năm của nước này. Hơn thế, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn trong xu hướng tăng mạnh. Sau khi vượt 2.000 tỷ USD vào tháng 6/2010, chưa đầy một năm sau, dự trữ ngoại tệ của nước này đã có thêm 1.000 tỷ USD.
Theo ông O'Neil, dự trữ ngoại tệ quá lớn đã làm tăng áp lực lạm phát đối với Trung Quốc và giảm hiệu quả của công cụ chính sách tiền tệ trong việc giải quyết vấn đề lưu thông tiền tệ dư thừa. Ông cho rằng, biện pháp giải quyết là đẩy nhanh tốc độ và không gian tăng giá của đồng Nhân dân tệ.
Trong một động thái khác, tờ China Securities Journal trích dự báo của ông Li Daokui, cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), cho rằng thặng dư thương mại của nước này sẽ giảm xuống còn 100 - 120 tỷ USD trong năm 2011.
(VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com