Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phương Tây sẽ bị của các nước mới nổi “hạ bệ”

Trong thời gian khá dài sau khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh, các nước phương Tây không cần phải tranh giành dầu mỏ, đồng, đậu tương và các hàng hóa khác với các nước đang phát triển. Nhưng hiện giờ, những ngày như vậy đã kết thúc. Chuyên gia kinh tế Joseph Quinlan cho rằng, các nước phương Tây đang phải tranh giành tài nguyên, vốn và gần như tất cả mọi thứ với các “nước khác”.

Những người tiêu dùng thuộc giai cấp trung lưu của các nước đang phát triển – theo thống kê của Ngân hàng Thế giới WB chiếm khoảng 400 triệu người – hiện đang có nhu cầu to lớn đối với thế giới. Họ có nhu cầu khổng lồ với sản phẩm điện tử, máy móc, xe hơi, sản phẩm bảo vệ da, quần áo và các mặt hàng khác, điều này khiến người tiêu dùng đến từ các thị trường mới nổi ngày càng quyết định xu hướng phát triển toàn cầu, dẫn đầu trào lưu thời trang toàn cầu và thúc đẩy kim ngạch tiêu thụ nhiều ngành nghề toàn cầu. Trong sự thay đổi quan trọng này, tiêu dùng toàn cầu đang có khuynh hướng tiến tới các nước đang phát triển và rời xa Mỹ và phương Tây.

Nước nghèo “giàu lên”, nước giàu “nghèo đi”

Các nước phương Tây buộc phải sống thắt lưng buộc bụng trong thời gian rất dài, còn phong trào tiêu dùng xa hoa của các nước mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên một cách mạnh mẽ. Thị trường xe hơi Trung Quốc hiện đang vượt qua Mỹ là một ví dụ điển hình của chiều hướng này. Rất nhiều công ty của các nước phát triển chắc chắn sẽ được lợi từ nhu cầu tiêu dùng tăng vọt của các nước mới nổi, nhưng những ảnh hưởng mà bảng cân đối tài sản vĩ mô của Mỹ và châu Âu đang chịu lại rất khó nói. Chẳng hạn như, kim ngạch tiêu thụ xe hơi không ngừng tăng cao ở các thị trường mới nổi là một tin vui cho các hãng chế tạo xe hơi Mỹ, nhưng lại là tin xấu đối với người dân Mỹ. Càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và các nước khác lái những xe hơi mới trên đường, thì áp lực tăng giá giá dầu mỏ thế giới càng lớn.

Hầu như người Mỹ chưa chú ý tới việc giai cấp trung lưu đang không ngừng tăng lên tại các nước đang phát triển, họ cũng chưa chú ý tới việc nhóm người tiêu dùng này đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như cạn kiệt của thế giới có ý nghĩa gì. Ngoài ra, họ vẫn chưa ý thức được rằng, khi tầng lớp người tiêu dùng thế giới mới này bắt đầu sống cuộc sống phương Tây, tức là khi họ chuyển từ nông thôn lên thành phố, làm việc tại các văn phòng có lắp đặt điều hòa, lái xe hơi đi làm và tiêu hao ngày càng nhiều protein, nhu cầu của họ cũng sẽ tăng lên, khi đó giá năng lượng, nước, hàng nông sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác sẽ tăng theo.

Tiếp đó, giá tài nguyên thế giới sẽ dần dần phụ thuộc vào thế lực bên ngoài không thuộc các nước phát triển, đẩy người tiêu dùng phương Tây rơi vào thế bất lợi: Họ trở thành những người chấp nhận giá chứ không còn là người ra giá, tùy theo ý muốn của những nhà cung ứng và tiêu dùng đến từ thị trường mới nổi.

Vốn là một nguồn quan trọng khác thuộc về những quốc gia còn lại. Thực sự, vào cuối năm 2010, gần 8% tổng dự trữ ngoại tệ thế giới – thực tế chính là số tiền dự trữ còn lại của toàn cầu – đều là kho tiền của các nước đang phát triển, đa số trong đó có được là thông qua việc duy trì thặng dự thương mại khổng lồ với Mỹ; Ngoài ra các nước sản xuất dầu mỏ Trung Đông cũng đã thu về cho kho dự trữ ngoại tệ hơn 300 tỷ USD từ việc giá dầu mỏ tăng vọt trong thời gian dài, khiến lực lượng tài chính toàn cầu có thay đổi to lớn. Đơn giản mà nói, các nước phương Tây thiếu nợ, còn phương Đông, hay chính là các nước đang phát triển lại có tiền để dành. Nước nghèo “giàu lên”, còn nước giàu “nghèo đi”.

Nền kinh tế mới nổi sẽ “hạ bệ” khối phương Tây


Sự nổi lên về kinh tế của các nước mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh trong vài năm qua đã dẫn đến một sự chuyển dịch trọng tâm kinh tế thế giới từ các nước giàu sang các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển ngày càng chiếm một tỷ trọng lớn hơn trong GDP toàn cầu và xu hướng này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Tiến trình này phản ánh các yếu tố như cấu trúc dân số thuận lợi, tình hình tài chính công tốt hơn ở các nước đang trỗi dậy.

Cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế vừa qua càng tăng tốc quá trình chuyển dịch nói trên vì nhu cầu tiêu dùng ở các nước phương Tây không còn thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ như trước đây. Mặc dù khủng hoảng cũng làm giảm khả năng tăng trưởng, nhưng các nước đang phát triển, trừ khu vực Đông Âu, không phải chịu những thiệt hại nghiêm trọng về cấu trúc kinh tế. Trong khi đó, các nước giàu đang phải đối mặt với giai đoạn cân đối lại thu chi đầy khó khăn. Các vấn đề tài chính nghiêm trọng đang buộc họ tiết kiệm chi tiêu và làm giảm đà tăng trưởng GDP trong nhiều năm tới.

Đà phục hồi kinh tế toàn cầu đã che đậy một số vấn đề. Tình hình tài chính của các hộ gia đình Mỹ vẫn rất yếu. Nợ của các hộ gia đình tăng mạnh trong thời kỳ bong bóng tín dụng và bây giờ mới chỉ là sự bắt đầu cho quá trình giảm nợ lâu dài.  Điều này đòi hỏi phải có một sự điều chỉnh lớn và các hộ gia đình Mỹ sẽ khó có thể tiếp tục đảm nhận được vai trò truyền thống là “đầu máy tiêu dùng của thế giới”.

Trong bối cảnh đó, bất kể kinh tế thế giới có rơi vào suy thoái kép hay không, có một điều chắc chắn là tăng trưởng kinh tế của các nước phương Tây sẽ chậm lại trong nhiều năm tới. Các nền kinh tế đang nổi sẽ đảm nhận vai trò trung tâm hơn trong nền kinh tế toàn cầu và hứa hẹn trở thành nguồn mang lại lợi nhuận quan trọng cho nhiều công ty đa quốc gia. Theo dự báo, đến năm 2014, tính theo sức mua, kinh tế Mỹ sẽ chỉ còn chiếm tỷ trọng 22% GDP toàn cầu, so với mức 31% của năm 2000. Trong khi đó, tỷ trọng toàn cầu của  kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ sẽ leo lên đến 17% so với mức 5% trước đây.

Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu cũng cho thấy sự chuyển dịch từ các các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Số liệu gần đây cho thấy các nước đang phát triển đang nhanh chóng đuổi kịp các nước phát triển trong việc trở thành điểm đến của FDI. Trong báo cáo đầu tư thế giới năm 2010, Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho biết trong năm 2009, FDI đổ vào các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi là 548 tỷ USD, so với 566 tỷ USD đổ vào các nước phát triển.

Trên thực tế, quyền lực và trọng tâm kinh tế thế giới đang chuyển dần sang các nước đang phát triển.

(Vitinfo)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Thế giới tuần 16-22/5: USD vẫn độc tôn
  • Hệ lụy chính trị-kinh tế của “vụ Strauss-Kahn”
  • OECD: Không tồn tại khủng hoảng nợ châu Âu
  • Kinh tế 24h qua: Trung Quốc đổ xô mua vàng
  • FAO: Lãng phí tới 1,3 tỷ tấn lương thực mỗi năm
  • Mỹ, Trung tương phản và cuộc chơi của thế giới
  • Kinh tế 24h qua: Nhà đầu tư lo sợ
  • World Bank dự báo các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng 4,7% giai đoạn 2011 - 2025