Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãnh đạo IMF: Đã tới lúc châu Á phất cờ?

Đã tới lúc châu Á được quyền lãnh đạo IMF hay chưa.

Với việc ông Dominique Strauss-Kahn từ chức Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một số nền kinh tế đã tỏ rõ ý muốn đưa đại diện của mình lên thay thế. Trong số đó có nhiều cường quốc châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.

Theo tuyên bố hôm 19/5 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các nước mới nổi phải được quyền có đại diện trong ban lãnh đạo IMF. RFI bình luận, tuyên bố đã cho thấy Trung Quốc mong muốn có đại diện của mình làm lãnh đạo định chế tiền tệ lớn nhất thế giới này.

Trong lúc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ ám chỉ gián tiếp tới ước muốn đó, thì báo chí nước này lại có những nhận định thẳng thừng hơn. Theo hãng tin AFP, báo chí Trung Quốc hôm 19/5 dự đoán, ông Chu Dân, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nguyên cố vấn cho cựu Tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn, rất có thể sẽ được đưa lên làm người kế nhiệm chức lãnh đạo IMF.

Cờ chưa đến tay châu Á?

Tuy nhiên, ngay từ khi xảy ra scandal của ông Strauss-Kahn, châu Âu đã tỏ dấu hiệu cho biết là sẽ không từ bỏ chức lãnh đạo mà từ trước đến nay vẫn được dành cho mình. Sau Thủ tướng Đức Angela Merkel, hôm 19/5, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề châu Âu của Pháp đã lên tiếng cho rằng, châu Âu phải giữ một "vai trò quan trọng" tại IMF, vì châu Âu gộp lại là khối đóng góp nhiều nhất cho IMF.

Theo các nhà quan sát, phản ứng của châu Âu như kể trên cho thấy, trước mắt, châu Á khó có thể đạt thành ước nguyện lên nắm vai trò "đầu rồng" ở IMF, cho dù trọng lượng kinh tế của châu lục này càng lúc càng quan trọng.

Một nguyên nhân khác là, trái với châu Âu, châu Á chưa thể đoàn kết được với nhau để chọn ra một ứng viên thống nhất. Theo ông Julius Caesar Parennas, thuộc Viện Tiền tệ tại Tokyo, "Nhiều nước châu Á có ý định đưa người của mình ra ứng cử, nhưng họ không suy nghĩ về vấn đề này ở cấp độ khu vực". Nói một cách khác, châu Á không có đồng thuận trên một ứng cử viên nhất định.

Còn theo ông Simon Tay, Chủ tịch Học viện Ngoại giao Singapore, ngay cả khi các nước châu Á muốn bãi bỏ thông lệ chức lãnh đạo IMF được dành cho một người châu Âu, họ cũng phải tính đến tình trạng hiện nay là IMF đang phải xử lý cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Cục diện này cần một người có kinh nghiệm, mà hiện nay, chỉ có người châu Âu mới hội đủ điều kiện đó.

Tóm lại, khả năng châu Á đưa được một người của mình lên nắm quyền chủ trì IMF rất xa vời. Thế nhưng, lâu dài thì triển vọng đó không thể loại trừ. Ông Rajiv Biswas, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế đặc trách châu Á – Thái Bình Dương tại hãng IHS Global Insight cho rằng, cuộc tranh luận chỉ mới bắt đầu và những truyền thống có từ sau Thế chiến 2 là những "tàn tích hậu thuộc địa phải được nhanh chóng loại bỏ".

Chuyên gia này kết luận, "với sự nổi lên của Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, cùng với sức mạnh của Nhật Bản, trọng lượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tăng lên". Thực tế này sẽ buộc các nước công nghiệp phương Tây phải thay đổi thái độ.

Trong khi đó, tờ Financial Post của Candana hôm 19/5 cho rằng, người kế nhiệm lãnh đạo IMF nên là người châu Á, cụ thể là người Trung Quốc. Báo này lý giải, theo logic, người đứng đầu IMF nên xuất thân từ những khu vực có vai trò quan trọng nhất về tài chính, có khả năng thanh toán nhất. Bản thân IMF không có tiền thực tế mà đang sống nhờ, hợp tác và cho vay số tiền của những người đóng thuế từ những nước có kinh tế, tài chính ổn định.

Hiện, Mỹ đang phải đi vay tới 40 xu Mỹ trên mỗi đồng USD mà họ chi tiêu. Nói cách khác, Mỹ đang vay tới 40 xu Mỹ trong mỗi đồng USD mà họ trao cho IMF. Những quốc gia cho Mỹ vay ròng, là những nước xuất khẩu có tăng trưởng kinh tế cao, hầu hết ở châu Á, nhất là Trung Quốc.

Nguy cơ phá vỡ lòng tin vào IMF

Hãng tin Reuters bình luận, thỏa thuận ngầm giữa châu Âu và Mỹ trong việc lựa chọn người kế nhiệm chức Tổng giám đốc IMF có thể làm suy yếu tính hợp pháp của tổ chức này và phá vỡ cam kết của nhóm G-20 về việc mang lại cho các nền kinh tế mới nổi một tiếng nói lớn hơn.

Trong hơn 6 thập kỷ qua, theo một thỏa thuận bất thành văn giữa châu Âu và Mỹ, người đứng đầu IMF là người châu Âu, trong khi người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB) là người Mỹ. Hiện tại, chiếc ghế Tổng giám đốc IMF có khả năng cũng sẽ theo thỏa thuận này, khi được nói nhiều tới khả năng trao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde.

Christine Lagarde đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của châu Âu, đặc biệt là Anh và Đức. Các bộ trưởng tài chính Anh và Đức cho rằng, với năng lực và phẩm chất xuất sắc được giới tài chính toàn cầu tôn trọng và đánh giá cao, Bộ trưởng Christine Lagarde sẽ là ứng cử viên nổi bật và sẽ tạo cho châu Âu cơ hội tốt nhất để tiếp tục lãnh đạo IMF.

Theo Reuters, mặc dù bà Lagarde được nhiều người kính trọng, song các nước đang phát triển muốn thấy nhiều ứng viên mang các quốc tịch khác được xem xét nghiêm túc cho vị trí này, ngay cả khi cuối cùng nó vẫn thuộc về một người châu Âu.

Hồi tháng 4/2009, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí ủng hộ "quá trình lựa chọn công khai, minh bạch và dựa trên phẩm chất của các ứng cử viên" cho vị trí lãnh đạo các tổ chức quốc tế, mặc dù không thể nhất trí việc loại bỏ yếu tố quốc tịch. Reuters dẫn lời một quan chức từ một nền kinh tế mới nổi cho rằng, nếu quá trình tìm người kế nhiệm Strauss-Kahn đi ngược lại cam kết trên, thì nó sẽ không chỉ làm suy yếu IMF, tính hợp pháp, hiệu quả làm việc của bất kỳ ai được chọn, mà còn làm suy yếu cả G20

Trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển đang phải vật lộn với mức tăng trưởng thấp và cuộc khủng hoảng tài chính, các nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu và tìm kiếm ảnh hưởng tại các tổ chức ở Washington. Sau các cuộc đàm phán khó khăn, Trung Quốc đã vượt qua Pháp và Anh, trở thành thành viên có quyền bỏ phiếu lớn thứ ba trong IMF và WB, sau Mỹ và Nhật.

Số phiếu của các nền kinh tế mới nổi khác trong IMF cũng tăng lên, mang lại cho các quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... một tiếng nói lớn hơn trong định chế tài chính này. Giờ đây, các nước này muốn có một quá trình lựa chọn công bằng các ứng viên cho vị trí lãnh đạo IMF. Trên thực tế, khi Trung Quốc tuần qua kêu gọi tiến hành một quá trình lựa chọn minh bạch và dựa trên phẩm chất ứng viên. Brazil, Nam Phi và Mexico đã ủng hộ quan điểm này.

Ban lãnh đạo IMF cho biết, cơ quan này hy vọng sẽ kết thúc quá trình lựa chọn Tổng giám đốc mới trước ngày 30/6 và phác ra những điểm chính của quá trình lựa chọn mà trong đó sẽ tiến hành phỏng vấn không chỉ một ứng cử viên. Tuy nhiên, vẫn có nhiều luồng quan điểm cho rằng, cuối cùng thì Washington cũng sẽ ủng hộ một ứng cử viên là người châu Âu.

Tuy nhiên, ông Arvind Subramanian, học giả cao cấp thuộc Viện Peterson ở Washington cho rằng, điều quan trọng là người kế nhiệm ông Strauss-Kahn phải nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên IMF. Ông nói, "nếu bạn đề cử một người châu Âu, bạn phải đặt câu hỏi xem đây có thực sự là một ứng cử viên xứng đáng cho chức vụ này hay không".

Công khai, minh bạch

Hôm 23/5, ban lãnh đạo IMF đã thông báo quy trình lựa chọn người kế nhiệm chức Tổng giám đốc IMF, nhằm đảm bảo chọn được người tài một cách công khai, minh bạch.

Shakour Shaalan, người cao tuổi nhất trong ban lãnh đạo IMF nhấn mạnh, ứng cử viên chức Tổng giám đốc IMF là công dân của bất cứ nước thành viên nào, nhưng phải có thành tích nổi bật trong hoạch định chính sách kinh tế ở cấp cao.

Ứng viên phải có nền tảng nghiệp vụ xuất sắc với những kỹ năng quản lý và ngoại giao cần thiết để lãnh đạo; tầm nhìn chiến lược đối với công việc chất lượng cao, đa dạng và toàn tâm toàn ý của người lãnh đạo IMF.

Thêm vào đó, ứng cử viên chức Tổng giám đốc IMF cần cam kết thúc đẩy các mục tiêu của thể chế tài chính này thông qua tăng cường sự đồng thuận về các chính sách then chốt và các vấn đề thể chế khác; cam kết và đề cao hợp tác đa phương, chứng tỏ được tính khách quan và công bằng.

Ông Shakour Shaalan cho biết, thời gian lựa chọn bắt đầu từ ngày 23/5 và kết thúc ngày 10/6/2011. Mặc dù Tổng giám đốc mới có thể được lựa chọn trên cơ sở bằng đa số phiếu bầu, nhưng mục tiêu của ban lãnh đạo IMF là lựa chọn trên cơ sở đồng thuận và hoàn tất quá trình lựa chọn vào ngày 30/6 tới.

(Theo Vneconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Trục kinh tế thế giới đang thay đổi
  • ADB: 40 năm nữa sẽ là kỷ nguyên của châu Á
  • Chính sách thuế - Công cụ quan trọng vượt qua khủng hoảng
  • Kinh tế 24h: Thảm họa nối liền thảm họa
  • Kinh tế 24h qua: Số phận đồng Euro
  • Chè xuất khẩu: Để vừa “có tiếng” vừa “có miếng”
  • Phương Tây sẽ bị của các nước mới nổi “hạ bệ”
  • Thế giới tuần 16-22/5: USD vẫn độc tôn