Sau một phiên đi lên khá mạnh, hôm qua (15/6) giá dầu thô quốc tế đảo chiều lao dốc gần 5%, khi đồng USD tăng giá so với Euro trước mối lo nợ công Hy Lạp gia tăng.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 trên sàn New York tuột thẳng 4,56 USD/thùng, tương ứng 4,6%, xuống còn 94,81 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 18/2. Đây cũng là ngày giảm giá mạnh nhất của dầu thô kể từ ngày 11/05.
Cùng ngày, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 7 trên sàn giao dịch London hết hạn và đóng cửa ở mức 117,10 USD/thùng, giảm 3,06 USD/thùng sau khi xuống tới 116,80 USD/thùng vào đầu phiên. Dầu Brent giao tháng 8 giảm 6,34 USD/thùng xuống còn 113,01 USD/thùng.
Trong phiên 14/6 tại thị trường New York, giá dầu đã lấy lại đà đi lên sau khi thị trường đón nhận những thông tin tích cực về kinh tế Mỹ, vừa được công bố ngày 13/6, đẩy chênh lệch giữa giá dầu ngọt nhẹ, hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI), và dầu Brent Biển Bắc lên mức kỷ lục 22,79 USD.
Tuy nhiên, một loạt thông tin thiếu tính tích cực từ châu Âu và Mỹ hôm qua đã nhấn chìm thị trường dầu mỏ quốc tế. Cụ thể, hôm qua, các quan chức châu Âu đã tiến hành họp khẩn để tìm cách giải cứu Hy Lạp. Song theo các nguồn tin, gói cứu trợ thứ 2 này có thể phải đợi đến tháng 7 này mới có thể thống nhất được.
Sự dùng dằng trong giải cứu Hy Lạp khiến giới đầu tư thêm bi quan cho triển vọng kinh tế nước này. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York vừa công bố chỉ số sản xuất tại đây xuống thấp nhất từ 11/2010 và Bộ Năng lượng Mỹ cho hay, nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này đã giảm lần đầu tiên trong 5 tuần qua.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới thị trường dầu là việc BNP Paribas SA, ngân hàng lớn nhất của Pháp và các đối thủ là hai ngân hàng Societe Generale SA và Credit Agricole SA có thể bị tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody cắt giảm xếp hạng tín dụng vì các khoản nắm giữ trái phiếu Hy Lạp.
Trước đó, ngày 14/6, cơ quan xếp hạng tín dụng S&P đã hạ 3 bậc xếp hạng tín dụng của Hy Lạp xuống thấp nhất thế giới, từ B xuống CCC. Lợi suất trái phiếu Hy Lạp 10 năm tăng lên 18%, cao nhất trong lịch sử 17 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Chuyên gia giao dịch Yuzo Sakai, thuộc Tokyo Forex and Ueda Harlow, cho rằng thị trường ngày càng lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp có thể làm cho khu vực tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị tổn thương và điều này đang là nhân tố gây sức ép giảm giá lên đồng euro.
Còn chuyên gia phân tích hàng đầu thuộc Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (Nhật Bản), Sumino Kamei nhận định đồng Euro có nguy cơ rớt xuống mức 1,4350 USD/Euro, do thị trường vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của gói cứu trợ thứ hai dành cho Athens.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, một cuộc đình công kéo dài 24 giờ nhằm phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã khiến Hy Lạp bị tê liệt. Phe đối lập còn yêu cầu Thủ tướng nước này George Papandreou phải từ chức, để tìm ra một nhà lãnh đạo mới mà công chúng ủng hộ.
Hàng chục ngàn người Hy Lạp đã tập trung biểu tình trước Quốc hội, phản đối các biện pháp khắc khổ mà nước này áp dụng và phản đối việc các quan chức châu Âu không đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ cho Hy Lạp. Một nhóm người đã ném bom xăng và đụng độ với cảnh sát trước tòa nhà Bộ Tài chính.
Trong bài viết trên tờ Tín báo của Hồng Kông mới đây, Gerard Lyons, Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Charter cho hay, các nước châu Á cuối cùng cũng đã nhận thức được thách thức của lạm phát.
Sau khi các biện pháp tăng lãi suất và kiềm chế vật giá cho thấy hiệu quả khá tốt, ngân hàng trung ương các nước châu Á gần đây vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ thêm một bước, đồng thời coi vấn đề giải quyết lạm phát là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời gian tới.
Tác giả đánh giá rằng, có nhiều nhân tố phức tạp khiến châu Á phải gánh chịu áp lực lạm phát nặng nề hơn các nước khác. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu lục này rất mạnh mẽ, song tình hình hạ nhiệt nền kinh tế lại thấp hơn nhiều nước phương Tây.
Trong khi đó, theo nhận định của một quan chức Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 15/6, 6 nền kinh tế mới nổi Indonesia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga sẽ chiếm hơn 50% tăng trưởng toàn cầu vào năm 2025.
Mansoor Dailami, Giám đốc phụ trách xu hướng thị trường mới nổi, dự báo các nền kinh tế này sẽ tăng trưởng trung bình 4.7%/năm trong giai đoạn từ 2011-2025. Theo ông, các nền kinh tế phát triển chỉ tăng trưởng 2.3% trong cùng kỳ, nhưng vẫn là trụ cột của nền kinh tế toàn cầu.
Ông Dailami cho rằng, sự dịch chuyển của nền kinh tế toàn cầu có thể là yếu tố tích cực đối với các quốc gia đang phát triển. Việc quản lý hội nhập toàn cầu và tăng cường hợp tác chính sách giữa các cường quốc kinh tế rất quan trọng trong việc giảm bớt những rủi ro về sự mất ổn định của nền kinh tế.
Liên quan tới kinh tế Mỹ, theo kết quả khảo sát độc lập của CNNMoney và AP, các chuyên gia kinh tế có cái nhìn khá thống nhất về triển vọng kinh tế Mỹ trong phần còn lại của năm là tương đối tiêu cực. Rủi ro suy thoái đối với nền kinh tế đầu tầu của thế giới tuy nhỏ nhưng đang lớn dần lên.
Các nhà kinh tế của cả hai nhóm đều hạ dự đoán về tăng trưởng kinh tế và mức độ tạo việc làm trong nửa năm còn lại. Điều tra của AP dự báo, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ chỉ giảm xuống còn 8,7% vào cuối năm, trong khi khảo sát của CNNMoney dự báo GDP quý 2 tăng trưởng 2,3% so với cùng kỳ.
Về Nhật Bản, hôm qua, Bộ trưởng phụ trách chính sách tài khóa và kinh tế Nhật Kaoru Yosano cho biết, nước này có thể hạ dự báo tăng trưởng năm tài khóa 2011 xuống quanh mức 0%. Nhận định được đưa ra sau khi các bộ trưởng thuộc Nội các đánh giá tình hình kinh tế 3 tháng sau thảm họa ngày 11/3.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế và định chế tài chính đã dự báo tăng trưởng GDP cho năm tài khóa 2011 kết thúc vào tháng 3 năm sau là 0,2%, thấp hơn nhiều so với mức 1,5% đưa ra trước đó. Theo Bộ trưởng Yosano, thông thường, dự báo của Chính phủ khá tương đồng với dự báo của khu vực tư nhân.
(VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com