Tháng 8 là thời gian khiến thần kinh của các nhà kinh tế cũng như kinh tế toàn thế giới phải căng mình chịu đựng. Nhưng tháng 9 và tháng 10 này cũng chưa có dấu hiệu nào khả quan hơn.
Tại Mỹ, sự lo lắng vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Các cuộc họp mặt tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ theo kế hoạch diễn ra vào ngày 20 và 21 tháng 9 được cho là sẽ dành thời gian cho sự tranh luận về việc sử dụng kho vũ khí tiền tệ làm sao hiệu quả nhất. Thế giới tài chính Phố Wall hy vọng sẽ có chính sách nới lỏng tiền tệ lần thứ 3 (QE3), một cuộc chiến đấu lớn khác về việc mua trái phiếu. Tình trạng yên ắng tại Jackson Hole cho thấy nếu có bất kỳ một quyết định nào về tài chính được đưa ra thì cũng khiêm tốn. Nhiều lãnh đạo ngân hàng trung ương, kể cả lãnh đạo Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Ben Bernanke cho rằng giờ là thời điểm để các chính sách tài chính được thực hiện nhiều hơn. Theo ông Ben Bernanke, các nhà chính trị cần giải quyết các đống lộn xộn về tài chính trung hạn trong khi vẫn dành ra khoảng trống cần thiết để nền kinh tế hiện tại không phải chịu đựng điều đó. Tổng thống Barack Obama đang tích cực làm việc về kế hoạch tăng việc làm nhưng vấn đề khác của nước Mỹ thì vẫn bấp bênh, ví dụ như giảm thuế trên tổng nhân viên trong Cty. Tại Châu Âu, nhiều vấn đề nguy hiểm hơn đang tồn tại. Các nhà lãnh đạo tiếp tục thực hiện Hiệp ước đạt được hôm 21/7 với lời hứa cho Hy Lạp vay nhiều tiền hơn và dùng nhiều nguồn lực khác hỗ trợ, đồng thời mở rộng quyền lực cho Quỹ bình ổn tài chính Châu ÂU – EFSF. Điều đó sẽ thành hiện thực khi QH Châu Âu thông qua các vấn đề này trong vài tuần tới. Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho biết quyết định mới nhất trong việc mua trái phiếu Tây Ban Nha và Italy là một bước đi tạm thời cho đến khi việc mở rộng EFSF được thực thi và đi vào hoạt động. Tuy nhiên có ba bóng đen đang bao phủ EFSF. Thứ nhất, thời gian cho việc phê chuẩn của các nhà chính trị có thể bị phân hóa. Phần Lan đang yêu cầu phải có sự đảm bảo cho khoản đóng góp của họ nhằm cứu Hy Lạp, còn Đức đang chờ sự thông qua của Tòa án Hiến pháp vào ngày 7/9 mới được tham gia khoản cứu trợ này. Thứ hai, đang có một sự lẫn lộn ngày càng tăng về những việc quỹ cứu trợ cần làm. ECB đang bị chia rẽ về việc nhận trách nhiệm mua trái phiếu chính phủ của Italy và Tây Ban Nha một khi thị trường quay lưng. Chủ tịch IMF, Lagarde cho rằng các ngân hàng Châu ÂU cần vốn khẩn cấp để cắt chuỗi bệnh lây lan và cần có sự tái cấu trúc vốn bắt buộc thông qua dùng quỹ vốn công khi cần thiết, và EFSF trong trường hợp đặc biệt như Bộ Tài chính Mỹ đã thực hiện năm 2008. Nhưng chủ tịch ECB, Jean-Claude Trichet không đồng tình điều đó, cho rằng các ngân hàng Châu ÂU có thể dựa vào sự hỗ trợ của ECB để phát triển trở lại. Thứ ba và là lý do lớn nhất để lo lắng là EFSF quá nhỏ bé. Quỹ này đang được tăng vốn lên 440 tỷ euro nhưng chỉ tính các khoản tiền đã được hứa hẹn cho việc giải cứu các nền kinh tế như Hy Lạp đã phải giải ngân tới một nửa, chỉ còn lại khoảng 220 tỷ euro. Theo tốc độ mua trái phiếu chính phủ của ECB hiện tại là 6 tỷ Euro một tuần thì EFSF sẽ không kéo dài được lâu, nhất là khi cùng lúc phải hỗ trợ các ngân hàng Châu Âu. Với sự khó khăn của hai trung tâm kinh tế bậc nhất thế giới như vậy, có thể thấy cuộc chiến chống một sự suy thoái tiềm ẩn mới vẫn đang rất khó khăn. Nhiệm vụ của các quan chức Mỹ là chống lại sự sụp đổ tạm thời của hệ thống tài chính còn trách nhiệm của quan chức Châu Âu nặng nề hơn là chống đỡ vấn đề nợ công nặng nề và khó nhất là mục tiêu cuối cùng chưa xác định được rõ ràng. Vì thế hai tháng tới vẫn là thời gian chưa mấy sáng sủa của kinh tế thế giới mà chỉ có sự lãnh đạo đúng đắn của các nhà hoạch định chính sách mới mang lại kết quả khả quan hơn.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com