Vẫn còn "ngấm đòn" từ gói kích thích chi tiêu mạnh mẽ năm 2008 và có thể không muốn triển khai một gói kích thích lớn khác, lần này, Trung Quốc khó có thể “cứu” kinh tế thế giới khỏi sa vào suy thoái.
Không mấy ai hoài nghi về tiềm lực tài chính của Trung Quốc. Với dự trữ ngoại tệ lên tới 3.200 tỷ USD và nợ công thấp, Trung Quốc có đủ khả năng tung ra một gói kích cầu nữa. Chỉ có điều, những tác dụng phụ của nó sẽ làm lạm phát trở nên tồi tệ hơn do giá hàng hoá tăng quá nhanh.
Bên cạnh đó, đợt cuối cùng của gói kích thích kinh tế năm 2008 đã gây ra những cơn đau đầu dai dẳng cho đến nay. Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các ngân hàng cho vay quá dễ dãi đối với các dự án quốc gia như đường sắt, sân bay và đường bộ. Một số khoản vay đã trở thành nợ xấu và sự vỡ nợ của các địa phương đã gây ra một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Nợ của chính quyền các địa phương chiếm tới gần 27% GDP của Trung Quốc, vì vậy nếu phải xử lý những khoản nợ xấu đó, ngân sách sẽ bị thâm hụt đáng kể. Chính quyền các địa phương đã vay rất nhiều tiền ngân hàng, dẫn tới khoản nợ chồng chất lên tới khoảng 10,7 nghìn tỷ NDT và một số nhà kinh tế cho rằng khoảng 1/4 tổng số tiền này có thể không lấy lại được.
Năm 2008, khi Ngân hàng Lehman Brothers phá sản dẫn đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu, Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên trên thế giới tung ra gói kích thích kinh tế quy mô lớn, khi "đổ" tới 4.000 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Ông Vincent Chan, một nhà phân tích của Credit Suisse tại Hong Kong, cho biết bùng nổ chi tiêu đã giúp Trung Quốc phục hồi kinh tế bắt đầu vào năm 2009. Nếu lặp lại, các ngân hàng lại có thể "linh hoạt" cho vay đối với các dự án đầu tư của chính phủ. Chính phủ sẽ kiềm chế không để giá bất động sản phát triển quá "nóng".
Theo ông Chan, Trung Quốc có thể được xem như là "nơi trú ẩn an toàn" vào cuối năm 2008, nhưng thời điểm này biện pháp dựa vào mô hình đầu tư dựa vào tín dụng cũ để vượt qua khó khăn sẽ không ổn. Do vậy các nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào những điều đã diễn ra hồi năm 2009.
Nhà kinh tế Ting Lu của ngân hàng America-Merrill Lynch tại Hong Kong cho biết nếu có một cuộc suy thoái khác ở Mỹ, Trung Quốc có thể ứng phó bằng cách phân bổ nhiều tiền hơn cho chương trình nhà ở xã hội hoặc cơ sở hạ tầng. Trung Quốc sẽ tung ra một chương trình đầu tư lớn như năm 2008.
Ben Simpfendorfer, nhà kinh tế kiêm Giám đốc quản lý tại Silk Road Associates ở Bắc Kinh, lại cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã có những thay đổi kể từ năm 2008. Xu hướng lạm phát cao hơn khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) giảm lãi suất, thị trường nhà đất phát triển mạnh mẽ và các doanh nghiệp nhà nước vẫn tăng cường đầu tư. Theo ông, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc bị suy giảm kinh tế và Bắc Kinh vẫn duy trì được khả năng ứng phó mạnh mẽ như trước đây.
Vân Anh
Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
(Tầm nhìn)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com