Kinh tế thế giới đang được thúc đẩy bởi cỗ xe “tam mã” gồm: các nước đang trỗi dậy, Khu vực sử dụng đồng euro và Mỹ.
Với tiêu đề “Kinh tế thế giới đã phân hóa thành ba cực”, tờ “Nhà kinh tế” (The Economist) số ra ngày 11/2 cho rằng sau khi đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2010, kinh tế thế giới bước vào năm 2011 với một số dấu hiệu lạc quan như chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và các chủ doanh nghiệp đã tăng lên, ngành chế tạo đã tăng công suất và thị trường tiền tệ khởi sắc.
Tuy nhiên, “cỗ xe tam mã” của kinh tế thế giới vẫn đang chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn. Trong cỗ xe này , “mỗi ngựa chạy theo mỗi hướng”, tăng trưởng cũng không đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn, không phối hợp được biện pháp chính sách… nên đã triệt tiêu nhiều nhân tố tích cực cho phục hồi kinh tế chung và làm cho kinh tế thế giới không thể nhanh chóng phục hồi, phát triển bền vững.
Cho tới nay, các nền kinh tế đang trỗi dậy vẫn đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP chung của toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt mức cao và FDI vẫn tiếp tục đổ vào các nước này. Tuy nhiên các nước đang trỗi dậy hiện đang đứng trước tình trạng kinh tế quá nóng. Khủng hoảng kinh tế dường như đã lui vào dĩ vãng, nhưng chính sách tiền tệ vẫn chưa được nới lỏng làm cho kinh tế các nước đang trỗi dậy tăng trưởng không bền vững. Đó là chưa kể những tác động tiêu cực đến từ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Mỹ luôn dội vào.
Eurozone hiện vẫn chịu nhiều sức ép, không chỉ ở lĩnh vực tiền tệ mà còn là vấn đề kinh tế vĩ mô. Hiện nay chính phủ nhiều nước - nhất là các nước trụ cột như Đức, Pháp - đều thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó các nước như Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp đang bị lao đao trong khủng hoảng nợ và đứng trước tương lai đầy bất trắc và không có nhiều sự lựa chọn. Các nước này không thể cắt giảm tiền lương và hạ giá thành nhằm đẩy mạnh cạnh tranh xuất khẩu. Đây là nguyên nhân khiến cho kinh tế Eurozone khó có thể bứt lên và tăng trưởng cao. Trái lại, một số nước thành viên Eurozone có thể lâm vào suy thoái. Các chuyên gia kinh tế cho rằng hầu như toàn bộ mô thức ngân hàng của Khu vực sử dụng đồng euro phải tiến hành tái cơ cấu và năm 2011 là “năm đầy cam go” đối với các nước Eurozone.
Nước Mỹ cũng có nhiều vấn đề tương tự các nước thành viên Eurozone, nhưng xu hướng phát triển lại khác với các nước này. Mỹ đã ra khỏi thời kỳ thắt chặt kiểm soát kinh tế vĩ mô, đồng thời chính quyền g Obama quyết định kéo dài biện pháp giảm thuế với kim ngạch tới 2% GDP thực hiện từ thời kỳ cựu Tổng thống Bush và tiếp tục thực hiện gói kích cầu với 600 tỉ USD. “Tiền nóng” tràn ra thị trường tiền tệ và đổ vào các nước đang trỗi dậy, chứ không vào Eurozone đang nợ nần chồng chất. Bởi vậy, ngăn chặn tiền nóng tràn vào và kiềm chế lạm phát đang là bài toán nan giải của các nước kinh tế mới trỗi dậy.
Dự đoán xu thế phát triển của kinh tế thế giới năm 2011, The Economist cho rằng trong vòng 5 năm tới, các nền kinh tế đang trỗi dậy vẫn đóng góp tới 50% vào tăng trưởng GDP chung của thế giới. Kinh tế thế giới vẫn chưa thể lập lại thế cân bằng, nhất là giữa kinh tế Eurozone và kinh tế của các nước đang trỗi dậy. Hai gam màu sáng tối trong bức tranh kinh tế thế giới vẫn tương phản rõ nét.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com