Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự báo kinh tế 2011: Thế giới tam phân

Mỹ, khu vực đồng euro và các nền kinh tế đang nổi lên đang tiến theo ba hướng khác nhau.

Năm 2010 có vẻ là một năm đặc biệt tốt lành cho kinh tế thế giới. Tổng sản lượng toàn cầu tăng gần 5%, cao hơn mức trung bình nhiều năm và cao hơn nhiều so với kỳ vọng mà các nhà dự báo đưa ra 12 tháng trước. Đa số những nguy cơ làm kinh hoàng các thị trường tài chính suốt năm nay đã không trở thành hiện thực. Kinh tế Trung Quốc đã không “hạ cánh cứng”. Sự sụt giảm hồi giữa năm của kinh tế Mỹ đã không biến thành một vụ suy thoái kép. Cứ cho rằng, những rắc rối trong các nền kinh tế ngoại vi của khu vực đồng euro là rất thực nhưng toàn khối eurozone nói chung vẫn đạt được mức tăng trưởng khiêm tốn, nhờ sức kéo của đầu tàu kinh tế Đức - nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số các nước giàu năm 2010.

Triển vọng nào cho năm mới?

Câu hỏi đặt ra vào lúc này là, liệu năm 2011 có diễn ra theo cùng mô thức ấy hay không. Nhiều người có vẻ như đang nghĩ như vậy. Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đang dâng lên ở nhiều nơi trên thế giới; sản xuất công nghiệp toàn cầu đang tăng tốc và các thị trường tài chính cũng đang khởi sắc. Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI đã tăng 20% kể từ đầu tháng 7-2010. Các nhà đầu tư bây giờ cũng coi thường những thông tin “khủng khiếp” hơn những tin từng làm cho họ kinh hoàng năm ngoái, từ tin về nguy cơ vỡ nợ ở các quốc gia ngoại vi của khối eurozone cho đến tin về lạm phát phi mã ở Trung Quốc.

Đầu năm nay các nhà đầu tư tỏ ra bi quan quá đáng. Nhưng giờ đây niềm tin phơi phới của họ dường như được đặt không đúng chỗ. Nói một cách đơn giản, diễn biến của kinh tế thế giới trong năm 2011 phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra ở ba khu vực chính: các thị trường đang nổi lên cỡ lớn, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ. (Nhật Bản tất nhiên vẫn là một cường quốc kinh tế nhưng nước này dường như ít có khả năng tạo ra sự ngạc nhiên). Ba khu vực lớn này đang đi theo những hướng khác nhau, với những triển vọng tăng trưởng và những lựa chọn chính sách rất khác nhau.

Các nền kinh tế đang nổi lên

Hãy bắt đầu với các nền kinh tế đang nổi lên cỡ lớn, có đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Từ Thâm Quyến ở Trung Quốc đến Sao Paolo ở Brazil, các nền kinh tế này đang phát triển rất nhanh. Năng lực dự phòng đã được sử dụng hết. Vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào những nơi có thể làm ăn được. Những mối lo ngại cá biệt về bong bóng tài sản đã bị thay thế bằng nỗi sợ vì phát triển quá nóng ở khắp nơi. Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này, nhưng không chỉ có Trung Quốc. Các cửa tiệm ở Brazil đông nghẹt người mua sắm và lạm phát cũng đã vượt quá 5%, nhập khẩu trong tháng 11-2010 đã tăng tới 44% so với cùng kỳ năm trước.

Tiền vốn rẻ thường gây rắc rối. Cho dù vụ đóng băng tín dụng năm 2009 đã trở thành quá khứ xa xôi nhưng ở khu vực này, các điều kiện tài chính-tiền tệ vẫn còn khá lỏng lẻo nhờ nhiều nước đang nỗ lực kiềm chế đà tăng giá đồng tiền (Trung Quốc cũng là một ví dụ tốt về xu hướng này). Sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ nới lỏng với nỗ lực kìm giá đồng tiền thường không bền vững. Để ngăn chặn xu thế giá cả leo thang, phần lớn các nền kinh tế đang nổi lên sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm tới. Nếu siết chặt quá, đà tăng trưởng kinh tế có thể bị chậm lại đáng kể; nhưng nếu lỏng tay quá, lạm phát sẽ tăng tốc và sau này cần phải siết chặt mạnh hơn. Dù thế nào đi nữa, nguy cơ những cú sốc kinh tế vĩ mô thoát thai từ các nền kinh tế đang nổi lên cũng đang gia tăng rất nhanh.

Khu vực đồng euro

Khu vực đồng euro lại là một nguồn phát sinh căng thẳng khác, lần này là cuộc khủng hoảng tài chính lẫn kinh tế vĩ mô. Trong ngắn hạn, tăng trưởng ở khu vực đồng euro chắc chắn sẽ chậm lại, ít ra là vì các chính phủ cắt giảm chi tiêu. Ở các nước “cốt lõi” của khu vực, đáng chú ý nhất là Đức, sự siết chặt chính sách tài khóa mang tính chất tự nguyện, và có phần khắc khổ, nhưng các quốc gia ngoại vi như Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp thì không có lựa chọn nào khác và tương lai khá mù mịt.

Kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia sử dụng chung đồng euro hầu như không có khả năng cải thiện năng lực cạnh tranh một cách nhanh chóng bằng cách tiết giảm lương bổng và giá cả hàng hóa. Tệ hơn nữa, hậu quả về tài chính của việc chuyển sang một thế giới trong đó một nước thuộc khối đồng euro có thể bị phá sản đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Điều đó không chỉ vì quá nhiều chính phủ trong khu vực đồng euro mắc nợ như chúa Chổm mà toàn bộ mô hình ngân hàng châu Âu, đặt căn bản trên sự hội nhập hoàn toàn và xóa nhòa ranh giới quốc gia, cần phải được xem xét lại. Những khó khăn này sẽ đè nặng lên tâm trí các nhà hoạch định chính sách thông tuệ nhất của châu lục này. Trong khi đó, đáng buồn là các nhà lãnh đạo chính trị của khu vực này lại rất cứng nhắc và không gây được ấn tượng. Một vụ rắc rối còn to hơn nữa là điều chắc chắn sẽ xảy ra trong năm 2011.

Kinh tế Mỹ

Nền kinh tế Mỹ cũng sẽ chuyển dịch, nhưng theo một hướng khác. Không giống như châu Âu, chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ, tuy không nhất quán, nhưng đang quyết liệt chuyển ra khỏi tình trạng thắt lưng buộc bụng. Đạo luật mới về cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu mà Tổng thống Barack Obama mới ký ban hành hôm 18-12 sau khi đã giành được sự đồng thuận của Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát, là một giải pháp lớn hơn kỳ vọng. Không chỉ kéo dài thêm hai năm thời gian giảm thuế được thực thi từ thời Tổng thống George Bush, đạo luật này còn đưa ra gói giảm thuế có giá trị hơn 2% GDP trong năm 2011. Kết hợp với chính sách tung tiền mua lại trái phiếu mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang tiến hành, vụ giảm thuế đại trà này có thể là một liều thuốc kích thích mới mà Mỹ bơm vào nền kinh tế giữa lúc châu Âu phải trải qua một mùa đông lạnh lẽo.

Kết quả của các chính sách vĩ mô này là kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng tới 4% trong năm tới và đó là điều tốt hơn kỳ vọng, đủ để làm giảm nạn thất nghiệp tuy phải mất nhiều thời gian. Tuy vậy, các nhà chính trị Mỹ cũng phải đối mặt nhiều rủi ro. Dù về lâu dài ngân sách liên bang Mỹ rất bấp bênh, nhưng ông cả Obama và đảng Cộng hòa dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc củng cố chính sách tài khóa trung hạn. Nhiều đề nghị cân đối sự thâm hụt ngân sách đã không được chú ý tới.

Những người đầu tư trái phiếu, từng rộng lượng với việc in và tung ra thị trường đồng tiền dự trữ chính của thế giới, nay chào đón luật thuế mới bằng cách bán ra số trái phiếu này. Tất nhiên một vài nhà đầu tư đang nhìn thấy sự tăng trưởng cao hơn nhưng ngày càng có nhiều nhà đầu tư lo lắng trước quy mô khổng lồ của hố đen tài khóa của Mỹ. Nếu những mối lo ngại này thắng thế, thị trường trái phiếu Mỹ có thể sụp đổ ngay trong năm 2011.

Tác động đối với thế giới

Tình trạng mỗi khu vực đi một hướng như trên sẽ gây ra vấn đề gì? Sự phân rẽ giữa ba khu vực kinh tế lớn của thế giới sẽ làm gia tăng rủi ro ở mỗi khu vực. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Mỹ và mối lo ngại về khả năng vỡ nợ của các quốc gia vùng eurozone sẽ khuyến khích dòng vốn đầu tư chảy sang các nền kinh tế đang nổi lên, làm cho các ngân hàng trung ương của các nước đang nổi lên không dám nâng lãi suất cơ bản và kiềm chế lạm phát. Thay vì tái cân bằng như mong đợi, kinh tế thế giới trong tương lai gần sẽ còn méo mó hơn nữa giữa một phương Tây ngập trong nợ nần và một phương Đông phát triển mạnh mẽ.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // The Economist)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • "Nỗi ác mộng" của nền kinh tế toàn cầu năm 2011
  • Những dự cảm không lành về kinh tế 2011
  • Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trong 2 năm tới
  • Năm nguy cơ đối với kinh tế thế giới vào năm 2011
  • Bất ổn Trung Đông do thất bại kinh tế
  • Kinh tế thế giới năm 2011 và những dự báo
  • Kinh tế 24h qua: Mỹ, Nhật “trong tầm ngắm”
  • Quan hệ kinh tế Mỹ – Trung: Ba chữ “R” của thì hiện tại