Báo cáo "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2011" (WESP 2011) cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại trong năm 2011 và 2012.
Báo cáo WESP 2011 là kết quả nghiên cứu chung của bảy cơ quan kinh tế của Liên hợp quốc, gồm Vụ Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (DESA), Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) và năm ủy ban kinh tế xã hội Liên hợp quốc ở năm khu vực trên toàn cầu.
Theo báo cáo này, sau một năm hồi phục mong manh và không đồng đều, tăng trưởng kinh tế thế giới đã bắt đầu chậm lại vào giữa năm 2010 và sự suy giảm tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp diễn trong năm 2011 và 2012.
Báo cáo cho rằng tình trạng bong bóng bất động sản, tăng trưởng tín dụng yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao là “gót chân Asin” của tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, những vấn đề kinh tế tại các quốc gia phát triển sẽ làm chậm lại sự phục hồi kinh tế thế giới và có nguy cơ đe dọa sự ổn định kinh tế thế giới trong những năm tới.
Theo báo cáo này, GDP của thế giới sẽ tăng 3,1% trong năm 2011 và 3,5% trong năm 2012. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế thế giới có thể gặp những trở ngại, thậm chí kinh tế một số quốc gia phát triển có thể rơi vào suy thoái và tăng trưởng tại các quốc gia đang phát triển cũng sẽ chậm lại trong hai năm 2011 và 2012.
Báo cáo cho rằng ngoài khả năng tạo việc làm yếu, đặc biệt ở các nền kinh tế phát triển, biến động trên các thị trường tiền tệ cũng đang tạo ra những bất ổn kinh tế vĩ mô mới đe dọa làm phương hại hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong kịch bản xấu nhất, Liên hợp quốc dự báo châu Âu sẽ rơi vào suy thoái kép, còn các nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản tiếp tục trì trệ và cũng có nguy cơ rơi vào suy thoái kép trong năm 2011.
Bên cạnh đó, nguy cơ về một "cuộc chiến" tiền tệ đã hiện hữu do các nước không phối hợp chính sách mở rộng tiền tệ. Sự in tiền ồ ạt ở Mỹ đã gây sức ép lên đồng đôla Mỹ, gây chấn động các thị trường tiền tệ thế giới khiến đồng euro và đồng yen Nhật Bản tăng giá so với đồng đôla Mỹ. Điều này đã buộc các nước khu vực đồng tiền này phải can thiệp làm căng thẳng tăng cao, gây hỗn loạn trên các thị trường tiền tệ và thương mại quốc tế, đẩy lùi quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nguồn tin từ Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế (Anh) ngày 18/1 cho rằng dù châu Á sẽ vẫn là khu vực năng động nhất của nền kinh tế thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng khu vực này sẽ chậm lại trong năm 2011 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, châu Á cũng đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng như triển vọng tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu chính yếu, lạm phát tăng cao và phải đối phó với những hậu quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
EIU dự báo năm 2011 và những năm tiếp theo, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á sẽ quay trở lại mô hình trước khủng hoảng với việc Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu.
Hai cường quốc đang trỗi dậy này sẽ tăng trưởng trên 8% so với mức dưới 5% của các nền kinh tế còn lại trong khu vực. Tuy nhiên, sau một thời gian dài bị Trung Quốc phủ bóng, Ấn Độ sẽ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2015.
Nguồn tin từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ngày 18/1 cho biết chỉ số giá tiêu dùng tại Anh đã vọt lên mức 3,7% trong tháng 12/2010, mức cao nhất trong tám tháng qua, tăng gần gấp đôi so với mục tiêu của Anh là 2% trong tài khoá tính đến tháng 2/2011.
Tỷ lệ lạm phát cao bất ngờ trong tháng 12, chủ yếu do giá xăng dầu, giá lương thực và phẩm tăng cao, tạo thêm áp lực lên Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phải tăng lãi suất, hiện vẫn đứng ở mức thấp (0,5%/tháng) trong suốt nhiều tháng qua./.