Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bất ổn Trung Đông do thất bại kinh tế

Cảm nhận được “dư chấn” từ cuộc nổi loạn của người dân Tunisia, các nhà lãnh đạo thế giới Arab đã nhóm họp tại khu resort Sharm el-Sheikh ở Biển Đỏ (Ai Cập) hôm thứ tư 19.1 để bàn về thương mại và phát triển. Trong khuôn khổ hội nghị, một quỹ đặc biệt 2 tỉ USD được đề nghị thành lập để tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu tiên cho những nền kinh tế yếu kém hơn như Djibouti, Sudan và Yemen, những nơi đã có hàng ngàn người dân đổ ra đường phản đối nạn thất nghiệp, giá cả tăng vọt và tham nhũng lan tràn.

Ưu tiên của hội nghị kinh tế Arab

Cảm nhận được “dư chấn” từ cuộc nổi loạn của người dân Tunisia, các nhà lãnh đạo thế giới Arab đã nhóm họp. Ảnh: AFP

Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Kuwait Mohammed al-Sabah nhắc nhở các đối tác về những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt: “Các nước chia rẽ, người dân nổi loạn…và công dân Arab hỏi: "Liệu chế độ Arab hiện tại có năng động đáp ứng những thách thức này không?”

Dự kiến sau vài tuần nữa, quỹ tài trợ hoạt động như một ngân hàng sẽ được thành lập, cấp những khoản vay ngắn và trung hạn cho những thanh niên muốn thành lập những doanh nghiệp nhỏ có vốn đầu tư khoảng từ 20.000 - 50.000 USD. Ý tưởng lập quỹ tài trợ do Kuwait đưa ra lần đầu tiên vào năm 2009, trong hội nghị thượng đỉnh về kinh tế ở tiểu vương quốc vùng Vịnh, nhưng kế hoạch đã bị treo suốt 2 năm, giống như nhiều sáng kiến của Liên đoàn Arab yêu cầu các nước thành viên đóng góp.

Hai nước giàu dầu mỏ Saudi Arabia và Kuwait đã hứa chi mỗi nước 500 triệu USD và những khoản tài trợ khác đang được đổ vào quỹ. Hôm thứ ba, 11 nước thành viên khác cũng cam kết tài trợ bổ sung khoảng 298 triệu USD.

Mục tiêu ban đầu của hội nghị là nơi thảo luận về thương mại, kinh doanh và đầu tư, nhưng cuộc nổi loạn ở Tunisia, bị kích động bởi đàn áp chính trị, thất nghiệp gia tăng và giá thực phẩm tăng vọt, đã phủ lên hội nghị một đám mây mờ. Hội nghị diễn ra sau khi kết quả ban đầu trong một cuộc trưng cầu ý kiến ở Sudan cho thấy phần lớn người miền Nam Sudan ủng hộ độc lập, tách đôi nước lớn nhất châu Phi này.

Tại hội nghị, khi đề cập tác động kinh tế của biến động chính trị như ở Tunisia tuần rồi, tổng thư ký Liên đoàn Arab Amr Mohammed Moussa nhắc lại những sự cố ở Gaza năm 2005 và tình hình chia rẽ ở Sudan hiện nay và khẳng định, “Chúng ta đang đối mặt với những sự cố chính trị lớn trong thế giới Arab…” Ông nhấn mạnh nhu cầu liên kết kinh tế mạnh mẽ hơn giữa các nước Arab và sự cần thiết hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân để sửa sang các nền kinh tế đang chao đảo ở Trung Đông.

Bất ổn xã hội

Những cuộc biểu tình phản đối tham nhũng và đàn áp chính trị trong nhiều tuần đã buộc Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia phải bỏ trốn sang Saudi Arabia hôm thứ sáu tuần rồi. Các cuộc biểu tình lại tiếp diễn hôm 18.1 sau khi các nghiệp đoàn thương mại lớn ở Tunisia và những nhóm đối lập khác không chấp nhận một chính phủ mới thay thế nội các được chỉ định của Ben Ali.

Ngày 18.1, một thanh niên Ai Cập 25 tuổi thất nghiệp tự thiêu trên nóc nhà mình ở thành phố Alexandria (Ai Cập). Nhiều giờ trước đó, hai người đàn ông Tunisia bị kích động bởi các sự cố ở Tunisia cũng tự thiêu ở Cairo. Một ngày trước, một người đàn ông tự thiêu trước Quốc hội để phản đối Chính phủ.

Hôm thứ hai, một người ở Mauritania được biết là không bằng lòng với Chính phủ đã tự thiêu trong xe hơi của mình đậu bên ngoài một tòa nhà văn phòng ở thủ đô Nouakchott. Tại Algeria, cũng có 7 trường hợp tự thiêu, trong đó một người chết do phỏng nặng.

Những tuần lễ gần đây, hàng ngàn người biểu tình ở Jordan, Ai Cập, Oman, Libya và Yemen do tình trạng kinh tế, một số bày tỏ sự đoàn kết với người Tunisia. Ở Sudan, ngày 17.1, cảnh sát bắt giam lãnh tụ Hồi giáo Hassan Turabi sau khi ông này tuyên bố phản đối Chính phủ của Tổng thống Omar al-Bashir và kêu gọi người dân nổi dậy như Tunisia lật đổ Ben Ali.

Thái độ của Chính phủ

Trả lời câu hỏi về tác động của tình trạng Tunisia trong khu vực, ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Aboul Gheit cho biết, “Tất cả những dự án mới sẽ tạo thêm việc làm và đạt ổn định trong các xã hội Arab.”

Ở Ai Cập có khoảng phân nửa dân số sống với thu nhập chỉ 2 USD/ngày và những người bất đồng than phiền họ phải chịu đựng như người dân Tunisia. Tuy nhiên, chính phủ Ai Cập phủ nhận tình trạng bất mãn xã hội. Theo phát ngôn viên Hossam Zaki của ngoại trưởng Ai Cập, cuộc nổi loạn Tunisia khác biệt với Ai Cập vì người dân Ai Cập được tự do hơn.

Bộ trưởng Thương mại Ai Cập Rashid Mohammed cho biết, nạn thất nghiệp là nhân tố chính kéo lùi tiến bộ Trung Đông và khu vực này phải tạo 40 triệu việc làm trong 20 năm tới. “Điều tôi hy vọng ngày nay là sự kết hợp giữa các CEO và các tổ chức xã hội cũng như các tổ chức Arab. Những gì chúng ta đạt được còn kém xa những gì chúng ta đã từng hy vọng. Sự hợp tác kinh tế Arab chiếm 12% GDP, trong khi con số này ở EU là 60% và ở châu Á là 25%”.

Vào ngày 17.1, nhà lãnh đạo Kuwait Sheik Sabah al-Ahmed al-Jaber al-Sabah ra sắc lệnh cấp khẩu phần miễn phí cho tất cả người dân Kuwait với chi phí tổng cộng 818 triệu USD. Ông cũng ra lệnh chính phủ trợ cấp cho mỗi công dân Kuwait khoảng 4.000 USD. Quốc vương Abdullah của Saudi Arabia, nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng hứa tăng chi tiêu chính phủ trong những năm tới. Trả lời phỏng vấn của một tờ báo ở Kuwait, quốc vương cho biết sẽ chi 68 tỉ USD cho những dự án giảm thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng.

Tuyên bố sau cùng của hội nghị: “một cam kết cung cấp cơ hội việc làm cho thanh niên Arab để họ có thể tham gia xã hội đầy đủ.” Nhưng các đại biểu của một trong những nước tham gia hội nghị than phiền với hãng tin AFP rằng họ nghĩ những cam kết của hội nghị sẽ không dẫn đến đâu, giống như những hứa hẹn trước đây. Dù vậy, khía cạnh kinh tế của cuộc cách mạng Tunisia, được phản ánh ở những nước khác ở Trung Đông, có thể góp phần đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giảm nghèo đói trong khu vực.

Những nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ và thuộc quyền cai trị của các dòng tộc đang lo đề phòng..

VÕ PHƯƠNG// Theo SGTT

 (Arabian Business, France 24, DAWN)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Kinh tế thế giới năm 2011 và những dự báo
  • Kinh tế 24h qua: Mỹ, Nhật “trong tầm ngắm”
  • Quan hệ kinh tế Mỹ – Trung: Ba chữ “R” của thì hiện tại
  • 2011: Kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi chậm lại?
  • Quan hệ Trung-Mỹ: Hơn cả chiến tranh tiền tệ
  • Kinh tế 24h qua: Trật tự kinh tế thế giới đã thay đổi
  • Trung Quốc đang “trả giá” cho đường sắt cao tốc
  • Kinh tế 24h qua: Kẻ mừng, người lo