Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế thế giới năm 2011 và những dự báo

Kinh tế thế giới chuyển sang năm 2011 với kinh tế Mỹ bấp bênh, GDP Trung Quốc tăng trưởng 2 con số, kinh tế Nhật Bản “dậm chân tại chỗ” và “bão nợ công” hoành hành ở châu Âu.

Một thế giới nhiều sắc màu, một bối cảnh kinh tế đầy biến động và khó lường... Nhân loại bước vào năm 2011 với tâm trạng lo âu và hy vọng.

Lo âu


Đó là suy nghĩ đầu tiên khi xuất hiện những dự báo không mấy lạc quan về kinh tế thế giới. Bộ ba mặt hàng chiến lược có quan hệ mật thiết với nhau đồng thời là đối tượng số một của các nhà nghiên cứu, các nhà phân tích là USD, vàng và dầu mỏ đều có những dự báo vô cùng "biến động".

Theo dự đoán của ba nhà kinh tế nổi tiếng Mỹ là Martin Weiss, Richard Mogey và Monty Agarwal,  kinh tế thế giới năm 2011 cũng không mấy sáng sủa. Kinh tế Mỹ hiện ở trong tình trạng "hỗn độn": vừa là nền kinh tế mạnh nhất nhưng lại là "con nợ" lớn nhất với 14.000 tỷ USD nợ công (khoảng 90% GDP).

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ như vậy, ba nhà kinh tế tiếp tục cho rằng đồng USD sẽ giảm giá và giảm 1/2 nếu tính theo vàng.

Trái ngược với USD, giá vàng theo dự báo sẽ lên đến 2.000 USD/ounce. Đây là dự báo thật khó tin nhưng lại dựa trên cơ sở chu kỳ tăng giá vàng và sự bất ổn của kinh tế thế giới.

Tuy không có dự báo gây "sốc" cho thị trường vàng như nhận định của ba nhà kinh tế nêu trên, HSBC Holdings cũng đồng quan điểm về xu thế tăng giá vàng trong năm 2011,  khi dự báo vàng sẽ tiếp tục là nơi trú ẩn của các nhà đầu tư vì nỗi lo khủng hoảng nợ châu Âu vẫn chưa thể được giải quyết. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng tiếp tục duy trì chương trình QE 2 trong năm 2011 để ngăn giảm phát trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các thị trường mới nổi khả năng vẫn mạnh, dẫn tới nguy cơ lạm phát.

Dầu mỏ là một trong những mặt hàng chiến lược được các nhà phân tích, các nhà nghiên cứu dự báo và đa số đều có nhận định 100 USD/thùng là giá sàn.

Nhà phân tích cao cấp Conley Turner của Wall Street Strategies nói: “Trên thực tế, các nhà buôn và giới đầu tư đã sẵn sàng chuẩn bị trước khả năng giá dầu đạt mốc 100 USD/thùng vào năm 2011. Lý do chủ yếu là nguồn cung dầu mỏ đang tăng trên phạm vi toàn cầu khi hoạt động kinh tế gia tăng”.

Thế giới vẫn nợ nần

Đây là điều không có gì mới, nhưng mỗi khi nói đến người ta cảm thấy không thật sự yên tâm.

Trong một báo cáo mới nhất, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết qui mô và tốc độ nợ công trtên toàn thế giới tăng trưởng một cách rất "ấn tượng": từ 57.000 tỷ USD của năm 2000 đã lên đến 109.000 tỷ USD vào năm 2009 (tăng gần 100%).

Nếu xét theo thứ tự từ quốc gia có số nợ nhiều đến ít thì các nước G7 chiếm những vị trí tốp đầu, cụ thể: Mỹ nợ 14.000 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 10.000 tỷ USD, Anh 9.150 tỷ USD, Pháp 5.230 tỷ USD, Đức 5.130 tỷ USD...
Nợ công tăng cao đã làm cho châu Âu chao đảo trong năm 2010, trong đó Hy Lap và Ireland mới chỉ là “khúc dạo đầu”.

Tại một quốc gia có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Thủ tướng Naoto Kan đã phải cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ nhà nước, nếu không có phương án xử lý nợ công hiệu quả.

Tuy nhiên kinh tế thế giới sau khủng khoảng vẫn cần những "cú hích" mà một trong số đó vẫn là tiền, vẫn là...nợ công. Theo ước tính, trong giai đoạn 2011-2020 thế giới cần ghi vào sổ nợ thêm 100.000 tỷ USD nữa.

Tốc độ tăng trưởng thì chưa rõ, nhưng số nợ thì đã quá cụ thể, nhãn tiền.

Hy vọng


Kinh tế thế giới vẫn khó khăn, vẫn bất ổn nhưng vẫn hy vọng và đó là điều chắc chắn.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu có thể không tăng bằng mức 3,9% của năm 2010 nhưng mức tăng 3,6% là có thể chấp nhận được.  Điều quan trọng là “kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn phục hồi mới, chậm nhưng chắc”.

Các nền kinh tế lớn cũng được nhận định tương đối khả quan trong năm 2011. Mặc dù GDP dự báo chỉ tăng 1,5%, nhưng triển vọng kinh tế của Nhật Bản vẫn khá khả quan vì nhu cầu toàn cầu ngày càng cải thiện sẽ khuyến khích các công ty gia tăng sản  xuất. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có khả năng cải thiện. Nhiều chuyên gia cho rằng tăng trưởng của Mỹ trong năm 2011 sẽ đạt 2-3%, thậm chí có thể cao hơn.  Châu Âu có lẽ đóng góp vào tăng trưởng thế giới ở mức độ khiêm tốn nhất khi GDP dự báo chỉ tăng 1,5%, chỉ số này không phải quá xấu khi châu Âu vẫn đang gặp "bão" nợ công.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,7% trong năm 2011, thấp hơn  con số 10% của năm 2010.

Trong báo cáo gần nhất, IMF đã "mạnh dạn" dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 sẽ đạt khoảng 4,4% (tăng 0,2% so với dự báo trước) vì nhu cầu tiêu thụ tại các nền kinh tế lớn có dấu hiệu gia tăng. Có lẽ, đây là điều mà thế giới cần nhất khi bước sang năm 2011.

(tamnhin)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Kinh tế 24h qua: Mỹ, Nhật “trong tầm ngắm”
  • Quan hệ kinh tế Mỹ – Trung: Ba chữ “R” của thì hiện tại
  • 2011: Kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi chậm lại?
  • Quan hệ Trung-Mỹ: Hơn cả chiến tranh tiền tệ
  • Kinh tế 24h qua: Trật tự kinh tế thế giới đã thay đổi
  • Trung Quốc đang “trả giá” cho đường sắt cao tốc
  • Kinh tế 24h qua: Kẻ mừng, người lo
  • Kinh tế 24h qua: Mỹ vẫn là siêu cường số 1