Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế thế giới 6 tháng đầu 2010 và dự báo

Kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2010 diễn biến phức tạp. Có những lúc người ta lo ngại về một cuộc khủng hoảng kép khi vấn đề nợ Hy Lạp tưởng như không thể kiểm soát nổi. Các thị trường chứng khoán sụt giảm thê thảm. Thị trường hàng hoá cũng rơi vào giai đoạn giảm giá.

Tuy nhiên, theo nhận định củaIMF, rủi ro đối với kinh tế toàn cầu tăng lên nhưng sẽ không có suy thoái lần 2 Giám đốc và phó giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng rủi ro rối với triển vọng kinh tế toàn cầu đã tăng lên và hiện nay các nhà hoạch định chính sách không còn nhiều biện pháp có thể sử dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song dòng vốn đầu tư vào nhiều, rủi ro kinh tế tăng trưởng quá nóng lên cao nếu các nhà hoạch định chính sách không đưa ra biện pháp phù hợp.

Tuy nhiên nếu lĩnh vực ngân hàng đi xuống, kinh tế thế giới sẽ bị tăng chậm lại. Theo nghiên cứu của Viện tài chính quốc tế (IIF) đến năm 2015, việc áp dụng quy định mới đối với ngành ngân hàng sẽ lấy đi 3,1% tăng trưởng GDP của Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật. Nguyên nhân chính là bởi với quy định mới, các tổ chức tài chính có thể sẽ hạn chế tín dụng. Báo cáo từ IIF cho thấy những quy định mới đối với ngành ngân hàng có thể khiến số lượng việc giảm 9,7 triệu trong 5 năm tới.

ADB nhận định, các nền kinh tế mới nổi tại Châu Á có thể đạt tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tới 7,5% trong năm 2010 và 7,3% trong năm tiếp theo. Liên hợp quốc dự báo các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm nay.

Thị trường hàng hoá sụt giảm

Đa số các mặt hàng giảm giá trong quý 2. Hai mặt hàng được quan tâm nhiều nhất là dầu và vàng có diễn biến giá trái chiều nhau. Giádầuđã giảm 9,6% kể từ tháng 4, quý giảm giá đầu tiên kể từ quý IV/2008, khi giá giảm tới 56% bởi sức nóng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong phiên giao dịch cuối tháng 6, giá dầu giảm bởi tình hình việc làm tại Mỹ tháng 6 thất vọng khiến thị trường lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng. Mỹ là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả Trung Quốc. Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng gần 12% từ đầu năm tới nay. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) – cơ quan tư vấn của các nước tiêu thụ dầu lửa – dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 2% trong năm nay sau hai năm giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ những năm 1980. Tiêu thụ dầu lửa toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục 86,44 triệu thùng/ngày trong năm 2010.

Trái với dầu, vàng tăng giá trong quý vừa qua. Giá vàng tăng 2,5% trong tháng 6/2010 và tăng 14% trong năm nay.

Tuần thứ 2 của tháng 5/2010: Chốt tuần giá vàng giao tháng 8/2010 trên sàn New York tăng 1%, giá vàng tính theo đồng bảng Anh, euro, franc Thụy Sỹ lập kỷ lục. Tuần thứ 3 của tháng 5/2010: Giá vàng trong tuần chứng kiến 2 phiên giảm, 3 phiên tăng trong đó có 2 phiên lập kỷ lục mới; 2 kỷ lục lần lượt là 1.248,70USD/ounce và 1.258,30USD/ounce. Trong phiên đã có lúc giá vàng lên mức 1.263,70USD/ounce. Giá vàng tăng 2,3% trong tuần. So với cuối năm 2009, giá vàng tăng 15%. Chốt lại phiên cuối cùng của tháng 6/2010, giá vàng giao tháng 8/2010 tăng 3,50USD/ounce tương đương 0,3% lên mức 1.245,90USD/ounce tại thị trường New York. Lượng nắm giữ vàng tại quỹ SPDR GoldTrust liên tiếp lập kỷ lục mới, tính tháng 6/2010 đạt 1.320,44 tấn.

Những yếu tố tác động đến giá vàng trong quý vừa qua phải kể đến việc thị trường lo lắng về kế hoạch thanh tra các ngân hàng của châu Âu; khả năng nợ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể tăng cao; số lượng người thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tăng; doanh số bán nhà mới tháng 5 giảm vượt dự báo; nhà đầu tư rót tiền vào vàng bởi tin rằng vàng có thể giữ giá trị tốt hơn các loại tài sản khác như cổ phiếu trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều bất ổn; Nhà đầu tư ngoài ra còn mất niềm tin vào các loại tiền giấy; đặc biệt là xét đến biến động của đồng euro và đồng USD thời gian qua; Trung Quốc và Nga có thể tăng dự trữ vàng; lãi suất cơ bản thấp khiến đầu tư vào vàng mang lại lợi tức hấp dẫn hơn.

Thế giới đau đầu với nợ công

Theo tính toán của Economist, đến hết tháng 2/2010, tổng số nợ của tất cả các nước trên thế giới là 36 nghìn tỷ USD. Mỹ nợ nần chồng chất. Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ trình Quốc hội nước này trong tháng 6/2010, tổng số nợ của nước Mỹ đến năm 2015 có thể lên tới 19,6 nghìn tỷ USD từ mức 13,6 nghìn tỷ USD trong năm nay.

Tỷ lệ nợ/GDP năm nay là 93% GDP, con số này đến năm 2015 có thể lên 102% GDP.

Trung Quốc và một số nước, cá nhân và quỹ hưu trí hiện nắm tổng lượng nợ của Mỹ khoảng 9,1 nghìn tỷ USD, con số này vào năm 2009 mới chỉ là 7,5 nghìn tỷ USD.

Châu Âu cũng chìm trong nợ nần. Tỷ lệ nợ/GDP của một số nước châu Âu ở mức cao: Hy Lạp 115% GDP, Ý 115.8% GDP...

Châu Âu nhiều mảng sáng tối đậm nét

Sau khi vấn đề khủng hoảng nợ Hy Lạp lam ra toàn cầu, khiến các nhà đầu tư hoang mang, thị trường chứng khoán đi xuống, đã có một số dấu hiệu cho thấy khu vực Châu Âu đang lấy lại đà tăng trưởng. Kinh tế Bồ Đào Nha tăng trưởng tốt. Thị trường việc làm Đức phục hồi mạnh, và tình hình ngành ngân hàng châu Âu không tệ như dự báo.
Đầu tháng 6/2010, ông Nouriel Roubini, chuyên gia kinh tế học và là người đã từng dự báo chính xác về khủng hoảng tài chính, cho rằng kinh tế châu Âu, nếu không suy thoái, sẽ không tăng trưởng. Ông còn cho rằng nước Mỹ sẽ đương đầu với rắc rối về tài chính.

Quỹ giải cứu có thể được mở rộng nếu cần: Ông Herman Van Rompuy, chủ tịch mới được bổ nhiệm của Liên minh châu Âu, cho rằng gói giải cứu 750 tỷ euro tương đương 905 tỷ USD sẽ được mở rộng nếu không giải quyết được khủng hoảng nợ hiện nay.

Tây Ban Nha phát hành thành công trái phiếu:Tây Ban Nha đã phát hành thành công 3 tỷ euro tương đương 3,71 tỷ USD trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm ở mức lợi tức 4,864%, thấp hơn mức 5,04% trước đó.

Hy Lạp giảm thâm hụt ngân sách:Hy Lạp giảm đươc 40% thâm hụt ngân sách trong 5 tháng đầu năm. Số liệu kinh tế mới nhất cho thấy quốc gia đang chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế này sẽ có thể khiến thị trường lạc quan với tốc độ phục hồi trong năm nay. Năm 2009, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp là 13,6% GDP, Hy Lạp đặt mục tiêu giảm thâm hụt xuống mức 8,1% GDP trong năm nay. Tình trạng thiếu hụt tiền mặt của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp đã cải thiện.

Theo số liệu của Cục Thống kê châu Âu (Eurostat), tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1/2010 của Bồ Đào Nha nhanh thứ 2 tại EU, sau Thụy Điển. Kinh tế nước này tăng 1,8% trong quí 1/2010 so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1% so với quý 4/2009. Theo nhà kinh tế Cristina Casalinho thuộc Banco BPI tại Lisbon (Bồ Đào Nha), xuất khẩu là động lực chính giúp kinh tế Bồ Đào Nha tăng trưởng.

Moody nhận định ngân hàng châu Âu có thể ứng phó tốt với khủng hoảng: Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody đã tiến hành thanh tra các ngân hàng châu Âu và kết luận các ngân hàng châu lục này đủ mạnh để ứng phó với bất kỳ khoản thua lỗ nào từ việc nắm giữ trái phiếu chính phủ Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ireland.

Moody cảnh báo việc nước này giảm thâm hụt ngân sách sẽ tạo ra nhiều hậu quả xấu về kinh tế. Xếp hạng tín dụng của Hy Lạp bị hạ xuống mức Ba1 từ mức A3, triển vọng ổn định. Xếp hạng của Hy Lạp đã ở mức không an toàn theo hệ thống xếp hạng của Standard & Poor’s.

Châu Âu sẽ thanh tra các ngân hàng: Tây Ban Nha “nổ phát súng” đầu tiên trong hoạt động thanh tra ngân hàng. Kết quả thanh tra ngành ngân hàng châu Âu sẽ được công bố vào nửa sau tháng 7/2010.

Tình hình ngành ngân hàng châu Âu không tệ như dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp tại Đức tháng 6/2010 giảm xuống mức 7,5% nhờ kinh tế tăng trưởng tốt.

ECB tuyên bố sẽ cho phép các ngân hàng vay 131,9 tỷ euro tương đương 161,5 tỷ USD trong khoảng thời gian 3 tháng. Nhu cầu tài chính của các ngân hàng như vậy thấp hơn nhiều so với lo sợ của thị trường.

Đông Nam Á phục hồi nhanh chóng

Các số liệu thống kê về kinh tế của Đông Nam Á thời gian qua đã khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên, đồng thời cho thấy sự phục hồi theo hình chữ V. "Những con số thống kê chủ chốt, chẳng hạn như chỉ số quản lý sức mua của các nền kinh tế trong khu vực chỉ ra rằng, các hoạt động kinh tế sẽ còn mạnh trong những tháng tới.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lei Lei Song thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết bất chấp những rủi ro còn tồn tại trong nền kinh tế thế giới mà chủ yếu là khủng hoảng nợ công của châu Âu, sự phục hồi của kinh tế Đông Nam Á đang diễn ra vững vàng”.

"Kinh tế Đông Nam Á đang phục hồi mạnh. Không chỉ các thống kê về GDP mà các con số về xuất khẩu và sản xuất công nghiệp cũng cho thấy điều này", nhà kinh tế cao cấp Youngesh Khatri thuộc công ty chứng khoán Nomura Securities International nhận định.

ADB dự báo, kinh tế Đông Nam Á sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 5,1% trong năm nay, vượt xa mức 1,3% của năm ngoái và con số 4,3% đạt được trong năm 2008. Một động lực quan trọng đối với sự phục hồi của Đông Nam Á chính là nền kinh tế đang tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc, đất nước đang chiếm một tỷ lệ ngày càng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Đông Nam Á. Mặc dù nhu cầu nội địa của các nước Đông Nam Á đã tăng, Trung Quốc vẫn là đích đến quan trọng cho hàng hóa của khu vực, bao gồm cả những mặt hàng chờ được tái xuất sang thị trường phương Tây.

Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và đồng Euro suy yếu, xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này - trong tháng 5 đã tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là một bằng chứng cho thấy những ảnh hưởng chỉ ở mức hạn chế của khủng hoảng nợ châu Âu, ít nhất là tới thời điểm này.

Với năng lực tài khóa tốt và quản lý kinh tế vĩ mô hợp lý, cùng với dự trữ ngoại hối chung của khu vực (theo Sáng kiến Chiangmai đưa ra vào năm 2000), "kinh tế Đông Nam Á hiện có khả năng vượt qua một cuộc khủng hoảng mới tốt hơn châu Âu", ông Song nhận định.

Lo ngại bong bóng tại Trung Quốc

Ông Nouriel Roubini, giáo sư kinh tế thuộc đại học New York và là người đã dự báo chính xác về khủng hoảng tài chính trước cả khi thị trường lên mức đỉnh, cho rằng kinh tế Braxin, Trung Quốc và Ấn Độ có thể đang tăng trưởng quá nóng tạo ra bong bóng tài sản.

Ông Roubini dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở thời điểm cuối năm 2010 hoặc đầu năm 2011 sẽ chỉ còn khoảng từ 7% đến 8%. Tăng trưởng kinh tế Mỹ ở thời điểm nửa sau năm 2010 sẽ chỉ còn khoảng chưa đầy 2%.

Theo Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch, tăng trưởng tín dụng, việc đóng gói các khoản vay và bán lại nợ tại các ngân hàng Trung Quốc đã khiến rủi ro tín dụng tăng cao và có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính.

Ông Li DaoKui, chuyên gia tư vấn cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ tới có thể tăng trưởng từ 9% đến 10%/năm và vượt Mỹ vào năm 2020 do chính phủ nước này chậm nâng giá đồng nhân dân tệ.

Morgan Stanley, UBS, ING cho rằng không tồn tại bong bóng trên thị trường bất động sản Trung Quốc: Ông Stephen Roach, chủ tịch Morgan Stanley tại châu Á, cho rằng không có bong bóng trên thị trường bất động sản Trung Quốc bởi nhu cầu bất động sản nhà ở tại nước này rất lớn.

Chuyên gia thuộc bộ phận quản lý đầu tư tài sản bất động sản thuộc ngân hàng UBS và ING cho rằng hiện không có bong bóng trên thị trường nhà đất Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa sẽ hỗ trợ cho giá bất động sản trong dài hạn.

Việc Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ euro vào Hy Lạp trong khi các nhà đầu tư khác lần lượt tháo chạy thể hiện lòng tin của Trung Quốc trước việc Hy Lạp và châu Âu đang tìm cách vượt qua khủng hoảng nợ. Ngoài ra, động thái đó còn cho thấy Trung Quốc đang gấp rút muốn ngăn chặn số chứng khoán euro trị giá tới 630 tỷ USD mà Trung Quốc đang nắm giữa ngày một mất giá.

Lựa chọn kênh đầu tư

Bất kể nền kinh tế ở các thị trường mới nổi vẫn tiếp tục tăng trưởng, thị trường chứng khoán ở nhóm quốc gia này vẫn sụt giảm, thậm chí mạnh hơn cả những nước phát triển nặng nợ. Trong khi đó, các kênh đầu tư an toàn như vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn luôn là sự lựa chọn của nhà đầu tư. Điều này khiến việc lựa chọn kênh đầu tư càng trở nên cấp thiết hơn. "Trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu hiện nay, chúng tôi tiếp tục giảm tỷ trọng đầu tư ở châu Âu và các nước phát triển khác, trong khi tăng cường đầu tư vào nhóm cổ phiếu của những công ty nhỏ và vừa ở Mỹ, các nước mới nổi, hai thị trường Canada và Australia", chuyên gia Smith Barney của Morgan Stanley cho hay.

Kết quả điều tra mới đây của hãng tin Reuters đối với 47 nhà đầu tư thuộc các tổ chức hàng đầu thế giới cho thấy, trong danh mục đầu tư, tỷ lệ cổ phiếu trong tháng 5 giảm xuống 52,3%, từ mức 52.8% trong tháng 4. Các nhà phân tích chứng khoán ước tính, tăng trưởng lợi nhuận toàn cầu đạt 32% trong vòng 12 tháng tới, theo số liệu của Thomson Reuters StarMine. Đối với các doanh nghiệp Mỹ, tăng trưởng lợi nhuận trong 12 tháng tới sẽ đạt 36%. Dự kiến các công ty nguyên vật liệu và tài chính sẽ dẫn đầu trong mức tăng trưởng lợi nhuận này. Tuy nhiên, những yếu tố này có thể bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính.

6 tháng cuối năm nhiều bất ổn

Thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh trong tháng 5 là bằng chứng mới nhất cho thấy một năm đầy biến động, vốn được bắt đầu với sự lạc quan trong thận trọng của các nhà đầu tư đang cố gắng tìm hướng đi giữa các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, khủng hoảng và cải tổ chính sách.

Khủng hoảng nợ công đang lan rộng tại châu Âu đã khiến đồng Euro giảm xuống dưới 1,2 USD, mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua. Điều này đã làm dấy lên sự hoài nghi về sức mạnh của đồng tiền này. Tình trạng mất giá của đồng Euro và sự lao dốc của thị trường chứng khoán cùng bức tranh u tối xuất phát từ thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico (Mỹ) đã tạo nên một tình huống đầy hỗn độn. Mô hình phục hồi theo hình răng cưa xen kẽ với các đợt bán tháo, đã lộ rõ sự thiếu thuyết phục của các thị trường trên toàn cầu. Theo số liệu thống kê về dòng tiền của EPFR Global, tiền mặt tiếp tục chảy vào các kênh đầu tư có thu nhập cố định khiến lượng tiền vào cổ phiếu sụt giảm.

Con đường phía trước có khả năng không suôn sẻ hơn bao nhiêu so với tình hình 6 tháng đầu năm. Về mặt tích cực, kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu phục hồi, với tỷ lệ việc làm trong tháng 5 tăng trưởng tháng thứ năm liên tiếp. Mặc dù GDP quý I bị điều chỉnh giảm nhẹ từ 3,2% xuống 3%, nhưng đà hồi phục vẫn tỏ ra vững chắc, bất kể khủng hoảng tín dụng ở châu Âu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều rủi ro tiềm ẩn ở cả khu vực kinh tế và chính trị. 20 tháng sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers, Mỹ đã thông qua đạo luật cải cách quy định thị trường tài chính. Đạo luật này có khả năng sẽ thu hẹp lợi nhuận của các ngân hàng, nhà môi giới và nhà quản lý quỹ trên thị trường tài chính Phố Wall.

Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của châu Âu nhằm cố gắng ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ công, có khả năng sẽ kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế ở khu vực này trong nhiều năm tới, khiến nhà đầu tư nản chí và rút tiền mặt ra khỏi Eurozone. Gói giải cứu trị giá 1.000 tỷ USD của Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bất quá chỉ là một giải pháp tình thế. Hoạt động sản xuất toàn cầu mặc dù vẫn được mở rộng, nhưng đã chậm lại trong tháng 5. Các chính phủ không vội vã cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế. Điều đó cho thấy, những rủi ro với các doanh nghiệp đi vay sẽ được dỡ bỏ.

Lãi suất cơ bản trên toàn cầu dự kiến vẫn duy trì ở mức thấp. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp cho tới hết năm 2010 nhằm duy trì đà phục hồi của nền kinh tế và điều này sẽ mang tới nhiều cơ hội.

(Vinanet)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • “Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4,6% năm 2010”
  • Thất bại kinh tế, lãnh đạo thế giới quay sang hạt nhân
  • Thị trường việc làm toàn cầu sẽ còn ảm đạm
  • Nắng nóng thiêu đốt toàn cầu
  • Thắt chặt chi tiêu và đại suy thoái
  • Lo khát nước sạch
  • Giá sinh hoạt ở đâu “cắt cổ” nhất thế giới?
  • "Kinh tế thế giới không suy thoái kép"