Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường việc làm toàn cầu sẽ còn ảm đạm

Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist của Anh ngày 7/7 dự báo, đến năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp của các nước châu Âu và Mỹ sẽ vẫn cao hơn mức trước khủng hoảng.

Một người thất nghiệp đeo biển tìm việc giữa phố ở Mỹ - Ảnh: AP.

EIU cho rằng mặc dù kinh tế thế giới đang phục hồi, nhưng do chính sách “thắt lưng buộc bụng” đang được áp dụng tại nhiều nước, nên tình trạng thất nghiệp cao sẽ kéo dài.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong giai đoạn 2007 - 2009, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng nhanh. Tỷ lệ này tại Mỹ tăng từ mức 4,6% đầu năm 2007 lên mức 10% cuối năm 2009, trong khi tại Tây Ban Nha tăng từ mức 8,2% lên 19%.

Với việc nền kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại, triển vọng việc làm bắt đầu được cải thiện. Tuy nhiên, sự cải thiện này là không đồng đều và cho đến nay thất nghiệp giảm rất ít.

Bấp bênh những động lực tạm thời

Theo số liệu tháng mới nhất của ILO trên cơ sở báo cáo của 60 nước, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu chỉ giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Mức cải thiện nhỏ này chủ yếu là nhờ kết quả của các nước đang phát triển, còn ở các nước phát triển, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng dù tốc độ chậm lại.

Các nước giầu nhìn chung là bị khủng hoảng tài chính và kinh tế tác động mạnh hơn so với các nước đang phát triển lớn và do đó tỷ lệ thất nghiệp ở các nước này cũng tăng mạnh hơn. Mỹ, nước có thị trường lao động tương đối linh hoạt, là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy tác động của suy thoái kinh tế đối với vấn đề thất nghiệp với việc 7,4 triệu người mất việc làm kể từ tháng 11/2007.

Những cải thiện về tăng trưởng kinh tế gần đây chưa thể chuyển hoá sang số liệu về việc làm do việc làm và thất nghiệp nhìn chung được xem là những chỉ số đi sau. Các công ty không muốn thuê lại lao động cho đến khi họ tin tưởng rằng hoạt động kinh doanh được cải thiện.

Bên cạnh đó, sự cải thiện của hoạt động kinh tế toàn cầu hiện nay chủ yếu là do các yếu tố tạm thời như biện pháp kích thích tài chính... Các yếu tố này không có tác dụng lâu dài và do đó tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2011 sẽ khó có thể giữ được ở mức có thể hỗ trợ cho việc phục hồi việc làm.

Anh sẽ cắt giảm 600.000 việc làm khu vực công

Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Nội các Francis Maude cho biết chính phủ mới của Anh đã lựa chọn biện pháp trên như là nhiệm vụ cốt yếu để giảm thâm hụt ngân sách kỷ lục ước tính lên tới 153 tỷ bảng Anh (240 tỷ USD) trong tài khóa 2010-2011.

Mục tiêu của biện pháp này nhằm cắt giảm 100 tỷ bảng (150 tỷ USD) chi tiêu của chính phủ tài khóa 2014-2015.

ILO cho rằng trong giai đoạn 2009-2010, các biện pháp kích thích tài chính đã tạo ra hoặc giữ gần 15 triệu việc làm ở các nước G20. Một điều rõ ràng là những kết quả này có thể mất đi khi các biện pháp kích thích bị thu hồi.

Vấn đề trở nên phức tạp vì ở nhiều nước chính sách đang chuyển sang tiết kiệm về tài chính. Cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro đã tạo áp lực buộc chính phủ các nước phải cắt giảm chi tiêu công. Áp lực này đã vượt ra ngoài khu vực đồng euro khi chính phủ Anh cũng đã vạch ra kế hoạch cắt giảm chi tiêu.

Thậm chí với Mỹ, nước có tình hình tài chính yếu nhưng không chịu áp lực cấp thiết như châu Âu, thâm hụt ngân sách cũng đã trở thành vấn đề chính trị và ít có khả năng đưa ra thêm các biện pháp tiếp.

Lĩnh vực tư vẫn chưa đủ mạnh

Triển vọng việc làm ảm đạm không chỉ vì khả năng dư thừa lao động khi ngân sách bị cắt mà còn vì lĩnh vực tư nhân chưa đủ mạnh để bù đắp cho sự cắt giảm này. Thực tế thì lĩnh vực tư nhân phục hồi được mức như hiện nay cũng một phần là nhờ sự hỗ trợ từ lĩnh vực công thông qua các chính sách kích thích. Nếu không có sự hỗ trợ đó, lĩnh vực tư nhân có nguy cơ lại rơi vào khó khăn.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm lao động công có thể dẫn đến việc giảm tiêu dùng, làm cho các công ty tư nhân càng khó khăn hơn trong hoạt động và thuê hay tái thuê lao động. Môi trường khó khăn hơn cũng sẽ dẫn đến việc đình trệ chi trả, phúc lợi giảm và người lao động ở thế yếu hơn khi đàm phán vấn đề tăng lương.

Điều này lại dẫn đến tình hình tài chính của các hộ gia đình khó khăn hơn và chi tiêu tiếp tục bị cắt giảm. EIU dự báo rằng lương ở một số nước như Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ireland và Hà Lan trong năm 2011 sẽ không tăng kịp so với lạm phát.

EIU cũng cho rằng triển vọng việc làm trong 5 năm tới đối với từng nước rất khác nhau. Nhìn chung, các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có triển vọng việc làm xấu nhất là Iceland, Anh và Mỹ với việc đến năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước này vẫn chưa thể trở về mức trước khủng hoảng.

EIU dự báo, năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha sẽ vẫn là 15,6%, Anh là 8,3% và Mỹ là 7,4%. Đức là một ngoại lệ khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức trung bình là 5% so với mức 8,4% của năm 2007.

 (Theo Linh Đức // Tin Chính phủ)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Nắng nóng thiêu đốt toàn cầu
  • Thắt chặt chi tiêu và đại suy thoái
  • Lo khát nước sạch
  • Giá sinh hoạt ở đâu “cắt cổ” nhất thế giới?
  • "Kinh tế thế giới không suy thoái kép"
  • Bá chủ: Đích tới của hải quân Trung Quốc
  • Đầu tư cho Iraq: Mỹ bỏ ngỏ, Trung Quốc nhảy vào
  • Lĩnh vực sản xuất toàn cầu đi xuống trong tháng 6/2010