Các chính trị gia, cũng như nhà kinh tế học đều đã bỏ phí mất mấy thập kỷ mà không học được bài học nào từ những năm 1930. Họ “quyết” lặp lại những sai lầm cũ.
Paul Krugman là nhà kinh tế học người Mỹ, giáo sư Đại học Princeton, chuyên gia hàng đầu về kinh tế quốc tế. Ông đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2008 và là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong thế giới hiện đại nhờ những bài viết đều đặn với tư cách cây bút độc lập trên tờ New York Times. Nền kinh tế Mỹ què quặt sau một cuộc khủng hoảng tài chính. Các chính sách của tổng thống giúp hạn chế thiệt hại, nhưng lại được thực hiện một cách quá thận trọng, trong khi thất nghiệp cao kéo dài khiến cuộc sống của người dân nơi đây trở nên khốn khổ. Rõ ràng, chính phủ cần tích cực hành động thêm nữa. Tuy nhiên, công chúng đã chán ngấy những đường lối và việc làm của chính phủ, và tưởng như chỉ chờ giáng cho đảng Dân chủ một thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Vị tổng thống đang được nói đến ở đây là Franklin Delano Roosevelt; còn năm đó là năm 1938. Dĩ nhiên, trong vòng vài năm, cơn Đại suy thoái cũng qua đi. Nhưng chúng ta vẫn cứ cần phải nhìn lại tình trạng của nước Mỹ khoảng năm 1938 để rút ra bài học, dù sau đó có thể thấy nhụt chí. Bản chất phục hồi thời gian đó đã chứng minh rằng các lý lẽ phổ biến trong các cuộc tranh luận ngày nay là sai lầm, trong khi một sự thần kỳ như những năm 1940 khó có thể lặp lại. Giờ đây, chúng ta (người dân Mỹ) được trấn an sẽ không có chuyện tái diễn kịch bản cuối những năm 1930. Các nhà kinh tế học của tổng thống Obama hứa hẹn sẽ không lặp lại sai lầm năm 1937, khi Roosevelt rút lại các gói kích thích tài chính quá sớm. Nhưng với việc thu gọn và rút ngắn lại chương trình của mình, Obama đang đưa nước Mỹ trở lại những hình ảnh quen thuộc khi xưa: kích thích đã nâng tăng trưởng lên nhưng chưa làm vơi đi bao nhiêu thất nghiệp vậy mà giờ lại bị thu hẹp dần. Và đúng như một số người trong chúng ta đã lo ngại, chính phủ đã tự đặt mình - và quốc gia - vào vũng lầy chính trị khi kế hoạch kinh tế ban đầu chỉ đi được nửa đường. Dù thế nào, tăng cường kích thích hơn nữa vẫn rất cần thiết, nhưng trong con mắt công chúng, thất bại của chương trình đầu tiên nhằm đạt được sự phục hồi thuyết phục và tạo việc làm đã làm mất uy tín của chính phủ. Vậy là, nước Mỹ đã trở về với năm 1938. Câu chuyện năm 1937 về quyết định tai hại của Roosevelt khi nghe "lời khuyên" của những người nói rằng đến lúc phải giảm bớt thâm hụt, đã rất nhãn tiền. Nhưng điều ít biết đến hơn là cách công chúng rút ra những kết luận sai lầm từ cuộc khủng hoảng sau đó: thay vì kêu gọi nối lại các chương trình Chính sách kinh tế mới (New Deal), cử tri lại đánh mất mất niềm tin vào việc mở rộng tài chính. Hãy nhìn lại kết quả cuộc thăm dò ý kiến của công ty Gallup tháng 3/1938. Khi được hỏi về việc liệu có nên tăng chi tiêu chính phủ để chống lại khủng hoảng, 63% số người tham gia đã trả lời không. Còn khi được hỏi có nên tăng tiêu dùng hay cắt giảm thuế doanh nghiệp, chỉ 15% ủng hộ tăng tiêu dùng; còn 63% tán thành cắt giảm thuế. Và cuộc bầu cử năm 1938 trở thành thảm họa với đảng Dân chủ, họ để mất tới 70 ghế trong quốc hội và 7 ghế trong thượng viện. Rồi chiến tranh diễn ra. Theo quan điểm kinh tế học, chiến tranh thế giới thứ hai, trên hết, là sự bùng nổ chi tiêu công mặc cho thâm hụt tài chính. Chi tiêu trên quy mô ấy có lẽ sẽ không bao giờ được chấp thuận lần thứ hai nếu không có chiến tranh. Suốt quá trình diễn ra chiến tranh, chính quyền liên bang Mỹ đã vay mượn số tiền gần gấp đôi giá trị GDP năm 1940 - tương đương khoảng 30 nghìn tỷ USD ngày nay. Nếu bất cứ ai đề xuất tăng chi tiêu, dù chỉ bằng một phần con số đó trước chiến tranh, mọi người sẽ phản ứng lại, đúng như cách họ đang làm lúc này đây. Họ sẽ cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ và lạm phát phi mã. Chính xác hơn, họ có thể sẽ nói rằng suy thoái phần lớn do nợ nần quá mức gây ra - và sau đó khẳng định không thể khắc phục tình hình bằng cách phát hành thêm giấy nợ. Nhưng ngẫm mà xem, chi tiêu thâm thủng tạo ra bùng nổ kinh tế - và bùng nổ lại đặt nền móng cho sự thịnh vượng lâu dài. Tổng nợ trong nền kinh tế - nợ công cộng nợ tư - thực tế đã giảm gần bằng 1% GDP nhờ vào tăng trưởng kinh tế, và cả một chút lạm phát nhất định, yếu tố góp phần làm giảm giá trị thực của các khoản nợ phải trả. Và sau cuộc chiến, nhờ vào tình hình tài chính của khu vực tư nhân được cải thiện, nền kinh tế đã có thể vươn lên mà không lún sâu trong thâm hụt. Bài học kinh tế vậy là đã rõ: khi nền kinh tế suy thoái sâu, những quy luật thông thường không thể áp dụng. Thắt chặt là tự chuốc lấy thất bại: khi mọi người đều cố trả cho vơi đống nợ, kết quả sẽ là suy thoái và giảm phát, còn các vấn đề nợ thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Và ngược lại, nước Mỹ có thể - và nên - chi tiêu dù phải vay nợ thêm: thâm thủng tăng tạm thời, ở quy mô vừa phải, có thể giải quyết những vấn đề do sự thừa mứa lúc trước gây ra. Nhưng câu chuyện năm 1938 cũng cho thấy, việc làm thế nào để áp dụng những kiến thức này cũng khó khăn đến mức nào. Ngay cả dưới thời Roosevelt, ý chí chính trị vẫn còn quá yếu ớt để làm những gì cần thiết nhằm chấm dứt đại suy thoái; quyết định cuối cùng lại đến một cách tình cờ. Tôi đã hy vọng chúng ta (Mỹ) sẽ làm tốt hơn lần này. Nhưng hóa ra, các chính trị gia, cũng như nhà kinh tế học đều đã bỏ phí mất mấy thập kỷ mà không học được bài học nào từ những năm 1930, và "quyết" lặp lại những sai lầm cũ. Và bạn có thể sẽ thấy thất vọng khi nhận ra rằng người chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có thể sẽ chính là người đầu tiên đưa chúng ta vào rắc rối, sau đó làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để ngăn cản hành động đưa chúng ta thoát ra. Nhưng hãy luôn nhớ: cuộc khủng hoảng này có thể chữa lành được. Và sẽ cần một chút sáng suốt về trí tuệ, và rất nhiều ý chí chính trị. Hãy hy vọng chúng ta sẽ tìm được một phương thuốc trong tương lai không quá xa.
( Theo Đình Ngân (dịch từ NYT) // vnr500.vn )
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com