Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới tăng cường liên kết

Hội nghị ASEM 8 diễn ra tại Brusssels (Bỉ) hồi đầu tuần với chủ đề: "Nâng cao chất lượng cuộc sống vì hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân" là sự kiện lớn được dư luận chú ý.

Hội nghị ASEM 8 tại Bỉ

Các nhà lãnh đạo các thành viên ASEM đã thảo luận các nội dung quan trọng như tăng cường hiệu quả cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu, phát triển bền vững, các thách thức toàn cầu, tình hình khu vực và các biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác ASEM.

ASEM bày tỏ quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu

Hội nghị thông qua 2 văn kiện quan trọng là "Tuyên bố của Chủ tịch ASEM 8 về hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân" và "Tuyên bố Hội nghị ASEM 8 về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu". Đây là những thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm chung trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, tài chính toàn cầu. Hội nghị cũng đã thông qua 16 sáng kiến mới tăng cường hợp tác về an ninh lương thực, giao thông vận tải, quản lý rừng, nghiên cứu và phát triển nguồn nước, giáo dục... và nhất trí sẽ tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEM.

Với việc kết nạp thêm 3 nước Nga, Australia và New Zealand, nâng số thành viên lên 48. ASEM có số dân chiếm khoảng 60% dân số thế giới, đóng góp 50% GDP và 65 % thương mại toàn cầu; có 4 trong số 5 Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ; 12 thành viên trong Nhóm G-20 và có tiếng nói quan trọng tại nhiều tổ chức và khu vực quốc tế.

Ngày 4/10, kỳ họp lần thứ 123 Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) đã thảo luận các vấn đề lớn trong chương trình nghị sự quốc tế, như hợp tác giữa IPU và LHQ, bao gồm kết quả của Hội nghị thượng đỉnh thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ, vấn đề nhân quyền của nghị sỹ.

Tại kỳ họp, Việt Nam được bầu làm một trong các Phó Chủ tịch IPU.

Đầu tuần, nhiều nước như Mỹ, Đức, Anh ... lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khủng bố tại châu Âu. Các mục tiêu có thể bị tấn công có tháp Eiffel), Nhà thờ Đức bà Paris của Pháp, khách sạn hạng sang Hotel Adlon gần Cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin của Đức, nhà ga trung tâm Berlin và tháp truyền hình Alexanderplatz của Đức. Tình hình đã khiến Ủy ban châu Âu phối hợp với Mỹ theo dõi chặt chẽ an ninh tại châu lục này.

IMF lo ngại “cuộc chiến” tiền tệ mới

Ảnh minh họa

Trong lĩnh vực kinh tế, thông tin nổi bật là giá vàng trên thị trường thế giới liên tục đạt các kỷ lục mới, với mức cao nhất là 1.366 USD/ounce vào cuối ngày 7/10. Giới kinh doanh cho rằng giá vàng bị đẩy lên có thể do lượng mua vào quá nhiều và các nhà đầu tư đang xem xét để điều chỉnh.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà phân tích cho rằng việc điều chỉnh tạm thời, dù là cần thiết để giá vàng không tiếp tục leo thang, song khó có thể thay đổi được xu hướng giá vàng về lâu dài vì triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu mới là yếu tố quyết định.

Ngày 8/10, trong hội nghị hàng năm của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương 187 nước thành viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington, Mỹ, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn đã cảnh báo các Bộ trưởng Tài chính toàn cầu không nên sử dụng giá trị đồng nội tệ như một vũ khí kinh tế, bởi nó dễ dẫn đến “một cuộc chiến tiền tệ” giữa các nước.

Ông khẳng định thế giới đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại, nhưng đó là sự tăng trưởng mong manh và không đồng đều. Ông cũng nhấn mạnh mối đe dọa sẽ càng nghiêm trọng khi các nước không hợp tác.

Trong những ngày gần đây, chính quyền Mỹ  tăng sức ép đòi Trung Quốc định giá lại đồng Nhân dân tệ. Nhiều nước khác, trong đó có Nhật Bản, Brazil và Hàn Quốc, cũng áp dụng các biện pháp để kìm giá đồng nội tệ của mình thấp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Theo ông Kahn, đây là một chính sách sai lầm.

Tôn vinh những nhà khoa học có đóng góp lớn cho nhân loại, trong tuần đầu tháng 10, như thường lệ, Ủy ban giải thưởng Nobel của Thụy Điền và Na Uy lần lượt công bố các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học và Văn học.

Năm nay, nhà Y sinh học người Anh Robert Edward đã giành Nobel Y học năm 2010 vì có công lớn trong việc tìm ra kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), mang lại niềm vui làm cha, làm mẹ cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn con.

Hai nhà khoa học cùng sinh ở Nga là Andre Geim và Konstantin Novoselov đồng sở hữu giải Nobel Vật lý 2010 vì là những người đầu tiên chứng minh được rằng graphen, một dạng cácbon, là chất mỏng và khỏe nhất được tìm thấy từ trước đến nay. Phát hiện này có thể giúp tạo ra vật liệu mới, mở ra bước đột phá trong ngành công nghiệp điện tử. 

Nhà khoa học người Mỹ Richard Heck cùng 2 nhà khoa học người Nhật Bản Eiichi Negishi và Akira Suzuki đã trở thành các đồng chủ nhân giải Nobel Hóa học; còn nhà văn người Peru Mario Vargas Llosa nhận giải Nobel Văn học.

(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'