Thắng bại là việc bình thường của binh gia, nhưng trong cuộc chiến tiền tệ, sự bại hay thắng của một đồng tiền phản ảnh trực tiếp tình hình kinh tế, cũng như uy tín địa chính trị của quốc gia sở hữu đồng tiền đó.
Thời điểm này, người ta đang nói nhiều tới sự suy sụp của USD, nhưng kẻ soán ngôi là ai, thực tế vẫn còn mỏi mắt trông chờ. Nói một cách khác, dự báo muốn thành sự thật cũng còn phải đi cả một quãng đường dài.
Theo báo cáo ngày 17/5 của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2025, đồng USD sẽ đánh mất vị trí thống lĩnh trong nền kinh tế toàn cầu, khi đồng Euro và Nhân dân tệ tìm được chỗ đứng trong một hệ thống tiền tệ mới. Các chuyên gia WB dự báo, một hệ thống tiền tệ quốc tế mới sẽ dần hình thành và phát triển, gạt bỏ vai trò của USD với tư cách đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
“Sự thống trị hiện tại của USD sẽ kết thúc vào một thời điểm trước năm 2025 và sẽ được thay thế bởi một hệ thống tiền tệ mà ở đó các đồng tiền USD, Euro và Nhân dân tệ đều được coi là đồng tiền quốc tế”, báo cáo của WB nhận định. Báo cáo của WB đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường tiền tệ toàn cầu trong 15 năm tới, và cho rằng, đây là kịch bản có khả năng trở thành hiện thực nhiều nhất.
Hiện tại, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá đồng USD đã giảm 36% so với các đồng tiền tệ mạnh khác trong thập kỷ trước. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã làm cho nền kinh tế Mỹ suy giảm và được thể hiện khá rõ qua sự yếu đi của đồng USD ngay trên thị trường tiền tệ những năm sau đó.
Đến năm 2010, nền kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu khả quan. Nhưng đến đầu năm 2011, thâm hụt thương mại và ngân sách của Mỹ lại rất lớn, kéo theo sự giảm giá nhanh của đồng USD.
Trong một bài viết trên tạp chí trực tuyến Tiền tệ và thị trường (Mỹ) hồi đầu tháng này, tiến sỹ Martin D. Weiss, nhà phân tích thị trường tài chính Mỹ và chủ bút của nguyệt san Báo cáo an toàn tiền tệ, cho biết đồng USD đã mất giá 15,9% kể từ tháng 6/2010. Còn nếu kể từ đầu năm tới nay, đồng USD đã bị mất giá tới 6%. Riêng so với đồng Euro, đồng USD bị mất giá tới 8%.
Đầu tháng 5/2011, đồng USD rơi xuống sát mức thấp nhất trong 40 năm so với một giỏ các loại tiền tệ khác. So với 75 đồng tiền quan trọng của thế giới, đồng USD yếu hơn 26, ngang bằng 11 và mạnh hơn 38 đồng tiền khác kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ.
Hầu hết các chuyên gia phân tích thị trường đều cho rằng, đồng USD không có tương lai. Chẳng bao lâu nữa tỷ giá hối đoái sẽ là 1,50 USD/1 EUR và giá vàng đang tiến tới 1.600 USD/ounce. Thậm chí, một số chuyên gia còn tiên đoán giá vàng có thể leo lên mức 2.000 USD/ounce.
Tiến sỹ Weiss cảnh báo, do đồng USD mất giá nghiêm trọng, nguy cơ mới đang nổi lên là sự sụp đổ của thị trường trái phiếu Mỹ, đang được xem là bong bóng tài chính lớn nhất thế giới và có nguy cơ sẽ nổ trong năm 2011.
Trong khi, chuyên gia tiền tệ Bryan Rich cho rằng hiện tại đồng USD vẫn chiếm 62% dự trữ tiền tệ toàn cầu, song sự mất giá kỷ lục có thể là dấu hiệu báo động chấm dứt vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD và sự cáo chung của siêu cường kinh tế Mỹ.
Mặc dù, vài ngày nay, tâm lý bán USD đã giảm dần trên thị trường bởi nhà đầu tư cho rằng đồng tiền nhiều khả năng đã bị bán quá mức và dự báo về bước chuyển mới của kinh tế vĩ mô. Nhưng theo giới phân tích, sự phục hồi của đồng USD còn quá ngắn để tạo thành xu thế, và không phải bắt nguồn từ sự cải thiện của các yếu tố kinh tế Mỹ.
Chính điều này đã làm nảy sinh những dự báo về khả năng thống trị của đồng USD trong dài hạn và khả năng vượt lên soán ngôi của các đồng tiền khác. Sự suy giảm của đồng USD là một cơ hội hiếm hoi để các đồng tiền khác như Yên Nhật, Euro, Nhân dân tệ... có thể vượt lên, soán ngôi đầu.
Bản báo cáo của WB coi đồng Euro là đối thủ nặng ký nhất của USD. “Địa vị của đồng Euro sẽ được tăng cường, miễn là đồng tiền này có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ công mà nhiều nước trong khối Eurozone đang phải đối mặt”, báo cáo viết.
Đồng Euro đang chiếm 28% lượng tiền tệ dự trữ chính thức toàn cầu, nhưng đang bị hạn chế bởi các thị trường vốn chia nhỏ. Thêm vào đó, tình trạng yếu kém của kinh tế Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha hiện nay khiến tương lai của kinh tế châu Âu bi quan hơn bao giờ hết, đặc biệt nếu ECB vẫn quyết đẩy lãi suất lên cao hơn.
Từ đó, tác động trực tiếp tới hình ảnh và giá trị lâu dài của Euro. Thậm chí, nguy cơ tái cơ cấu nợ của Hy Lạp còn đẩy đồng tiền chung châu Âu này tới bờ vực bị nghi ngờ "rã đám".
Trong báo cáo hồi tháng 4, Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tờ The Economist đã đưa ra 3 kịch bản đối với triển vọng đồng Euro. Theo EIU, kịch bản có khả năng xảy ra nhiều nhất (50%) là Eurozone cuối cùng cũng sẽ thoát khỏi khủng hoảng nợ, trong đó, các quốc gia có nợ phải chấp nhận cải tổ mạnh mẽ nhằm giảm thâm hụt và các quốc gia thành viên mạnh hơn sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính để kiểm soát khủng hoảng một cách miễn cưỡng.
Kịch bản thứ hai, với khả năng xảy ra 15%, là việc các nước Eurozone sẽ từ bỏ đồng tiền chung do không thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng nợ. EIU cho rằng, những nỗ lực nhằm khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư tại các quốc gia đang lâm vào cảnh nợ nần sẽ khiến các nước yếu hơn trong khối ngày càng lo ngại về các đòi hỏi áp đặt cho họ. Trong khi, những quốc gia có tài chính tốt hơn sẽ mất kiên nhẫn trong việc tiếp tục ủng hộ các thành viên khác.
Theo EIU, áp lực của cử tri đối với các chính trị gia có thể sẽ khiến kịch bản sụp đổ của đồng tiền chung Euro trở thành một điều "không thể chống lại được". Các quốc gia tụt hậu, như Bồ Đào Nha và Ireland, hoặc có thể các nền kinh tế mạnh như Đức sẽ quyết định từ bỏ đồng Euro và sau đó là các nước thành viên khác.
EIU cho rằng, với viễn cảnh này, sớm hay muộn thì chất gắn kết giữa các nước châu Âu trong nhiều thập kỷ qua sẽ rạn nứt và bước tiến hướng tới một liên minh chặt chẽ hơn bao giờ hết sẽ bị chặn đứng.
Kịch bản thứ 3 mà EIU đưa ra, với khả năng xảy ra chỉ 10%, là khu vực đồng tiền chung sẽ trải qua một sự hồi sinh khi các nước thành viên nỗ lực kiểm soát thành công nợ công của mình. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra.
Như vậy, tương lai của đồng Euro vẫn còn khá mập mờ và chuyện đồng tiền này soán ngôi độc tôn của USD trong thương mại toàn cầu cũng khó mà xảy ra. Tuy nhiên, đồng USD không chỉ có một đối thủ duy nhất.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi nước này vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã khiến không ít người kỳ vọng, đồng Nhân dân tệ sẽ trở thành một đồng tiền dự trữ mới, thách thức ngôi vị của USD.
Theo báo cáo hôm 17/5 của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ bằng cách phát triển một thị trường bên ngoài cho đồng tiền này, đồng thời khuyến khích sử dụng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch ngoại thương.
“Vai trò được tăng cường của đồng Nhân dân tệ sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và sự phụ thuộc mạnh mẽ của nước này và các đồng tiền của nước khác”, báo cáo viết.
Trung Quốc được coi như một siêu cường kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức kinh tế nội tại. Đó là chưa kể, một thực tế là, Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục theo đuổi chính sách kiểm soát và can thiệp vào thị trường ngoại hối. Trong vòng 12 tháng qua, đồng Nhân dân tệ chỉ tăng có 4,5% so với đồng đô la Mỹ.
Thậm chí ngay cả khi ở trong những điều kiện tốt nhất với giả định rằng phần còn lại của thế giới ổn định, đồng Nhân dân tệ cũng không thể vượt quá 10 - 15% tổng số dự trữ tiền tệ toàn cầu. Do đó, còn lâu đồng Nhân dân tệ mới có thể "nhuộm đỏ đồng bạc xanh".
Tương tự như khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nhật Bản cũng đang ngập ngụa trong việc giải quyết nợ công. Tính đến hết năm 2010, nợ công của Nhật Bản đã lên đến 11.000 tỷ Yên, gấp đôi GDP của nước này.
Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cả là kinh tế Nhật vừa rơi trở lại vào tình trạng suy thoái, do tác động của thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3, đẩy nền kinh tế này sụt giảm quý thứ 2 liên tiếp vào quý 1 vừa qua. Với tình hình này, muốn cạnh tranh với USD, đồng Yên xem ra khó mà đảm đương nổi.
Đã gọi là dự báo thì xác suất trúng không thể một trăm phần trăm. Quả thực, đồng USD đã “có vấn đề” từ lâu, các khoản nợ khổng lồ và chính sách “đồng USD rẻ” của Washington đã và đang khiến cho căn bệnh kinh niên của nó ngày càng trở nên trầm trọng.
Từ đó, nguy cơ phải chia tay với ngôi vị độc tôn là đồng tiền thanh toán và dự trữ số 1 thế giới của USD rất có khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, trong tình huống hiện tại, chưa có đồng tiền nào đủ sức thay thế được USD và nếu như Mỹ giải quyết tốt vấn đề nội tại của họ thì ngôi vị độc tôn này càng khó mà bị giành giật.
(VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com