KORUS FTA đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu của ông Obama nhằm tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ trong 5 năm tới.
So với Dự thảo năm 2007, Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn (KORUS FTA) mới và cải tiến công bố ngày 3/12/2010 thực sự có lợi hơn cho lợi ích thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Sự chờ đợi này có đáng không?
Ở khía cạnh tích cực, thỏa thuận mới mà Đại diện thương mại Mỹ, Ron Kirk, đàm phán, làm được nhiều hơn so với “người tiền nhiệm” của nó trong việc giúp ngành công nghiệp ô-tô của Mỹ vốn đang phục hồi sau những trải nghiệm đau đớn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thương mại ô-tô Mỹ-Hàn mất cân đối trong nhiều thập niên, với việc Hàn Quốc bán gần 500.000 chiếc ô-tô tại thị trường Mỹ năm 2009 so với chỉ 7.500 xe sản xuất tại Mỹ xuất khẩu sang Hàn Quốc. Và thương mại ô-tô chiếm tỷ trọng khá lớn trong mối quan hệ thương mại nói chung, do vậy, tình trạng mất cân đối không phải là vấn đề nhỏ.
KORUS FTA đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu của ông Obama nhằm tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ trong 5 năm tới. Việc thông qua FTA cũng mang lại sự tái bảo đảm về mặt chiến lược đối với các liên minh Hàn Quốc trong việc đối phó với sự lệ thuộc kinh tế ngày càng tăng vào Trung Quốc, và tạo lòng tin đối với nỗ lực của Mỹ trong việc mở rộng tự do hóa thương mại thông qua đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership TTP).
Ngay sau chuyến thăm Seoul hồi giữa tháng 11, Tổng thống Obama nhận được sự chỉ trích mạnh mẽ về thất bại của ông trong việc bảo vệ KORUS thoát khỏi các nhà phê bình, những người cảm thấy rằng sự thất bại càng làm rõ hơn sự yếu kém của chính phủ trên trường quốc tế tiếp sau việc Đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát ở Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11. Vào thời điểm đó, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng: “Tôi không quan tâm đến các hiệp định thương mại chỉ vì lợi ích của các hiệp định thương mại. Tôi muốn đảm bảo rằng thỏa thuận này được cân nhắc”.
Hiệp định đã sửa đổi cho phép Mỹ duy trì chính sách bảo hộ thuế trong thời gian dài hơn; giúp 25.000 ô-tô của Mỹ mỗi năm - cao hơn 4 lần so với phiên bản 2007 - miễn tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của Hàn Quốc vốn được sử dụng nhằm hạn chế nhập khẩu; và hiệp định mới cũng trao thêm quyền bảo vệ trong trường hợp xuất khẩu ô-tô của Hàn Quốc sang Mỹ tăng đột biến.
Thỏa thuận mới cũng cho các nhà sản xuất xe hơi của Mỹ thêm thời gian để tiếp nhận bất kỳ quy định mới nào của Hàn Quốc trong lĩnh vực này. Hơn nữa, hiệp định sửa đổi trì hoãn việc cắt giảm thuế đối với ô-tô Hàn Quốc thêm 5 năm, và đối với xe tải Hàn Quốc thêm 7 năm, và trao cho quyền bảo vệ thêm 10 năm liên quan đến việc loại bỏ thuế trong trường hợp xuất khẩu của Hàn Quốc tăng lên gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ.
Đây là những sửa đổi tích cực, nhưng Mỹ đã phải trả giá đắt cho sự chờ đợi này. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, biến KORUS FTA thành thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất kể từ Hiệp định Tự do Bắc Mỹ với Mêhicô năm 1993. Thay vì đẩy thỏa thuận với Hàn Quốc đi trước các đối thủ, thỏa thuận mới có thể được phê chuẩn cùng thời gian với các hiệp định thương mại tự do giữa Hàn Quốc và EU, và Hàn Quốc và Canađa, cho dù Canađa và Hàn Quốc vẫn đang đấu tranh gay gắt về thương mại ô-tô và thịt bò. Điều này khiến các nhà sản xuất Mỹ mất đi cơ hội xuất phát, điều mà họ sẽ được hưởng nếu thỏa thuận được thông qua sớm hơn.
Hơn nữa, với thời gian chờ đợi quá lâu để tái đàm phán với Hàn Quốc, chính quyền của Tổng thống Obama đã gửi đến phần còn lại của thế giới một thông điệp rằng, thúc đẩy thương mại không phải là ưu tiên hàng đầu. Đây có thể là điều không may, không mong muốn và có thể là không cố ý của chính phủ Mỹ.
Cả Hàn Quốc và Mỹ sẽ phải đối mặt với thách thức liên quan đến việc phê chuẩn. Chính phủ Hàn Quốc sẽ phải bảo vệ quyết định của mình để tái đàm phán hiệp định dưới áp lực từ phía Mỹ; đối với chính quyền của Tổng thống Obama, để có được sự phê chuẩn của Quốc hội, sẽ phải “mạnh tay” với Thượng nghị sĩ Max Baucus bang Montana, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện. Thượng nghĩ sĩ Baucus phàn nàn rằng không có thêm bất kỳ sự trợ giúp nào cho ngành thịt bò của Mỹ - cho dù xuất khẩu thịt bò của Mỹ sang Hàn Quốc 2 năm qua tăng mạnh.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng thương mại tự do thực sự là vấn đề trong những thời điểm khó khăn kinh tế, và cuộc thăm dò dư luận gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Con người và Báo chí Pew cho thấy sự nhận thức tiêu cực của công chúng về FTA với Hàn Quốc. Nhưng không giống nhiều FTA khác đang được xem xét, luật lao động nghiêm ngặt của Hàn Quốc hầu như loại bỏ mối nguy bị các công ty Mỹ lợi dụng, và KORUS FTA có thể sẽ đưa đến việc Hàn Quốc tăng đầu tư vào Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Obama phải theo sát FTA với Hàn Quốc này với những dấu hiệu cho thấy sẵn sàng tái tham gia đàm phán thương mại bằng cách thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp định thương mại tự do đang chờ giải quyết, và tham gia đàm phán với Côlômbia cũng như thúc giục Quốc hội cho phép hiệp định bị trì hoãn từ lâu này chuyển động.
(Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com