Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tham nhũng đe dọa tăng trưởng

Một loạt các vụ bê bối tham nhũng lớn đã làm rung chuyển Chính phủ Ấn Độ trong vài tháng gần đây và đe dọa niềm tin của giới đầu tư nước ngoài.

Có thể kể tới những cáo buộc nhận hối lộ đối với các quan chức phụ trách Đại hội thể thao Khối liên hiệp Anh mà New Delhi đăng cai hồi năm ngoái, hay một trường hợp chính phủ bán giấy phép kinh doanh điện thoại di động với giá rẻ hơn để lấy tiền lại quả có thể lên tới gần 40 tỷ USD, và một vụ liên quan đến nhà ở, trong đó các chính trị gia, giới lãnh đạo và cả giới chức quân sự bị cáo buộc chiếm một dãy nhà  sa hoa ở Mumbai vốn dành cho các vợ liệt sĩ.

Ấn Độ bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng thứ 87 trên tổng số 178 quốc gia tham nhũng nhất thế giới trong năm 2010. Một báo cáo năm 2010 của nhóm chuyên gia cố vấn Hội nhập Tài chính Toàn cầu, có trụ sở ở Washington đã đổ lỗi sự quản lý kém của Ấn Độ là do tình trạng trốn lậu thuế và tham nhũng, kết quả là các dòng vốn bất hợp pháp chảy ra ngoài từ nước này đã lên tới ít nhất 462 tỷ USD.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Ấn Độ Montek Singh Ahluwalia phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhấn mạnh: "Đây là một vấn đề cần phải giải quyết vì tham nhũng không chỉ làm giảm tỷ lệ người dân được thụ hưởng từ tăng trưởng kinh tế đất nước, mà còn giảm chính khả năng tăng trưởng kinh tế quốc gia". Thủ tướng Manmohan Singh cũng đã cam kết bài trừ tham nhũng.

Một số chuyên gia phân tích về đầu tư cho rằng tham nhũng từ lâu đã là một nhân tố làm giảm đầu tư nước ngoài - vốn là chìa khóa cho tăng trưởng của Ấn Độ trong hơn 2 thập kỷ qua - và khiến các nhà đầu tư lo lắng. Theo các số liệu công nghiệp, các nhà đầu tư thuộc tổ chức nước ngoài (FIIs) đã trở thành những người bán ròng lần đầu tiên trong tháng 1/2011 kể từ tháng 5/2010, khi để rơi khoảng 1,4 tỷ USD trong các công ty chứng khoán.

Các chuyên gia từ cơ quan chứng khoán Espirito Santo tại Mumbai phân tích: "Tham nhũng và tiếp theo đó là nguy cơ chính trị chắc chắn trở thành một mối lo ngại lớn". Tỷ lệ tăng trưởng mạnh gần 8,5% của Ấn Độ còn bị đe dọa bởi nạn lạm phát ở mức cao, điều có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài hoang mang lo lắng.

Một báo cáo của các tổ chức quốc tế, trong đó có Global Compact của LHQ, cho rằng tham nhũng đã góp thêm vào 10% tổng chi phí của doanh nghiệp trên toàn cầu, và tới 25% vào chi phí để có được các hợp đồng ở các nước đang phát triển. Đánh giá về điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Ấn Độ ở vị trí 134 trên tổng số 183 quốc gia trong năm 2011.

Tham nhũng cũng làm tổn hại tới các nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở Ấn Độ. WB đã từng phát hiện ra rằng tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với phát triển kinh tế và xã hội.

Ấn Độ có một đạo luật về quyền được thông tin, hứa hẹn đưa chính phủ ra chịu trách nhiệm trước dân chúng, nhưng những người tố cáo tham nhũng thường phải tự đấu tranh bằng đôi tay của mình, và trong một số trường hợp còn nguy hiểm đến tính mạng. Chính phủ có một luật chống tham nhũng bị nhiều nhà hoạt động xã hội coi khinh, họ đã tự tập hợp lại dưới khẩu hiệu "Ấn Độ Chống Tham nhũng".

Các doanh nhân cũng đang kêu gọi các quy định pháp luật để chống tham nhũng hiệu quả. Hứa hẹn nhất, theo một số nhà bình luận, là những sáng kiến của xã hội dân sự Ấn Độ như sáng kiến "Tôi đã trả tiền đút lót", một trang mạng trong đó mọi người có thể kể lại những bối cảnh đã khiến họ phải trả tiền hối lộ hoặc bị đề nghị đút lót để công việc của mình được xuôi chèo mát mái.

(tuanvietnam)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Kịch bản nào cho thị trường dầu?
  • Bong bóng dầu lửa sắp vỡ?
  • Kinh tế 24h qua: Sống bằng rác thải
  • Thủ tướng NewZealand cảnh báo động đất có thể san bằng tốc độ tăng trưởng
  • Kinh tế 24h qua: Lạm phát và sốt vàng
  • Kinh tế 24h qua: Giá vàng lập đỉnh cao mới
  • Thế giới tuần qua: Lo ngại về những bất ổn tác động tiêu cực thị trường dầu mỏ
  • "Cần sớm tháo ngòi nổ quả bom dân số thế giới"