Chuyên gia kinh tế cao cấp tại ngân hàng HSBC Karen Ward nhận định, nguồn năng lượng trên toàn cầu đang khan hiếm và dầu mỏ có thể sẽ cạn kiệt trong vòng 49 năm nữa, nếu nhu cầu vẫn được duy trì ở mức hiện tại.
Bà Ward nhận định trong nghiên cứu mới nhất của mình: “Nguồn tài nguyên năng lượng rất khan hiếm. Ngay cả nếu nhu cầu không tăng, sẽ chỉ còn đủ dầu để sử dụng trong 49 năm nữa.”
“Nguồn cung khí đốt ít bị hạn chế hơn, song việc vận chuyển và sử dụng nó để đáp ứng nhu cầu không hề đơn giản. Than đá đủ để dùng trong 176 năm nữa, nhưng loại nhiên liệu này thải ra rất nhiều khí carbon,” bà nói.
Bà Ward cho biết, nếu nguồn cung không được hạn chế, đến năm 2050, nhu cầu dầu sẽ tăng 110%, tương đương 190 triệu thùng/ngày bởi nhóm các nước mới nổi sẽ sử dụng nhiều dầu mỏ hơn để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo bà, vấn đề an ninh năng lượng, được định nghĩa trong trường hợp này là tiêu thụ năng lượng trung bình tính trên đầu người, sẽ ngày một đáng lo hơn. Việc chuyển sang sử dụng khí đốt để giảm áp lực lên thị trường dầu mỏ sẽ không giải quyết được vấn đề này bởi cũng như dầu mỏ, nguồn cung khí đốt chịu sự hạn chế về địa lý.
Bà Ward cho rằng, khu vực chịu tác động nặng nề nhất từ việc mất an ninh năng lượng là châu Âu, Mỹ Latinh và Ấn Độ. Đồng thời, bà cũng dự báo tình hình năng lượng tại châu Âu sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
“Châu Âu sẽ thiệt hại nhiều hơn bởi nhiều nước tại khu vực này đang trượt khỏi bảng tăng trưởng kinh tế hàng đầu. Họ sẽ mất tầm ảnh hưởng lên thế giới ở thời điểm dễ bị tổn thương nhất,” bà nói.
HSBC nhận định, mối đe dọa về sự nóng lên toàn cầu vẫn chưa hết và ảnh hưởng sẽ trở nên rõ ràng hơn tại các nước đang phát triển.
Bà Ward nhận xét: “Chúng ta đã quá tự mãn trong cách sử dụng năng lượng. Chúng ta nên sử dụng xe tiết kiệm năng lượng trong giao thông, mục đích di chuyển vẫn thực hiện được, chỉ không nhanh bằng.”
Trong khi Nhật Bản đang cố gắng ngăn chặn thảm họa hạt nhân thì lại xuất hiện rủi ro về việc đầu tư cho điện hạt nhân sẽ bị cắt giảm ở thời điểm mà lẽ ra nó cần phải đóng vai trò quan trọng hơn.
(Vitinfo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com