Đứng trước một loạt thông tin kinh tế bất lợi công bố gần đây, các tổ chức tài chính quốc tế đã đua nhau đưa ra dự báo về những nguy cơ mà nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Dường như, bức tranh triển vọng kinh tế toàn cầu đang bị phủ bởi một đám mây dự báo u ám.
Tiềm ẩn rủi ro
Hôm 17/6, trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới", Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong nửa cuối năm nay. Song, sự phục hồi này vẫn không đồng đều và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Mặc dù vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 là 4,3% và 4,5% cho năm tiếp theo, song IMF không loại trừ khả năng nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm trong quý 2/2011.
Theo IMF, cùng với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản, những hiểm họa tiềm ẩn ở các nền kinh tế thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã trở nên nguy hiểm hơn. Vì vậy, các nền kinh tế lớn của thế giới cần điều chỉnh chính sách cũng như phối hợp chính sách chặt chẽ và đồng bộ.
Định chế này nhận định, tăng trưởng tại Eurozone, được thúc đẩy bởi đầu tư mạnh ở Đức và Pháp, đã có triển vọng lạc quan hơn. Nhưng những thách thức tài chính lớn ở nhiều nước châu Âu khác đã gây những biến động tài chính đáng lo ngại. Trong khi, tăng trưởng của các nướcế châu Á mới nổi sẽ giảm nhẹ so với 2010.
Các nền kinh tế Mỹ Latinh được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước và xuất khẩu hàng hóa tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại ở một số nước và các chính sách tài chính tiền tệ được siết chặt hơn sẽ làm giảm nguy cơ phát triển quá nóng của nền kinh tế.
Suy giảm đồng bộ
Theo báo cáo ngày 15/6 của Bộ phận phân tích thông tin EIU thuộc tạp chí The Economist, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn suy giảm đồng bộ, do giá hàng hóa và năng lượng tăng cao. EIU giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2011 xuống 4,1% (tính theo sức mua tương đương).
Báo cáo của EIU cho rằng việc giảm mức dự báo này đánh dấu một sự chậm lại đáng kể của nền kinh tế toàn cầu sau thời gian hồi phục hậu khủng hoảng năm 2010, thời điểm mà các gói kích thích kinh tế tại nhiều nước giúp cho kinh tế thế giới tăng trưởng gần 5%.
Thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản tháng Ba vừa qua; sự trì trệ trong lĩnh vực tạo việc làm tại Mỹ; cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và những quan ngại mới về tương lai của đồng euro... là những nguyên nhân buộc EIU cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế.
Theo EIU, ngoài những nguyên nhân trên, còn có nhiều nhân tố khác tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ sẽ làm tê liệt hệ thống tài chính châu Âu; bất ổn tại Bắc Phi; và quan trọng hơn là việc thắt chặt chính sách tài chính tại phần lớn các quốc gia trên thế giới trong 18 tháng tới.
Những thách thức nói trên đã làm dấy lên những lo ngại rằng kinh tế toàn cầu có thể lặp lại mô hình năm 2010, với sự tăng trưởng nhanh giai đoạn đầu mở đường cho tăng trưởng chậm giai đoạn cuối năm, và khiến người ta lo ngại về "suy thoái kép".
Tuy nhiên, EIU cho rằng sự chậm lại hiện nay không dẫn tới suy thoái kép, bởi những nền tảng của sự hồi phục bền vững vẫn còn. Dù vẫn còn những thách thức, các nền kinh tế phát triển hiện có đủ sức để đứng vững, trong khi sự chậm lại tại các nền kinh tế đang nổi không phải là vấn đề đáng ngại.
Mất cân bằng toàn cầu
Hôm 19/6, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet tỏ ý lo ngại rằng, tình trạng mất cân bằng toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng sau khủng hoảng tài chính. Ông cho rằng đây là một trong những thách thức lớn đối với nền kinh tế và các nhà làm chính sách toàn cầu.
Ông Trichet cho rằng, tình trạng này đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nỗ lực hợp tác tài chính và tiền tệ quốc tế. Do đó, nền kinh tế toàn cầu cần phải thực hiện rất nhiều biện pháp để giải quyết các khó khăn này. Tuy nhiên, theo ông, Eurozone không gây ra mất cân bằng toàn cầu.
Chủ tịch ECB dẫn lại dự báo trước đó của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng tài khoản vãng lai của Eurozone vẫn tương đối cân bằng trong năm nay và kéo dài cho đến năm 2015. Theo ông, sự chênh lệch giữa các quốc gia thành viên của Eurozone cũng tương tự như sự khác nhau giữa các bang của Mỹ.
Trước đó, phát biểu tại một hội nghị ở London ngày 13/6, ông Trichet đã kêu gọi Eurozone phải cải cách "khẩn cấp" để có thể trừng phạt kịp thời và hiệu quả hơn đối với các quốc gia thành viên không tuân thủ các quy định chung dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ có tính dây chuyền trong khu vực.
Ông Trichet nhấn mạnh rằng, việc cải cách là cấp thiết, bởi cuộc khủng hoảng ở một số quốc gia như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha thời gian qua đã bộc lộ sự yếu kém trong hệ thống quản lý kinh tế của Eurozone.
Nặng gánh kinh tế Mỹ
Hôm 13/6, phát biểu trước công nhân nhà máy sản xuất bóng đèn tại thành phố Durham thuộc bang Carolina Bắc, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi người dân Mỹ bình tĩnh với tình hình kinh tế và thị trường việc làm hiện nay. Theo ông, những vấn đề của nền kinh tế sẽ được giải quyết trong vài năm tới.
Ông nói, "vấn đề kinh tế nghiêm trọng nhất và duy nhất hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt là tạo việc làm cho người dân" và "phải mất vài năm nữa nền kinh tế Mỹ mới hồi phục hoàn toàn". Theo ông, một trong những biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài là đào tạo kỹ sư.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế được công bố hôm 17/6, IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP 2011 của Mỹ từ 2,8% trong tháng 4 xuống 2,5% và GDP 2011 từ 2,9% xuống 2,7%. Cả hai mức dự báo trên đều thấp hơn so với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2010.
Cũng trong ngày 17/6, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng GDP quý 2 của Mỹ từ 3% xuống 2% do các trở ngại như thất nghiệp cao, sản xuất yếu và sự ảm đạm của nền kinh tế.
Trước đó, theo một báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách Liên bang trong 8 tháng đầu tài khóa 2011 (kết thúc vào 30/9/2011) đã ở mức 927,4 tỷ USD. Bộ này dự báo thâm hụt ngân sách Mỹ trong cả năm tài khóa có nguy cơ sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD trong năm thứ 3 liên tiếp.
Bộ Tài chính cho rằng, nhiều khả năng thâm hụt ngân sách năm nay sẽ vượt qua mức 1.290 tỷ USD năm 2010, thậm chí có thể lên tới 1.650 tỷ USD. Điều này sẽ tạo sức ép lên Quốc hội Mỹ và Chính quyền của Tổng thống Obama trong việc đưa ra những biện pháp nhằm kiềm chế chi tiêu công.
Và những nguy cơ khác
Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 16/6, ngoài kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang đứng trước nguy cơ mất đà tăng trưởng, khi triển vọng này của các nước châu Âu và các nước đang phát triển hàng đầu đã xấu đi.
Chỉ số tăng trưởng kinh tế tổng hợp của các nền kinh tế OECD trong tháng 4/2011 tiếp tục trì trệ ở mức 103,0 điểm của tháng 3 trước đó, trong khi chỉ số này của các nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro còn giảm từ 103,1 điểm xuống 102,8 điểm.
Hôm 12/6, IMF cảnh báo dân số thế giới đang già đi nhanh chóng đã tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu. Dự kiến, dân số thế giới sẽ đạt 7 tỷ người vào năm nay và hơn 9 tỷ người vào năm 2050, nhưng tỷ lệ sinh thấp trong khi tuổi thọ của dân số thế giới ngày càng cao.
Vào năm 2050, thế giới sẽ có tới 1,25 tỷ người già trên 60 tuổi và 1 tỷ người đến độ tuổi lao động, trong khi số người dưới 25 tuổi giảm xuống còn 3 tỷ người. Thay đổi cơ cấu dân số đe dọa khả năng cải thiện cuộc sống của người già, đặt gánh nặng kinh tế tài chính lên vai những người trẻ.
(VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com