Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới tuần 10-16/1: Hai sứ mệnh

Đồng Nhân dân tệ tuần qua đã tiến thêm một bước trong việc quốc tế hóa, trong khi đồng Euro vẫn đang chật vật vượt qua những hoài nghi về khả năng tồn tại.

Theo nhận định của nhà đầu tư Jim Rogers đưa ra hôm 13/1, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc là một trong những đồng tiền an toàn nhất thế giới. Ông Rogers cho rằng, các nhà đầu tư toàn cầu nên tiếp tục nắm giữ đồng tiền này, vì đồng bạc xanh đã trở thành một sự lựa chọn sai lầm của các nhà đầu tư.

Bằng chứng cho tuyên bố hùng hồn của nhà đầu tư nổi tiếng này là gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những động thái tăng cường đưa Nhân dân tệ ra nước ngoài giao dịch. Chẳng hạn như việc cho phép các công ty trong nước đem đồng tiền này ra nước ngoài để phục vụ mục đích đầu tư.

Theo quy định mới của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), các công ty đại lục có thể sử dụng đồng Nhân dân tệ để mở hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và trong các vụ mua lại. “Đây là một bước tiến quan trọng nhằm quốc tế hóa Nhân dân tệ”, ông Dariusz Kowalczyk, chiến lược gia thuộc ngân hàng Crédit Agricole, nói với Financial Times.

Bằng chứng rõ ràng hơn là trước động thái của PBoC vài ngày, Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) đã cho phép khách hàng giao dịch đồng Nhân dân tệ tại Mỹ.

Trả lời tờ Wall Street Journal, ông Li Xiaojing, Tổng giám đốc chi nhánh Bank of China tại New York cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho ngày mà đồng Nhân dân tệ được chuyển đổi hoàn toàn”. Theo ông, mục đích của Bank of China là trở thành một trung tâm giao dịch Nhân dân tệ tại Mỹ.

Chiến lược gia đầu tư người Mỹ Keith Fitz-Gerald cho rằng, các ngân hàng xây dựng, nông nghiệp và công thương của Trung Quốc, sẽ nhanh chóng theo chân Bank of China để mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động của đồng Nhân dân tệ.

Khi các ngân hàng khác vào cuộc, việc sử dụng đồng tiền này trong các thương vụ của các tập đoàn nước ngoài sẽ tăng vọt. Sức hấp dẫn của đồng tiền này đang ngày càng gia tăng, cho dù hiện nay hầu hết các tập đoàn Mỹ vẫn thanh toán bằng đồng USD.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ là điều không thể tránh khỏi khi Trung Quốc muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại quốc tế và thúc đẩy vai trò toàn cầu của đồng nội tệ.

Với việc nắm giữ gần 3.000 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối, Trung Quốc đặc biệt lo ngại về giá trị của đồng USD sẽ suy giảm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Thêm vào đó, giới đầu tư cũng nhận ra rằng hệ thống tài chính toàn cầu đang quá coi Mỹ là trung tâm và quá phụ thuộc vào đồng USD. Tình trạng này đã làm phát sinh quá nhiều vấn đề trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Trong khi đó, trái với xu hướng thăng hoa của đồng Nhân dân tệ, đồng Euro vẫn xuống dốc. Tuần qua, châu Âu đã vượt qua hai phép thử quan trọng khi Tây Ban Nha cùng Italy và Bồ Đào Nha chào bán thành công một khối lượng khá lớn trái phiếu chính phủ, điều chứng tỏ các quốc gia này không cần gói giải cứu khẩn cấp như tin đồn.

Cụ thể, hôm 13/01, Tây Ban Nha và Italy đã hào bán thành công 9 tỷ Euro trái phiếu. Trong đó, Tây Ban Nha bán 3 tỷ Euro trái phiếu kỳ hạn 5 năm, Italy bán 6 tỷ Euro trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 15 năm. Trước đó một ngày, Chính phủ Bồ Đào Nha cũng đã chào bán thành công 1,25 tỷ Euro trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Naoyuki Shinohara cho biết châu Âu vẫn chưa thể xua tan mối hoài nghi của nhà đầu tư về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực. Theo ông, bất kỳ sự lan rộng nào của cuộc khủng hoảng sẽ khiến triển vọng kinh tế trở nên mờ mịt.

Trả lời tờ Tokyo hôm 13/01, ông Shinohara cho biết: “Ít nhất cho đến thời điểm này sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sang các khu vực bên ngoài sẽ được hạn chế. Tuy nhiên, nếu vấn đề nợ công châu Âu trở nên trầm trọng hơn, điều đó có thể gây ra rủi ro sụt giá đáng kể”.

Theo ông Shinohara, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ Hy Lạp và Ireland so với trái phiếu Đức "vẫn còn rất cao, bất chấp các gói giải cứu".

"Điều đó cho thấy, những quan ngại về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ vẫn chưa được đẩy lùi. Điều quan trọng là các quốc gia cần giảm bớt thâm hụt ngân sách, song song với việc giải quyết các vấn đề cơ cấu như thúc đẩy tăng trưởng và hạ tỷ lệ thất nghiệp”.

(VnEconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Châu Âu mừng và lo trước Trung Quốc
  • Châu Phi-Trung Quốc: “Dựa vào nhau mà sống”?
  • “Tỷ giá Nhân dân tệ không quyết định thương mại Trung-Mỹ”
  • Kinh tế 24h qua: Rủi ro lớn nhất
  • Những tín hiệu khả quan từ kinh tế thế giới
  • Kinh tế 24h qua: Hậu họa vô cùng
  • Kinh tế 24h qua: “Bão” lương thực bắt đầu nổi
  • Những kỷ lục Guinness thế giới về tiền và vàng