Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thử thách cho các nền kinh tế mới nổi

Quý 1 năm nay kinh tế Brazil tăng trưởng tới 10%/năm. Ảnh BostonGlobe

Cùng với việc lo ngại sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển sẽ gặp nhiều thử thách và có nguy cơ rơi vào khủng hoảng kép, thế giới đang đặt lên vai các nền kinh tế mới nổi vai trò then chốt trong quá trình phục hồi. Nhưng, người ta cũng lo ngại cả việc các nền kinh tế đang nổi lên rơi vào tình trạng phát triển “quá nóng” đầy rủi ro.

Theo nhà kinh tế học Nouriel Roubini, CEO của công ty nghiên cứu kinh tế Roubini Global Economics đặt tại New York, thì các nền kinh tế phát triển đang đối mặt với nguy cơ “thiếu máu” trong quá trình phục hồi sau khủng hoảng. Điều đó có thể tạo ra một cuộc suy thoái kép và người dân phải chịu cảnh tỷ lệ thất nghiệp giảm chậm cũng như nợ chính phủ gia tăng. Nhà kinh tế học Roubini từng nổi tiếng nhờ vào việc ông dự đoán cuộc khủng hoảng nhà ở Mỹ, nên những lo ngại của ông là rất đáng quan tâm.

Hơn thế, việc thông qua quá vội vã gói giải cứu trị giá 1.000 tỉ đô la Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, cùng các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở châu Âu đang khiến cho nhà đầu tư lo lắng nó có thể làm kiềm chế sự phục hồi của các nền kinh tế châu lục này. Bởi sự “thiếu máu” do việc thắt chặt chi tiêu sẽ khiến cho thị trường co lại. Ngoài ra, nếu xảy ra đổ vỡ tiếp theo về nợ công tại các quốc gia khác trong khu vực sử dụng đồng euro thì tình trạng càng thêm nguy cấp. Những quốc gia có nguy cơ tiềm ẩn khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý đều có nền kinh tế lớn hơn rất nhiều so với Hy Lạp. Khi sự hoảng loạn vượt ngoài tầm kiểm soát thì một lần nữa nền kinh tế thế giới có thể rơi vào tình trạng suy thoái kép.

Trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng cảnh báo khả năng của một cuộc khủng hoảng kép. Ông Ôn khuyến cáo các doanh nghiệp Nhật Bản trong cuộc gặp gỡ tại Tokyo rằng: “Một số người nói rằng nền kinh tế thế giới đã sẵn sàng để phục hồi, và giờ đây chúng ta có thể xem xét đến một cơ chế thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Tôi cho rằng đánh giá trên là quá vội vã”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tuyên bố trên của ông Ôn Gia Bảo là để biện minh cho việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng của họ.

Trong khi các nền kinh tế phát triển được cho là đang phục hồi thiếu vững chắc thì giới chuyên gia càng đề cao vai trò của các nền kinh tế đang lên. Một số chuyên gia cho rằng các nền kinh tế đang lên đang đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế thế giới. Theo Reuters, thì cả Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED Ben Bernanke lẫn Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet đều phát biểu rằng các nền kinh tế đang lên đóng vai trò then chốt của nền kinh tế thế giới. Mới đây nhất, tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, nhiều diễn giả cũng đánh giá cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi trong quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu.

“Một số người nói rằng nền kinh tế thế giới đã sẵn sàng để phục hồi, và giờ đây chúng ta có thể xem xét đến một cơ chế thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Tôi cho rằng đánh giá trên là quá vội vã”.

(Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc)

Thế nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng kinh tế các nước mới nổi đã phát triển quá nóng là một nguy cơ tiềm ẩn. Điển hình như kinh tế gia Roubini cho rằng những nền kinh tế đang lên có khả năng vỡ bong bóng bởi phát triển quá nóng. Theo ông Roubini thì việc lãi suất quá thấp và gần như bằng không tại các nước phát triển khiến cho giới đầu tư đẩy mạnh đầu tư tại các quốc gia đang nổi lên vốn có lãi suất cao hơn. Điều đó khiến cho các nền kinh tế này trở nên tăng trưởng quá nóng, đặc biệt là các nước thuộc nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Điển hình như trong quý một năm nay, kinh tế Brazil đã tăng trưởng 10% hay Trung Quốc đến 11,9%. Các chuyên gia phân tích, các quan chức của Quỹ Tiền tề quốc tế (IMF) cũng đã đánh dấu chú ý đối với nền kinh tế Brazil vì tăng trưởng quá nhanh.

Việc tăng trưởng quá nhanh của các nền kinh tế này khiến cho tỷ lệ lạm phát tăng nhanh hơn, làm tiềm ẩn nguy cơ vỡ bong bóng trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là bất động sản. Trong chuyến thăm Tokyo vừa qua, ông Ôn Gia Bảo cũng thừa nhận rằng lạm phát của Trung Quốc đang có chiều hướng tăng lên, và một nguy cơ đáng lo ngại chính là các mặt hàng lương thực thực phẩm lại tăng giá nhiều hơn các hàng hóa khác.

Trong Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Đông Á diễn ra vào ngày 06 và 07-06-2010 tại TP Hồ Chí Minh, Frederic Neumann, Giám đốc điều hành và là đồng Chủ tịch viện Nghiên cứu kinh tế châu Á, HSBC, Hồng Kông, cũng lo ngại việc thắt chặt chi tiêu tại EU sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi bởi sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi lệ thuộc rất nhiều vào thị trường xuất khẩu. Đó chính là một trong những thử thách vẫn đang chực chờ các nền kinh tế mới nổi nói chung, hay các nền kinh tế đang lên và đóng vai trò đầu tàu tại Đông Á nói riêng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • BRIC sẽ không chỉ dừng lại ở “bốn nước”
  • Gậy ông đập lưng ông
  • Rao giảng không đúng lúc
  • Quan hệ công chúng của Trung Quốc đổ vỡ trên sông Mekong
  • Israel sẽ vô hiệu hóa NPT?
  • Năm 2010: Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3%
  • Bước ngoặt mới của “câu lạc bộ các nước giàu”
  • Hàng không thế giới sẽ “hồi sinh” trong năm nay