Việc ký kết Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện gần đây giữa Ấn Độ và Nhật Bản sẽ sớm khiến mỗi nước trở thành đối tác thương mại lớn nhất với bên còn lại. Cả hai đều lo lắng về sự gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc – giờ đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và có thể vượt Mỹ về kích cỡ vào khoảng năm 2020.
Ấn Độ đôi lúc bị báo động vì quan hệ quân sự của Trung Quốc với Pakistan và sự hiện diện ngày một lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Nhật Bản thì chưa thôi dư vị đắng khi bị soán ngôi á quân kinh tế, và Bắc Kinh ngày một quả quyết hơn trong tranh chấp chủ quyền trên biển.
Có những lợi ích kinh tế rõ ràng khi cả hai bên thắt chặt quan hệ. Nhật đảm bảo được việc tiếp cận nguồn đất hiếm - thứ sống còn với kinh tế công nghệ cao của họ. Một cuộc đụng chạm hàng hải với Trung Quốc gần đây và thực trạng thường xuyên bị gián đoạn trong nguồn cung đất hiếm đã khiến nỗ lực hướng tới đa dạng nguồn cung xuất hiện trong lịch trình của người Nhật. Với Ấn Độ, việc Nhật dỡ bỏ thuế với trà và các sản phẩm nông nghiệp khác được cho là các lợi ích khổng lồ, người Ấn cũng hướng tới các nhà thầu Nhật để đầu tư và nâng cấp mạng lưới cơ sở hạ tầng nghèo nàn của mình.
Thỏa thuận kinh tế trên là động thái mới nhất của sự hợp tác kinh tế lớn hơn giữa Ấn Độ và một khu vực oằn vai dưới sức nặng Trung Quốc. Ngoài Nhật Bản, Ấn Độ trong sáu năm qua đã ký các thỏa thuận thương mại song phương hay hoàn thiện hơn là các Hiệp định Tự do thương mại (FTA) với Nepal, Hàn Quốc và 10 nước thành viên ASEAN. Thêm thỏa thuận sẵn có với Sri Lanka và các cuộc thương lượng đang diễn ra với Bangladesh, Ấn Độ đã sở hữu thỏa thuận với hầu hết nền kinh tế châu Á.
Trung Quốc thì bận rộn ký hiệp định với ASEAN, New Zealand và Pakistan, trong khi tiến hành các cuộc thương thảo với Australia và Hàn Quốc. Sự hiện diện kinh tế, chính trị của Trung Quốc tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latin đang gia tăng nhanh chóng. Qúa trình chinh phục các khu vực của Bắc Kinh - từ hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng lớn, đến cơn khát tài nguyên tự nhiên - đã khiến Ấn Độ lo lắng và thậm chí sợ hãi sẽ bị cách ly trong chính sân sau của mình. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh coi thúc đẩy quan hệ kinh tế và chính trị tại châu Á là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông với mục tiêu đối phó với sự quả quyết ngày một lớn của Trung Quốc.
Ảnh minh họa - CMSInvestment
Mối quan hệ Ấn - Nhật có thể cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới khả năng của Trung Quốc trong việc đạt được mục tiêu tăng cường quan hệ song phowng với một số quốc gia trong khu vực châu Á. Ấn Độ thực sự cung cố khai niệm "Nhật Bản là trung tâm" trong các vấn đề châu Á, điều mà một số người cho rằng nó đã suy yếu vài năm gần đây. Ấn Độ cũng tham gia các cuộc hội đàm an ninh với Malaysia và Hàn Quốc, thu hút cường quốc hải quân trong khu vực là Indonesia.
Tổng thống Yudhoyono quan tâm tới việc hợp tác với lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ, trong khi Ấn xem Indonesia là đối tác chiến lược quan trọng để kiềm chế việc Trung Quốc gia tăng hiện diện từ vịnh Bengal tới Eo Malacca. Mỗi năm kỷ niệm ngày độc lập, Ấn Độ đều mời một vị khách đặc biệt thê hiện quan tâm chính trị, kinh tế và chiến lược của Ấn Độ thời điểm đó; 61 năm sau khi tổng thống đầu tiên của Indonesia - ông Sukarno - là vị khách danh dự, thì năm 2010 chứng kiến sự trở lại trong mối quan tâm chiến lược của hai quốc gia với việc Tổng thống Yudhoyono tham gia sự kiện này.
Ấn Độ hướng Đông
Trong khi lịch sử còn đang tìm kiếm câu trả lời về các dụng ý của Ấn Độ, thì Đông Nam Á lại có sẵn những ký ức bất hòa với Trung Quốc hơn là Ấn Độ.
Hơn thế nữa, Trung Quốc vẫn còn tồn tại chuyện tranh chấp biên giới với một số quốc gia trong khu vực. Cách hành xử quả quyết của Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền, đặc biệt ở trên biển, căng thẳng bang giao sau vụ đụng chạm giữa một tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra Nhật tháng 9 năm ngoái khiến khu vực bất an, và làm cho nhiều quốc gia nhanh chóng củng cố, tăng cường các liên minh vì mục tiêu an ninh.
Nhiều năm trở lại đây, ngoại giao Ấn Độ tập trung mạnh mẽ vào Đông và Đông Nam Á. Làm nổi bật chính sách "Hướng Đông", Thủ tướng Singh đã tới thăm Nhật, Indonesia, Malaysia và Việt Nam trong 12 tháng qua. Là một chính sách đa diện, "Hướng Đông" hướng tới việc cải thiện quan hệ chính trị, kinh tế với khu vực và nỗ lực kiến tạo vị trí lớn hơn cho Ấn Độ ở một châu Á - Thái Bình Dương đầy năng động. Một nhân tố giúp Ấn Độ chính là hệ thống chính trị dân chủ độc lập, khiến nhiều quốc gia trong khu vực coi sự trỗi dậy về kinh tế của Ấn Độ là tương đối "lành tính", cùng với động cơ khá minh bạch trong chính sách đối ngoại (điều mà nhiều nước cảm thấy vắng bóng trong quan hệ với Trung Quốc) đáng hoan nghênh. Một trật tự khu vực nổi trội trong suốt hai thập niên qua bởi các thị trường mở, hợp tác quốc tế được hỗ trợ với các mối quan hệ chính trị và an ninh của Washington cũng là điều kiện thuận lợi để Ấn Độ phát triển tầm vóc với các nước láng giềng.
Tuy vậy, sự khác biệt trong hệ thống chính trị lại là "gót chân Achilles" với cả hai bên. Ví dụ với Ấn Độ, khoảng trống Myanmar và Sri Lanka là thứ để Trung Quốc khai thác triệt để. Với Trung Quốc, sự không minh bạch gây nên hiểu lầm với các nước láng giềng là một cản trở, thậm chí khiến một số chính phủ thích "kết bạn" với Ấn Độ để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Cuộc chiến kéo dài
Ấn Độ quan ngại vai trò của Trung Quốc tại Sri Lanka thông qua viện trợ và đầu tư. Trung Quốc giờ đây là nhà tài trợ số một của Sri Lanka (hơn 1 tỉ USD/năm), là đối tác thương mại cính, nhà cung cấp chủ yếu (chiếm hơn một nửa) các khoản cho vay xây dựng và phát triển. Công trình Khu phát triển Hambantota tiêu biểu cho những mối lo ngại ấy. Trung Quốc tài trợ 85% cho dự án này. Khi hoàn tất, nó sẽ là cảng container quốc tế, có nhà máy lọc dầu, sân bay quốc tế cũng như được sử dụng là trung tâm tiếp nhiên liệu cho hải quân của cả hai nước.
Ấn Độ coi đây là nơi để Trung Quốc gia tăng hoạt động thu thập tình báo nhưng cả Sri Lanka và Trung Quốc đều bác bỏ, khi khẳng định đây chỉ là một dự án thương mại thuần túy.
Nhưng, Sri Lanka chỉ là một mặt trận trong cuộc chiến rộng lớn để kiểm soát Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng các cảng Ấn Độ Dương tại Bangladesh (Chittagong), Pakistan (Gwadar)... trong khi hỗ trợ tích cực cho sự mở rộng hải quân của Pakistan.
Ấn Độ coi hợp tác Trung Quốc - Pakistan là sự bất lợi với hòa bình khu vực. Nhưng ở Ấn Độ Dương, ít nhất trong lúc này, Ấn Độ có vẻ "trên cơ", với chi tiêu cho hải quân chiếm tới 15% ngân sách quốc phòng nói chung trong suốt năm năm qua như một nỗ lực bảo vệ cái mà họ xem như "Hồ của Ấn Độ". Với hai tàu sân bay đang trong quá trình xây dựng và việc hiện đại hóa hệ thống radar, trang thiết bị do thám, Ấn Độ đã theo kịp chương trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc cho dù nguồn lực tài chính ít hơn.
Tổng ngân sách quốc phòng của Ấn Độ cho năm 2011 ước tính gần 34 tỉ USD trong khi Trung Quốc là gần 92 tỉ USD. Khi Ấn Độ có lợi thế là chỉ tập trung vào một đại dương, thì Trung Quốc lại phải dàn tràn với nhiều chuỗi đảo từ Nhật Bản tới Malaysia.
Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển kinh tế và chính trị tương đối hài hòa, và đó là cơ hội tốt để cả hai bên phô diễn sức mạnh với láng giềng. Ấn Độ có vẻ lợi thế hơn trong cuộc chiến dành "con tim, khối óc" với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi sự trỗi dậy của Trung Quốc gặp nhiều hoài nghi, thậm chí là báo động thì họ vẫn là đối tác thương mại, nhà tài trợ và nguồn đầu tư lớn nhất của nhiều nước châu Á.
Bất cứ ai đánh giá thấp khả năng học hỏi và thích nghi của Trung Quốc sẽ phải thất vọng. Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng của họ trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu. Khả năng và tính sẵn sàng ném tiền vào các quốc gia khao khát được hỗ trợ sẽ tiếp tục củng cố ảnh hưởng của họ trong nhiều năm tới tại khu vực.
-----------------------------------------------------
Tác giả: DANIEL WAGNER VÀ DANIEL JACKMAN
Thụy Phương (Theo huffingtonpost) // Tuần Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com