Do hạn hán nặng nên Trung Quốc sẽ phải nhập rất nhiều ngũ cốc và đây là động lực đẩy giá lương thực vọt lên lần nữa trong tương lai. Đó là lập luận của báo chí Mỹ, nhưng các chuyên gia Nga thì lại có ý kiến khác.
Trong khi nhân loại nín thở dõi theo tình hình chiến sự ở Libi, diễn biến các cuộc nổi loạn tại các nước Arập khác hay thảm họa thiên tai ở Nhật Bản thì thế giới đang đối mặt với một nguy cơ khác: Nạn hạn hán ở Trung Quốc có thể đẩy cao giá lương thực và tạo ra cơn khủng hoảng kinh tế mới. Đó là ý kiến của cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Bacchus. Nhiều chính khách Mỹ cũng đưa ra những dự báo tương tự.
Căn cứ của lập luận này là do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên Trung Quốc sẽ phải chi một phần từ khoản ngoại trễ dự trữ lên tới 2.850 tỷ USD để mua lúa mì, khiến cho tình hình xã hội tại các nước đang phát triển càng thêm căng thẳng. Mà chính vì giá bánh mì lên cao đã góp phần để xảy ra các vụ bạo loạn chính trị tại các nước Arập.
Tình hình lương thực tại Trung Quốc thực sự nguy kịch như thế chăng? Dưới đây là ý kiến của Vladimir Portyakov, Phó giám đốc Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga: “Mấy năm trước thì đúng là thực sự lo ngại nhưng 3 năm gần đây sản lượng (ngũ cốc) đã tăng. Năm ngoái sản lượng các loại cây lương thực quy đổi ra ngũ cốc (của Trung Quốc) đạt khoảng 480 triệu tấn. Do đó mối nguy cơ đã giảm”.
Tuy nhiên, về các loại nông sản khác, chẳng hạn đậu tương chủ yếu dùng để làm thức ăn gia súc và chế biến dầu ăn, thì Trung Quốc trồng không đủ dùng. Nước này phải nhập một lượng đậu tương lớn gấp đôi sản lượng tự trồng.
Mặt khác, cơ cấu bữa ăn của người Trung Quốc đã thay đổi. Họ ít dùng ngũ cốc hơn. Điều này đã làm giảm bớt sự căng thẳng trên thị trường lương thực. Ngược lại, do người Trung Quốc ăn nhiều thịt hơn và với số dân khổng lồ như thế thì chắc chắn thị trường thịt thế giới sẽ rất nóng.
Mặc dù Portyakov cho rằng tình hình lương thực của Trung Quốc không quá căng thẳng, song do việc đô thị hóa ồ ạt và diện tích đất nông nghiệp teo lại nên nước này đang thực hiện chính sách mua đất ở nước ngoài.
Các công ty nông nghiệp của Trung Quốc cung ứng cho Venezuela và Zimbabwe máy móc, nhân công để đổi lấy 20% sản lượng cây trồng. Tại Australia thì Trung Quốc chủ yếu mua đất. Còn tại Áchentina, Braxin và Nga người Trung Quốc không mua mà thuê đất để làm nông nghiệp.
Theo đánh giá của ông Portyakov, việc thuê hoặc mua đất nông nghiệp ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc là vì lợi ích của nước họ. Tuy nhiên, các quốc gia cho thuê đất, ví dụ Nga, cũng có lợi. Trước đây tại Irkutsk (vùng Xibiri) không có rau tươi về mùa Đông, song bây giờ tình hình đã đổi khác nhờ nông dân Trung Quốc thuê đất để trồng rau trong nhà kính.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com