Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội thảo giới thiệu về thị trường Trung Quốc nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về thị trường này cũng như nắm bắt các quy định và cơ chế chính sách mới áp dụng của Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho biết: Vấn đề nổi cộm trong quan hệ hai nước hiện nay là mất cân bằng về cán cân thương mại bởi Việt Nam đang nhập siêu lớn từ nước này. Một trong những biện pháp quan trọng giảm bớt tình trạng nhập siêu lớn của Việt Nam hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, thị trường hàng hoá xuất khẩu bị hạn chế nên việc khai phá và tìm đường cho hàng hoá xuất khẩu của ta càng gặp khó khăn hơn bởi Trung Quốc và các nước khác đều áp dụng biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước láng giềng. Mấy năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc phát triển mạnh. Đặc biệt, kể từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2008, kim ngạch mậu dịch hai nước đạt 20,188 tỷ USD, tăng 27,3% so với năm 2007. Hiện nay, do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nên kim ngạch mậu dịch hai nước trong 5 tháng đầu năm 2009 chỉ đạt 7,120 tỷ USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2009
Mặt hàng XK | ĐVT | Lượng | Trị giá (USD) |
| | | 1.608.995.376 |
Hàng thuỷ sản | USD | | 38.019.623 |
Hàng rau quả | USD | | 15.683.716 |
Hạt điều | Tấn | 13.786 | 57.692.317 |
Cà phê | Tấn | 5.284 | 7.933.663 |
Chè | Tấn | 2.423 | 2.634.414 |
Sắn và các sp từ sắn | Tấn | 1.956.714 | 283.270.249 |
Bánh kẹo và các sp từ ngũ cốc | USD | | 8.157.382 |
Than đá | Tấn | 8.296.132 | 339.539.632 |
Dầu thô | Tấn | 528.358 | 188.712.526 |
Xăng dầu các loại | Tấn | 55.918 | 25.970.898 |
Quặng và khoáng sản khác | Tấn | 331.318 | 20.750.245 |
Hoá chất | USD | | 1.786.060 |
Sp hoá chất | USD | | 3.476.762 |
Chất dẻo nguyên liệu | Tấn | 7.895 | 7.796.299 |
Sp từ chất dẻo | USD | | 6.846.959 |
Cao su | Tấn | 129.639 | 181.008.287 |
Sp từ cao su | USD | | 12.706.387 |
Tuí xách, ví, vali, mũ và ôdù | USD | | 3.585.374 |
Gỗ và sp gỗ | USD | | 39.841.739 |
Giấy và các sp từ giấy | USD | | 1.933.254 |
Hàng dệt, may | USD | | 16.102.590 |
Giày dép các loại | USD | | 36.233.201 |
SP gốm, sứ | USD | | 529.049 |
Thuỷ tinh và các sp từ thuỷ tinh | USD | | 23.485.435 |
Đá quý, kim loại quý và sp | USD | | 24.174 |
Sắt thép các loại | Tấn | 2.251 | 3.239.534 |
Sp từ sắt thép | USD | | 2.129.157 |
Máy vi tính, sp điện tử và linh kiện | USD | | 74.772.190 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác | USD | | 34.893.207 |
Dây điện và dây cáp điện | USD | | 1.947.751 |
Phương tiện vận tải và phụ tùng | USD | | 5.492.717 |
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường có tiềm năng lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Với quy mô dân số gần 1,4 tỷ người, tăng trưởng bình quân đạt 9,3%/năm, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân 20,8%/năm và thu nhập bình quân đầu người trên 3.000USD/năm. Năm 2008, Trung Quốc nhập khẩu 1.130 tỷ USD nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ 4,536 tỷ USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,4%) trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này cho thấy dung lượng thị trường nhập khẩu Trung Quốc còn rất lớn đối với việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường này.
Theo đại diện Vụ thương mại miền núi: Hoạt động thương mại biên giới Việt- Trung đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các tầng lớp dân cư biên giới. Nhiều mặt hàng nông, lâm sản và công nghiệp của Việt Nam khó xuất sang các thị trường khác nay đã có thị trường tiêu thụ khá ổn định như than đá, quặng sắt, dược liệu, cao su, sắn lát, hoa quả, thuỷ sản...Bên cạnh đó, các mặt hàng nhập khẩu qua biên giới Việt-Trung không chỉ phục vụ nhu cầu của cư dân trong nước mà còn đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu, phụ liệu của nhiều ngành sản xuất Việt Nam gồm: xi măng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...Đáng chú ý, hoạt động thương mại biên giới với Trung Quốc đã mở rộng và thúc đẩy giao lưu hàng hoá giữa các vùng, các miền và các tỉnh, đồng thời thúc đẩy du lịch phát triển.
Tuy nhiên , do điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém, cùng đó là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn khu vực biên giới giáp Trung Quốc chưa cao. Mặt khác, nhiều khi các cơ quan quản lý và thương nhân Việt Nam còn bị lúng túng, bị đọng trước những chính sách biên mậu của Trung Quốc. Chính sách thương mại biên giới của Việt Nam chưa tận dụng được tối đa những cơ hội ưu đãi biên mậu từ phía Trung Quốc. Đặc biệt, vừa qua Chính Phủ Trung Quốc thay đổi chính sách biên mậu, không cho phép xuất nhập khẩu qua các điểm thông quan ta tự mở (Lục Lầm) đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và nhân dân biên giới trong hoạt động xuất khẩu biên mậu.
Để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này, các chuyên gia thương mại đã đưa ra 5 giải pháp: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các bến bãi, khu kiểm hoá tại các khu vực cửa khẩu biên giới; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại tại các khu vực cửa khẩu biên giới như kho tàng, chợ biên mậu, khu gia công chế xuất, phân loại đóng gói hàng hoá xuất khẩu; cung cấp thông tin về thị trường, cơ chế , chính sách của Trung Quốc; hướng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính để đảm bảo ổn định và tránh được những rủi ro do chính sách biên mậu của Trung Quốc thay đổi. Đồng thời có cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hoá vào sâu nội địa Trung Quốc; nghiên cứu xây dựng hệ thống dịch vụ phân phối biên mậu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá vào sâu trong nội địa của Trung Quốc.
(Vinanet)