Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Áp lực nhập siêu

Mặc dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động nhưng nhu cầu nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam chưa chắc đã giảm trong năm 2010. - tinkinhte.com
Mặc dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động nhưng nhu cầu nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam chưa chắc đã giảm trong năm 2010

Gia tăng kim ngạch xuất khẩu và giảm nhập siêu không chỉ trong năm 2010 mà cả trong những năm tới là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Mức giá bình quân nhiều mặt hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục thấp hơn so với cùng kỳ năm trước được Bộ Công Thương coi là nguyên nhân chính làm giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng bởi khi giá xuất khẩu thấp thì giá nhập khẩu cũng không thể cao (cả làng cùng khó!). Vấn đề là với rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động theo phương thức gia công, phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất ra hàng phục vụ xuất khẩu và cả cung cấp cho chính thị trường nội địa, thì áp lực nhập siêu sẽ chưa thể giảm.

Lợi thế về xuất khẩu tài nguyên sẽ mất đi

Trong kim ngạch xuất khẩu hiện nay, các mặt hàng nhiên liệu và năng lượng gồm dầu thô, than đá, khoáng sản chiếm tỷ trọng không nhỏ. Tuy nhiên, xuất khẩu dựa vào tài nguyên sẵn có sẽ nhanh chóng mất đi lợi thế khi các mặt hàng này giảm sản lượng.

Năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có kế hoạch khai thác 15 triệu tấn dầu thô cả ở trong và ngoài nước. So với năm 2009, lượng khai thác này giảm khoảng 1 triệu tấn. Như vậy, so với 16 triệu tấn dầu thô khai thác và xuất khẩu được trong năm 2009, năm 2010 này, ngân sách sẽ hụt thu một khoản không nhỏ.

Đối với than, dự báo năm 2010 sản lượng than xuất khẩu than cũng sẽ giảm khi nguồn cung không tăng nhiều trong khi có thêm một số nhà máy nhiệt điện than mới đi vào hoạt động. Nếu như trong vòng 4 năm trở lại đây, xuất khẩu than đều ở mức bình quân 20 triệu tấn/năm thì năm 2010 dự kiến lượng than xuất khẩu có thể giảm từ 3 đến 5 triệu tấn. Về lâu dài, lượng than xuất khẩu của Việt Nam còn tiếp tục giảm xuống khi nhu cầu than trong nước ngày một gia tăng và tiến tới chỗ Việt Nam phải nhập khẩu than cho sản xuất điện từ năm 2012 với dự kiến 6 triệu tấn/năm và sẽ tăng mạnh trong những năm tiếp theo.

Việc giảm sản lượng xuất khẩu dầu thô và than đá khai thác được trong nước, tiến tới chỗ nhập khẩu lớn các khoáng sản này để phục vụ cho sản xuất trong nước chắc chắn sẽ khiến cho cán cân thương mại thời gian tới có những biến động bất lợi nhất định. Nhất là khi phần thu được từ việc xuất khẩu dầu thô, than đá và không ít khoáng sản khác là thu thật (do giá trị gia tăng cao) chứ không phải “số đẹp” như dệt may, da giày (chưa trừ đi chi phí nhập khẩu). Sau 11 tháng của năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nhiên liệu và năng lượng đã tăng 13,0% về lượng và giảm 11,3% về trị giá so với cùng kỳ. Trong khi giá xuất khẩu của các mặt hàng này giảm so với cùng kỳ như giá bình quân của dầu thô giảm 43,48%, xăng dầu giảm 42,09%, quặng và các khoáng sản khác giảm 33,95%, than đá giảm 25,95% thì có vẻ như việc tăng sản lượng xuất khẩu đã được áp dụng để tìm kiếm thêm nguồn thu. Lượng dầu thô xuất khẩu đã tăng 3,1%, còn than đá tăng 19,79% so với năm 2008 trước đó.  

Như vậy khi thời gian tới khối lượng các nhiên liệu và khoáng sản xuất khẩu sẽ theo chiều hướng giảm đi và thực tế nhiều ngành công nghiệp đang hoạt động theo hình thức gia công là chính thì nhập siêu chưa thể giảm ngay. Chỉ đơn cử mặt hàng dệt may. Với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 9,1 tỷ USD trong năm 2009 này, phần giá trị mà Việt Nam thu được chỉ chiếm khoảng 40% con số này.

… nhưng không thể dừng nhập khẩu!

Dễ thấy nhất phải kể tới kế hoạch nhập khẩu 1 triệu tấn dầu thô về phục vụ cho hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Mặc dù hoạt động của nhà máy sẽ khiến cho lượng xăng dầu thành phẩm nhập khẩu giảm được khoảng 20% trong năm 2010, nhưng do mới đi vào hoạt động, sản lượng chưa lớn, trong khi lượng ô tô, máy móc đã có sự gia tăng lớn trong năm 2009, rất có thể nhu cầu nhập khẩu xăng dầu của năm 2010 chưa chắc đã giảm hơn 2009 là bao. Một mặt hàng khác cũng được xem là phụ thuộc lớn về nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài - trong khi tiêu thụ lại chủ yếu ở trong nước - là thép. Đối với thép xây dựng, dù được xem là nguồn cung trong nước đã đáp ứng nhu cầu (với năng lực sản xuất lên tới 7 triệu tấn/năm) thì có khoảng 70% nguyên liệu cho cán thép (gồm phôi thép và thép phế) đang phải nhập khẩu. Còn với thép dẹt, dù trong nước đã có nhà máy sản xuất nhưng chuyện thép ngoại lấn sân thép nội chẳng còn mới mẻ mà thậm chí ngày càng gay gắt hơn.

Một mặt hàng phục vụ tiêu dùng khác ít người chú ý là bia cũng đang nhập khẩu lớn các nguyên liệu chính là malt, hoa hublông, đại mạch vì trong nước không có. Việc sản lượng năm 2009 có thể đạt tới 2,3 tỷ lít bia, tăng hơn năm ngoái khoảng 20%, cũng đồng nghĩa với việc đã có một số tiền khổng lồ được bỏ ra để nhập khẩu các nguyên liệu nói trên.

Kiềm chế nhập siêu phải đi từ gốc

Áp lực nhập siêu ngay trong năm 2010 có lẽ chưa vơi ngay dù đã có hàng loạt giải pháp mạnh tay được đưa ra thời gian gần đây nhằm kiềm chế sự gia tăng nhập siêu. Sau 11 tháng của năm 2009, nhập siêu đã là 10,42 tỷ USD, bằng 20,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ. Theo ước tính của Bộ Công thương, mức nhập siêu của cả năm sẽ vào khoảng 11,5 - 12 tỷ USD. Quan trọng hơn, các biện pháp nhằm kiềm chế nhập siêu thời gian qua mới chỉ mang tính chất giải quyết phần “ngọn”.  Việc hạn chế cung cấp ngoại tệ để nhập khẩu nhiều mặt hàng vốn được coi là xa xỉ như ô tô, điện thoại di động hay hàng tiêu dùng, thực phẩm hàng ngày (trong khi hàng trong nước không thể so sánh về chất lượng hay chưa có để cung cấp) sẽ khiến cho thị trường ngầm phát triển. Một doanh nghiệp sản xuất cho hay, các lô hàng nằm trong diện hạn chế nhập khẩu như điện thoại, hàng tiêu dùng và thực phẩm cao cấp vẫn xoay xở được nguồn ngoại tệ, chỉ có điều chi phí tăng lên. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn hơn do một mặt bằng mới về chi phí (ở đây là chi phí mua ngoại tệ) đã được xác lập và nếu không chấp nhận thì việc tìm nguồn ngoại tệ phục vụ cho nhập khẩu đầu vào là khó khăn.

Cũng với thực tế gia công là chính như nói trên, việc tái cơ cấu sản xuất của nhiều ngành hàng nhằm gia tăng giá trị sản xuất trong nước và giảm mức độ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đang là đích nhắm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, câu chuyện này - dù đã được kêu gọi cả chục năm nay - vẫn cần đến rất nhiều nỗ lực nữa mới đem lại kết quả mong đợi.

(Theo Yên Hưng // Báo Doanh nhân)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Giá hàng nông sản sẽ tăng kỷ lục trong năm 2010
  • Sa sút môi trường kinh doanh
  • Giá thị trường cuối năm: Sẽ không quá “nóng”?
  • Xuất khẩu gạo sẽ đột phá trong năm 2010?
  • Năm 2010 xuất khẩu gạo nhiều tín hiệu khả quan
  • Ấn Độ: sẽ mất 2 năm để hồi phục xuất khẩu
  • Áp lực nhập siêu: Thách thức lớn với nền kinh tế
  • Bức tranh xuất khẩu Việt Nam 2009 và triển vọng năm 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo