Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sa sút môi trường kinh doanh

Cách đây ít ngày, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã được công bố. Bên cạnh những kết quả tích cực, cuộc điều tra năm nay cho thấy sự đi xuống về môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Chỉ số PCI được xây dựng từ năm 2005, do nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ. Bản thân quan điểm xếp hạng PCI là không tính đến “phần cứng”, tức loại bỏ ảnh hưởng của những yếu tố tự nhiên có sẵn của các tỉnh, như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô GDP... Vì vậy, động lực thúc đẩy các tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh chính là “phần mềm”, tức là tính năng động, sáng tạo trong điều hành của tỉnh đó.

Sau năm năm thực hiện, các chuyên gia nghiên cứu PCI đi đến kết luận là các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt hơn đều thành công hơn về phát triển doanh nghiệp dân doanh và thịnh vượng hơn về kinh tế.

Những thông số cần được suy ngẫm

Theo kết quả, Đà Nẵng một lần nữa giữ vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI năm 2009. Tiếp theo đó là Bình Dương, tỉnh đã từng dẫn đầu trong ba năm từ 2005 đến 2007. Cùng xếp hạng trong nhóm rất tốt là các tỉnh Lào Cai, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc. Trong khi đó hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM lại tụt hạng so với năm ngoái. Hà Nội tụt hai bậc, xuống vị trí thứ 33 trong số 63 tỉnh thành, trong khi TP.HCM tụt ba bậc, xếp thứ 16.

Đánh giá chung về bảng xếp hạng năm nay, nhóm nghiên cứu cho rằng chất lượng điều hành chung của cả nước có sự cải thiện thể hiện qua điểm số của tỉnh trung vị tăng so với năm ngoái và số tỉnh được xếp trong nhóm rất tốt, tốt và khá đều tăng. Số tỉnh trong nhóm trung bình, tương đối thấp và thấp giảm từ 34 xuống 10 tỉnh.

Có một số ý kiến lý giải việc tụt hạng của Hà Nội do bị ảnh hưởng của việc mở rộng địa giới hành chính, khiến bộ máy chính quyền có những xáo trộn. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, qua các dữ liệu điều tra, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu tách các khu vực mới của Hà Nội ra như các “tỉnh” riêng biệt, thì thứ hạng thực tế của Hà Nội sẽ thấp hơn các “tỉnh” này. Nói cách khác, việc sáp nhập các “tỉnh” này đã thực sự làm tăng điểm cho Hà Nội, dù không nhiều.

Với TP.HCM, thông qua biểu đồ hình sao có thể thấy rằng điểm số ở hai chỉ số thành phần là tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức là rất thấp. Thấp kế tiếp là chỉ số tính minh bạch và chi phí gia nhập thị trường. Nếu thành phố không khắc phục được những điểm yếu này thì thứ hạng PCI của thành phố trong những năm tới khó giữ được, trong bối cảnh các tỉnh khác đều cố gắng cải thiện thứ hạng của mình.

Kết quả điều tra về sự thay đổi trung bình hàng năm của điểm số PCI từ năm 2006 đến nay cho thấy trong khi các tỉnh Cà Mau, Điện Biên và Long An dẫn đầu về mức độ cải thiện điểm số hàng năm thì những địa phương bị sụt giảm về điểm số trong ba năm qua có tên Bình Dương, Bình Định, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ - những nơi được xem là có nhiều ưu thế về những điều kiện tự nhiên sẵn có.

Môi trường kinh doanh có chiều hướng xấu đi?


Năm nay, chỉ số tính minh bạch, chỉ số thành phần có trọng số cao nhất 20% trong chín chỉ số cấu thành nên PCI 2009, đã có sự đảo chiều. Theo đánh giá của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, khả năng tiếp cận với tài liệu kế hoạch của tỉnh không hề dễ dàng. 61,26% số doanh nghiệp cho rằng phải có “mối quan hệ” mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ này đã giảm về mức của năm 2006 sau khi đã có những cải thiện liên tục theo thời gian. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng có thể dự đoán được việc thực thi pháp luật của tỉnh chỉ có 8,4% và tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải thương lượng với cán bộ thuế địa phương lên đến 41%, nhưng kết quả tệ hơn cách đây hai năm.

Điều đáng lưu ý là theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc tiếp cận các văn bản pháp lý như luật, nghị định, thông tư... ngày càng dễ hơn, và năm 2009 được xem là năm dễ nhất kể từ khi tiến hành điều tra PCI đến nay. Kết quả này có được là nhờ việc ban hành Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, cũng có thể do áp lực của việc thực hiện các cam kết WTO. Một yếu tố khác có thể lý giải cho sự cải thiện này trong năm qua là sự kiện công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính thuộc Đề án 30 của Chính phủ. Theo yêu cầu của Chính phủ trước đó, các nhà lãnh đạo địa phương buộc phải rà soát lại toàn bộ thủ tục hành chính của địa phương mình, và qua đó doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.

Trong khi đó, khả năng tiếp cận các tài liệu  kế hoạch chính của tỉnh như ngân sách, các chính sách ưu đãi, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất... lại giảm hoặc không đổi trong thời gian qua. Nhìn chung, ngân sách tỉnh và kế hoạch sử dụng đất là những thông tin khó tiếp cận nhất, tương tự các kế hoạch về cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế xã hội cũng khó tiếp cận hơn nhiều so với năm 2009.

Vì sao có hiện tượng trái chiều trong việc tiếp cận các văn bản pháp luật và tài liệu kế hoạch của địa phương? Hơn nữa, lý do nào khiến doanh nghiệp nhận định tầm quan trọng của “mối quan hệ” tăng lên?

Nhóm nghiên cứu đã dẫn ra báo cáo “Pháp điển hóa: một phương pháp tiếp cận mới cho cải cách hệ thống pháp luật của Việt Nam” (năm 2009) của hai chuyên gia Phan Vinh Quang và John Bently như một gợi ý để lý giải hiện tượng trên.

Theo hai tác giả này, trong vài năm gần đây, chính quyền các địa phương có xu hướng sử dụng công văn thay vì ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trong vòng bốn năm, từ năm 2005 tới 2008, đã có 9.470 công văn có bao hàm các nội dung quy phạm pháp luật được ban hành - nhiều gấp ba lần số công văn được ban hành trong 18 năm trước đó (1987 - 2004). Trước năm 2004, trung bình một tỉnh có 19 công văn trên 81 văn bản quy phạm pháp luật, thì giai đoạn sau đó tỷ lệ này là 55/45. Cách làm này đã tạo ra một “rừng” văn bản pháp luật, và tất nhiên trong khu rừng đó mối quan hệ trở nên đặc biệt quan trọng bởi một số ít người có đặc quyền mới biết cách định hướng.

Một chỉ số thành phần khác, tuy có trọng số thấp 5%, nhưng cũng phản ánh môi trường kinh doanh có dấu hiệu sa sút là chi phí không chính thức. Theo kết quả điều tra, có tới 52% số doanh nghiệp (tại tỉnh trung vị) tin rằng cán bộ tỉnh sử dụng các quy định riêng của tỉnh để trục lợi. Tỷ lệ này tăng so với hai năm 2007 và 2008 (chỉ có 37%). Kết quả này khá phù hợp với kết quả về tính minh bạch giảm như đã nói ở phần trên.

Ngoài ra, 53% số doanh nghiệp cho biết cần phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu để có được hợp đồng với các cơ quan nhà nước. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại về nạn nhũng nhiễu trên diện rộng. Theo nhận định của nhóm nghiên cứu PCI, tệ tham nhũng lặt vặt và hối lộ nhỏ nhằm “bôi trơn” các giao dịch ở các bộ phận trực tiếp thực hiện đã ít hơn, nhưng tham nhũng ở quy mô lớn xu hướng gia tăng.

Một thách thức khác cần được lãnh đạo các địa phương quan tâm hơn nữa là cảm nhận của doanh nghiệp về tính năng động của tỉnh đã sụt giảm về mức của năm 2007. Chỉ có 43% số doanh nghiệp tin tưởng rằng chính quyền tỉnh có thái độ tích cực với khu vực tư nhân, giảm so với năm 2008 (53%).

Liên quan đến việc giải quyết những trở ngại của doanh nghiệp trong bối cảnh quy định của trung ương không rõ ràng, thì tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tỉnh có sáng tạo cũng thấp hơn năm trước. Đây là một kết quả khó giải thích bởi một khi sự phân cấp đã ngày càng mạnh hơn, các cải cách về hành chính công cũng tốt hơn thì chính quyền địa phương được mong đợi phải năng động hơn, nhưng thực tế lại không như mong đợi.

( Báo Tổ Quốc)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Giá thị trường cuối năm: Sẽ không quá “nóng”?
  • Xuất khẩu gạo sẽ đột phá trong năm 2010?
  • Năm 2010 xuất khẩu gạo nhiều tín hiệu khả quan
  • Ấn Độ: sẽ mất 2 năm để hồi phục xuất khẩu
  • Áp lực nhập siêu: Thách thức lớn với nền kinh tế
  • Bức tranh xuất khẩu Việt Nam 2009 và triển vọng năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Sẽ cho nhập đường nếu giá vượt 15.000 đồng/kg
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo