Trong khi kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm giảm mạnh tới 13,4% thì tốc độ tăng trưởng thương mại nội địa vẫn tăng tới 20% so với cùng kỳ. Thị trường nội địa đã trở thành cơ sở cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Hiện nay, mức tăng trưởng thị trường nội địa của Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang đạt gần 10% so với cùng kỳ. Ảnh: CAO THĂNG
Nhu cầu lớn, sức mua cao
Theo kết quả của Công ty Nghiên cứu thị trường GfK, doanh số bán lẻ trong nước tăng 20,5%, từ 45,2 tỷ USD của năm 2007 lên 54,3 tỷ USD trong năm 2008. Trong đó doanh thu từ thực phẩm chiếm 66%, cao nhất trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa, đóng góp 15% GDP. Đặc biệt, khu vực nông thôn đang có nhu cầu mua sắm cao gấp 3 lần so với thành thị nhưng đến thời điểm này vẫn bị bỏ trống. Thực tế từ chương trình bán hàng về nông thôn do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức đã chứng minh rất rõ điều này.
Từ 10 doanh nghiệp (DN) tham gia vào chuyến bán hàng đầu tiên trong 1 buổi sáng tại chợ Vĩnh Bình, tỉnh An Giang với doanh thu hơn 100 triệu đồng, đến chuyến đi thứ 5 tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đã thu hút 25 DN tham gia, doanh số đạt hơn 780 triệu đồng. Ông Trần Nguyên, Điều phối viên chương trình Hàng Việt về nông thôn của BSA cho biết, ngày 5-8 tới đây, BSA sẽ tiếp tục đợt bán hàng tại Bến Tre với số lượng DN tham gia vọt lên tới 35. Các mặt hàng phục vụ rất đa dạng từ hóa mỹ phẩm, dụng cụ gia đình cho đến hàng thực phẩm chế biến.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Bán hàng khu vực Nam Mê Kông – Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết, chiến lược kinh doanh của Mỹ Hảo khá nhất quán, lấy người tiêu dùng nội địa làm định hướng cho sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy Mỹ Hảo đã thực hiện khá tốt mục tiêu tăng trưởng bình quân đạt hơn 20%/năm, đồng thời cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia trong ngành hóa phẩm có vốn đầu tư nước ngoài tại VN. Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Đối ngoại Công ty cổ phần Nutifood cũng cho rằng, sức mua của khu vực nông thôn là cực lớn, đặc biệt là các sản phẩm sữa dành cho trẻ em và người già.
Sức mua từ thị trường nội địa liên tục tăng cao và khá bền vững trong nhiều năm qua đã tạo hấp lực lớn không chỉ với các DN trong nước mà cả với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, trong bối cảnh hào quang từ thành tích xuất khẩu trở thành mục tiêu, thì việc phát triển thị trường nội địa chỉ là động cơ thứ yếu! Chỉ khi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và hàng VN đã không thể vượt qua các hàng rào kỹ thuật mọc lên ngày càng nhiều, rồi hàng của các nước lân cận đổ vào VN với mật độ dày đặc thì họ mới bừng tỉnh, hóa ra “sân nhà” bao giờ cũng dễ chịu và an toàn hơn khi gặp “bão”.
Đại diện của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM thừa nhận, ngay sau khi thị trường xuất khẩu có dấu hiệu co cụm, một số DN có thế mạnh trong việc sản xuất hàng nội thất đã quay lại nội địa. Họ cay đắng nhận ra, các cửa hàng đồ gỗ của Đài Loan (Trung Quốc), Ý… đã mọc lên dày đặc tại các con đường chuyên bán đồ gỗ như Ngô Gia Tự, Bạch Đằng, Nguyễn Thị Minh Khai và chiếm đến hơn 80% thị phần. Tương tự, các DN dệt may cũng rơi vào tình trạng “trâu chậm uống nước đục” khi hàng trong nước mới chỉ chiếm 20% trong tổng doanh số hơn 2 tỷ USD/năm!
Đừng để cơ chế làm mất cơ hội
Bà Ngô Thị Báu, Giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Tâm - Foci cho rằng, mặc dù công ty đã thiết lập được hệ thống tiêu thụ nội địa và tạo dựng được hình ảnh khá tốt trong giới tiêu dùng trẻ, nhưng năm 2009 Foci cũng phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài việc phải cạnh tranh dữ dội với “cơn lốc” hàng may mặc từ các nước, DN còn phải đối phó với tình trạng một số thương hiệu lớn của TP không chịu nổi sức ép đã đặt hàng gia công từ Trung Quốc rồi gắn nhãn mác của mình vào để tung ra thị trường với giá rất rẻ. Theo bà Báu, trong cuộc chạy đua để giữ thị phần, những DN đã xây dựng được hệ thống phân phối nhưng không có chiến lược cụ thể về giá, ngành hàng cũng phải thua, chứ đừng nói đến DN mới chỉ có ý định quay về nội địa và phải bắt đầu bằng con số 0!
Để tiếp sức cho DN trong việc mở rộng hệ thống phân phối, ngày 22-4 vừa qua, Bộ Công thương phê duyệt chương trình xúc tiến thị trường thương mại nội địa năm 2009 với tổng kinh phí 51 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều tháng triển khai, đến nay chương trình này vẫn chưa khởi động được, đang trong giai đoạn dự thầu, còn các địa phương thì chỉ biết nhìn nhau và ước đóan sẽ được chia bao nhiêu tiền?
Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình xúc tiến nội địa chỉ thực sự có ý nghĩa, là chất xúc tác tạo hiệu ứng tốt cho các DN khi nó tạo ra không khí trong cộng đồng DN và toàn xã hội. Muốn vậy, với số tiền này, nhà nước cần xét đến các hạng mục giải ngân nên tập trung cho công tác huấn luyện chuyên môn, điều tra thị trường, thiết lập chính sách đồng thời đẩy chương trình truyền thông đi trước một bước để tạo sự lan tỏa. Tuyệt đối không nên rải mành mành cho nhiều đơn vị, địa phương vì nếu chia nhỏ thì số tiền này sẽ chẳng thấm vào đâu. Khi các DN đã có cơ chế, nhìn thấy tiềm lực và khả năng phát triển ở thị trường nội địa thì họ sẽ tự làm, khi đó số tiền mà DN bỏ ra sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với con số 51 tỷ đồng nói trên. Chương trình cũng phải triển khai nhanh và quyết liệt, nếu cứ chần chờ và vận hành theo cơ chế trì trệ thì sẽ mất cơ hội cho hàng Việt.
Là đơn vị mở đường cho hàng Việt về nông thôn, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho rằng, nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn là rất lớn, nhưng lâu nay họ chỉ biết xài hàng giả, hàng ngoại nhập kém chất lượng. Sẽ không muộn cho các DN thực sự có ý muốn đưa hàng hóa của mình đến với nông thôn.
(Theo Thúy Hải // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com