|
Khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động lớn đến xuất khẩu, việc chuyển dịch thị trường sẽ rất có ý nghĩa.
Số nước và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam đã tăng từ 38 năm 1987, lên 56 năm 1990, 100 năm 1995, 192 năm 2000 và lên 210 năm từ năm 2005.
Thị trường châu Á chiếm trên dưới một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay đã giảm mạnh hơn tốc độ chung (giảm 21,2% so với giảm 10,1%), nên tỷ trọng đã giảm từ 50% trong cùng kỳ năm trước xuống còn 43,8% của năm nay. Giảm mạnh nhất là Nhật Bản, giảm 40%, Hàn Quốc giảm 11%, Trung Quốc giảm 9%...
Tuy nhiên, hàng dệt may trong khi xuất khẩu sang Mỹ, EU chững lại hoặc sút giảm thì xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 440 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; khả năng cả năm sẽ đạt gần 1 tỷ USD so với mức 820 triệu USD của năm trước.
Thị trường Nhật Bản cần được quan tâm, vì hiện có ba lợi thế: đồng Yên lên giá mạnh, hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản với nhiều ưu đãi thuế hơn trước có hiệu lực từ đầu tháng 7; kinh tế Nhật Bản đã có dấu hiệu tốt lên nhờ chính sách kích thích tiêu dùng của Chính phủ.
Song châu Á cũng là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất. Trong khi với thị trường này, Việt Nam xuất khẩu 12,1 tỷ USD thì nhập khẩu lên đến 23,9 tỷ USD, nhập siêu lên đến 11,8 tỷ USD, cao gấp 5 lần tổng mức nhập siêu của cả nước.
ASEAN là một bộ phận của thị trường châu Á, vừa là thị trường lớn; 6 tháng đầu năm xuất khẩu của Việt Nam sang đây bị giảm 17,6%, nên tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm từ 18,2% xuống còn 16,7%. Do xuất khẩu chỉ đạt 4,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lên đến 5,9 tỷ USD, nên nhập siêu từ ASEAN ở mức 1,3 tỷ USD.
Châu Âu là thị trường lớn thứ hai trong các châu lục. Sáu tháng đầu năm, thị trường này đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do thị trường Thụy Sĩ tăng cao nhờ Việt Nam xuất khẩu vàng sang đây. Nhờ vậy, tỷ trọng của thị trường châu Âu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 20% lên 26%.
Nhờ xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nên Việt Nam đã xuất siêu khoảng 3,8 tỷ USD sang châu Âu. Thị trường châu Âu tới đây sẽ tiếp tục được cải thiện khi xuất khẩu dệt may, thuỷ sản sang Nga được mở rộng.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 6 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước - giảm ít hơn so với tốc độ giảm chung. Do vậy tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang châu Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 21,2% lên 21,7%.
Nhờ xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nên Việt Nam tiếp tục ở vị thế xuất siêu sang thị trường này ở mức 4,1 tỷ USD, chỉ giảm chút ít so với mức 4,2 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang châu Mỹ sẽ có sự cải thiện khi kinh tế Mỹ tốt hơn lên và xuất khẩu thuỷ sản sang Brazil được mở rộng.
Trong thị trường châu Mỹ, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong 6 tháng, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 5,1 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ, thấp hơn tốc độ giảm chung, nên tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 17,5% của cùng kỳ năm trước lên 18,5% trong 6 tháng đầu năm nay.
Châu Đại Dương là thị trường lớn thứ tư trong các châu lục, nhưng 6 tháng này đã giảm tới 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, tỷ trọng thị trường này đã giảm từ 7,1% xuống còn 4,7%. Trong quan hệ buôn bán với châu Đại Dương, Việt Nam tiếp tục giữ vị thế xuất siêu, nhưng mức xuất siêu đã giảm từ 1,05 tỷ USD xuống còn trên 0,74 tỷ USD.
Trong quan hệ buôn bán của Việt Nam với châu Phi, Việt Nam giữ vị thế xuất siêu; mức xuất siêu của 6 tháng này đạt 637 triệu USD, cao gần gấp đôi mức xuất siêu 366 triệu USD của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do tỷ trọng thị trường này còn nhỏ (dù tỷ trọng thị trường này 6 tháng đầu năm đã tăng từ 1,8 lên 3%) khả năng thanh toán không cao, nên dù tốc độ tăng cao nhưng tác động đến tốc độ chung không lớn.
(Theo Dương Ngọc // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com