Kiểm tra lốp xe ô-tô trước khi xuất xưởng ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Quan hệ thương mại Trung Quốc - Mỹ đang nóng lên sau một loạt biện pháp hạn chế hàng hóa nhập khẩu từ cả hai phía vừa qua. Tuy nhiên, hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này không muốn sa vào một cuộc chiến tranh thương mại.
Ngày 11-9, Washington tuyên bố áp đặt từ ngày 26-9 mức thuế bổ sung (35% trong năm đầu, 30% vào năm thứ hai và 25% trong năm thứ ba so với mức 4% như hiện nay) đối với lốp ô-tô nhập từ Trung Quốc, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước tình trạng nhập ồ ạt lốp xe từ Trung Quốc vào Mỹ đã làm hơn 5.000 lao động của Mỹ mất việc làm kể từ năm 2004. Trước đó, ngày 9-9, Bộ Thương mại Mỹ công bố phán quyết sơ bộ áp dụng mức thuế 31% đối với ống thép nhập từ Trung Quốc sau khi xem xét vụ kiện của các tập đoàn công nghiệp nước này cáo buộc Trung Quốc trợ giá ống thép xuất sang Mỹ.
Ngày 14-9, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về mức thuế mới mà Mỹ áp đặt đối với lốp ô-tô nhập từ Trung Quốc, cho rằng những mức thuế này "không công bằng" và "vi phạm quy định của WTO". Các chuyên gia Trung Quốc ước tính, vì các mức thuế mà Mỹ vừa đặt ra, Trung Quốc có thể mất 100.000 việc làm và ngành sản xuất lốp xe của nước này sẽ thiệt hại tới một tỷ USD. Cũng để trả đũa việc Mỹ áp thuế trên, ngày 13-9, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm phụ tùng ô-tô và thịt gà nhập từ Mỹ.
Theo tờ Diễn đàn thông tin quốc tế và Kinh tế nhật báo của Hồng Công, đằng sau hành động trả đũa thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ không chỉ là viễn cảnh một cuộc chiến thương mại, mà còn thể hiện những căng thẳng ngày càng gia tăng trong quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc này. Sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế đối với lốp xe nhập từ Trung Quốc, ở Trung Quốc xuất hiện làn sóng phản đối rầm rộ, đặc biệt trên internet. Theo nhiều nhà phân tích, điều này tác động không nhỏ quyết định điều tra chống bán phá giá bất ngờ của Bắc Kinh. Tình trạng căng thẳng thương mại gia tăng này có thể trở nên khó kiểm soát. Ðây là tranh chấp thương mại đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ B. Obama, đe dọa phủ bóng đen lên quan hệ song phương cũng như Hội nghị cấp cao các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) sẽ diễn ra tuần tới tại Mỹ, thậm chí đe dọa ảnh hưởng chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Obama dự kiến vào tháng 11 năm nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố quyết định của Mỹ áp thuế đối với lốp xe nhập từ Trung Quốc là "một kiểu bảo hộ thương mại nghiêm trọng" và "sẽ phá hỏng quan hệ hợp tác thương mại và tài chính giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời không giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế thế giới". Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Obama khẳng định: Washington sẽ kiên quyết theo đuổi đường lối phát triển mậu dịch cũng như bảo vệ các lợi ích thương mại của mình; các mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc là phù hợp các điều khoản thương mại nhằm duy trì một hệ thống thương mại mở và tự do theo thỏa thuận giữa hai nước về việc Bắc Kinh gia nhập WTO, cho phép Washington hạn chế sự tăng vọt hàng hóa nhập từ Trung Quốc để các ngành công nghiệp trong nước có thời gian điều chỉnh.
Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang cố gắng hợp tác đối phó những vấn đề toàn cầu, đặc biệt là suy thoái kinh tế thế giới và những nguy cơ an ninh chung, tại sao hai bên lại có những động thái gia tăng căng thẳng thương mại như vậy? Có nhiều lý do buộc chính quyền Obama phải hành động, đó là sức ép của các nghiệp đoàn, thâm hụt thương mại ngày càng lớn cũng như nỗ lực củng cố lại sự ủng hộ của dư luận trong nước sau kế hoạch cải cách y tế gây tranh cãi. Liên đoàn các công nhân ngành thép Mỹ (USS), cũng là đại diện cho một nửa các nhà sản xuất lốp xe của Mỹ, đầu năm nay đã yêu cầu áp thuế nhập khẩu cao đối với lốp xe do Trung Quốc sản xuất. USS là nhân tố chính trị quan trọng đối với Tổng thống Obama trong năm đầu cầm quyền, từng quyên góp nhiều tiền cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông. Quyết định áp thuế đối với lốp xe Trung Quốc của Tổng thống Obama là một tín hiệu nữa cho thấy Washington sẽ thực hiện cam kết đối với liên đoàn lao động trong việc tuân thủ các quy định thương mại một cách chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với Trung Quốc, nước đã trở thành công xưởng thế giới khiến Mỹ mất hàng triệu việc làm trong lĩnh vực chế tạo. Các nhà quan sát cho rằng, ông Obama có thể nỗ lực để củng cố những quy tắc của WTO hơn so với những gì người tiền nhiệm G. Bush đã làm. Trong khi đó, việc Trung Quốc cứng rắn hơn được cho là một phép thử của Bắc Kinh đối với chính quyền Obama, vốn đang tìm cách đối phó những chính sách tỷ giá và thương mại của Trung Quốc. Lúc này, Trung Quốc đã tự tin hơn, với lượng trái phiếu chính phủ Mỹ khổng lồ mà họ đang nắm giữ.
Mặc dù vậy, theo giới quan sát, hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này khó có thể sa vào một cuộc chiến thương mại do mỗi bên đều ý thức được sự phụ thuộc lẫn nhau. Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới, là một thị trường xuất khẩu khổng lồ của hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh lại là cổ đông nắm giữ nhiều nhất trái phiếu chính phủ của Washington. Việc áp mức thuế cao đối với lốp xe Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nặng nề người tiêu dùng cũng như ngành công nghiệp ô-tô của Mỹ. Nhiều tổ chức thương mại ở Mỹ đã đề nghị Tổng thống Obama không áp dụng mức thuế nói trên. Việc Bắc Kinh lựa chọn mục tiêu là phụ tùng ô-tô và thịt gà của Mỹ cũng có thể gây hiệu ứng ngược. Sở dĩ Trung Quốc nhắm vào hai lĩnh vực này vì chúng có ảnh hưởng chính trị ở Mỹ. Tăng trưởng của các hãng sản xuất ô-tô lớn của Mỹ như Ford và General Motors, chủ yếu dựa vào các công ty con ở Trung Quốc, trong khi phụ tùng ô-tô từ Trung Quốc xuất sang Mỹ ngày một tăng. Còn ngành nông nghiệp Mỹ từ lâu đã vận động để được quyền vào thị trường 1,3 tỷ dân của Trung Quốc.
Trên thực tế, các sản phẩm thuộc diện tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay cộng lại cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong quan hệ thương mại khổng lồ song phương (bảy tháng đầu năm nay, xuất khẩu lốp xe của Trung Quốc sang Mỹ đạt 1,3 tỷ USD, còn cùng kỳ, xuất khẩu phụ tùng ô-tô từ Mỹ sang Trung Quốc đạt 800 triệu USD và thịt gà đạt 376 triệu USD).
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình CNBC ngày 14-9, Tổng thống Obama vẫn khẳng định Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn có thể tránh được một cuộc chiến thương mại xuất phát từ những vụ việc này. Các cố vấn của ông cũng bác bỏ những quan ngại rằng vụ việc này có thể làm tổn hại quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung Quốc.
(Theo THÀNH AN // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com