Thông tin từ Tổng cục Thống kê, tháng 4/2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước đã tăng 0,35% so với tháng 3/2009. Theo đó, trong 10 nhóm hàng hóa hình thành nên chỉ số CPI, chỉ có nhóm hàng văn hóa, thể thao, giải trí là giảm 0,64%. Còn các nhóm hàng khác đều có mức tăng từ 0,20% - 0,48%. Mức tăng ít nhất thuộc về các sản phẩm may mặc. Nhóm tăng nhiều nhất là phương tiện đi lại, bưu điện. Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chỉ số giá lương thực chỉ tăng 0,03%, nhưng chỉ số của các mặt hàng thực phẩm đã tăng tới 0,46%, và ăn uống cũng tăng 0,83%, do vậy nhóm hàng này đã có mức tăng 0,43% - được các chuyên gia đánh giá là… nhẹ. Ngoài ra là sự tăng giá của giá vàng (1,4%) và giá USD (1,25%).
Về nguyên nhân chính, chỉ số CPI chung tăng là do hai lần tăng giá xăng vào các ngày 2/4 và 11/4, cùng với đó là việc điều chỉnh tăng giá điện từ 1/3. Do vậy CPI tháng 4/2009 đã tăng thay vì giảm 0,17% như trong tháng 3/2009. Theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng CPI như vậy là… tích cực, là kết quả của gói giải pháp kích cầu tiêu dùng của Chính phủ, đóng vai trò kích thích sản xuất và có lợi cho nền kinh tế đang trên đà hồi phục. Và các chi tiết mức tăng tại từng nhóm hàng cho thấy xu hướng giảm những dịch vụ không quan trọng, trực tiếp trong đời sống ngày thường của người tiêu dùng. Nghe nhận định của các chuyên gia như vậy mà… chóng mặt. Đối với người lao động, cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy đa số người lao động trở lại ngưỡng phải vật lộn để duy trì bữa ăn thường ngày, thay vì có tích lũy cho tương lai. Mặt khác, dù Chính phủ đã công bố tăng lương trước thời hạn lên mức 650.000 VND/tháng, thì bản thân mức lương này vẫn còn xa mới đạt tới yêu cầu của mức sống tối thiểu. Có nghĩa mục tiêu tăng lương của Chính phủ chỉ giảm phần nào sức ép về thu nhập với người lao động chứ chưa chắc đã đạt mục đích để khuyến khích tiêu dùng. Nói điều này để thấy, mức tăng 0,43% trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống thực sự là chất thêm gánh nặng lên thu nhập của người lao động, thay vì là tín hiệu "tích cực" của nền kinh tế. Với người lao động, mức tăng giá lớn nhất vào những nhu cầu thiết yếu thì không thể coi là "dấu hiệu tích cực" được. Mặt khác, nhìn về tổng thể, cần nhận thấy điện tăng giá đã và sẽ tác động mạnh tới giá các loại hàng hóa trong thời gian tới. Cộng với hai lần tăng giá xăng thì gần như chắc chắn giá hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thiết yếu như gạo, thực phẩm, hàng tiêu dùng… trong những tháng tiếp theo sẽ không thể ổn định, mà sẽ tăng với tốc độ cao hơn tháng 4/2009. Có nghĩa là, nguy cơ một cuộc lạm phát, tăng giá hàng hóa mới đã thấp thoáng quay trở lại. Thế nên, chẳng thể gọi những dấu hiệu ấy là "tích cực" như một số ý kiến lạc quan. Điều cần trước mắt là có ngay những giải pháp quyết liệt, để chống sự tăng giá tập trung vào những nhóm hàng thiết yếu đối với đa số người lao động trong xã hội. Vì lao động toàn xã hội "sợ" nhất là sự tăng giá này.
(Theo Quốc Dũng - Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com