Được biết KTC đang đứng trước nguy cơ bị khách hàng kiện ra Tòa án quốc tế do không giao hàng như hợp đồng. Theo phía Cty KTC, nguyên nhân do VFA không cho đăng ký xuất.
VFA “trên đe, dưới búa”?
Trong các ngày từ 1-20/04, tại cảng Mỹ Thới (An Giang) có 5 tàu của khách hàng. Từ 7-25/04 tại cảng Sài gòn có 6 tàu... chờ nhận gạo của KTC nhưng đã có 7 tàu nhổ neo mà... không có gì |
Trả lời DĐDN, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA cho biết: Sự việc của KTC đã được hội nghị mở rộng ngày 3/4/2009 của VFA giải quyết nhưng KTC vẫn không chịu. VFA yêu cầu KTC không dỡ hàng tại Malaysia bởi lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng XK gạo tập trung của Chính phủ (300.000-400.000 tấn/năm) do TCty Lương thực miền Nam làm đầu mối và việc phải “chia sớt” 30% trong số 43.500 tấn của KTC là để hài hòa với các đơn vị ở các tỉnh có nhiều lúa gạo; đồng thời đảm bảo lợi ích chung, nhất là đảm bảo an ninh lương thực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Nếu giải quyết 130 ngàn tấn gạo đó cho KTC, thì còn đâu lợi ích chung, hài hòa và an ninh chung” - ông Huệ nói.
Còn nhớ buổi làm việc (ngày 18/3/2009 tại An Giang) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số tỉnh ĐBSCL có sự hiện diện của VFA đã biểu dương VFA.
Khi nghe nhắc đến “vai trò đúp” của ông Trương Thanh Phong (vừa TGĐ TCty Lương thực miền Nam, vừa Chủ tịch VFA), ông Huệ cũng khẳng định: “Không hoàn toàn là VFA làm tốt nhất. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe kể cả sự phản biện, đặt lợi ích quốc gia trên hết”. Vì thế, theo ông Huệ “VFA đã quyết định thứ sáu (24/4) sẽ họp với tất cả DN vùng ĐBSCL và các địa phương để đặt thẳng vấn đề cho mọi người cùng bàn và thực hiện tốt nhất”.
“Nỗi lòng” KTC
Gần hai tháng trời trôi qua, KTC cố gắng hết sức để tháo gỡ mà vẫn chưa thoát khỏi sự vướng mắc về thủ tục XK lô gạo đã ký kết (giá FOB) với các thương nhân Singapore từ trung tuần tháng 2/2009. Công văn, giấy tờ từ KTC đến VFA, UBND tỉnh Kiên Giang và ngược lại, nhiều đến không kể hết; tất cả tập trung cho việc tháo gỡ ách tắc để thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng nước ngoài. Cực chẳng đã, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang phải bay ra Hà Nội để báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ.
TGĐ KTC Nguyễn Hùng Linh cho biết, số gạo 53.500 tấn này đơn vị đã ký với Win Agro Pte Ltd (10.625 tấn), Grain Mineral Resources Pte Ltd (40.000 tấn) và Wee Tiong (S) Pte Ltd (2.875 tấn) và sẽ được xuất đi Châu Phi và Đông Timor trong tháng 4 và 5/2009. Số gạo này nằm trong tổng số gạo 130.000 tấn đã đăng ký với VFA ngày 23/2/2009 (thứ hai) nhưng VFA cho rằng số gạo này không thể đăng ký theo Thông báo ngày 20/2 (thứ sáu) của VFA vì “Từ ngày 21/2/2009, Văn phòng Hiệp hội chỉ đăng ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn giao hàng từ tháng 7/2009 đến tháng 9/2009”. Hơn nữa, Hiệp hội cho rằng trong các hợp đồng Cty đã ký có xuất cho Cty Win Agro Pte Ldt, giao hàng đến cảng Malaysia là vi phạm quy chế hợp đồng XK tập trung, ảnh hưởng đến việc giao dịch ký kết hợp đồng tập trung với thị trường này do TCty Lương thực miền Nam làm đầu mối.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Linh cho rằng, KTC ký hợp đồng XK gạo với thương nhân Singapore trên cơ sở giá FOB. Còn việc người mua thuê tàu vận chuyển hàng đến cảng của nước nào thì KTC hoàn toàn không có quyền can thiệp. “Cty không thể ký cam kết như Hiệp hội yêu cầu. Sau khi ký hợp đồng, chúng tôi đã triển khai thu mua lúa gạo của nông dân (hiện Cty còn tồn kho 100.000 tấn) và tiến hành dệt bao bì, đóng gói giao hàng ra cảng nên cũng không thể phân chia 30% số lượng hợp đồng cho các DN của tỉnh khác” - ông Linh khẳng định.
Theo Huy Bình // diendandoanhnghiep
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com