Năm 2008 kết thúc với một loạt dấu hiệu không tốt, cùng dự cảm về năm 2009 đầy khó khăn trong XNK. Báo cáo của Tổ điều hành XNK thuộc Chính phủ nêu: Việt Nam sẽ đối mặt với hai vấn đề lớn trong năm 2009. Đó là cạnh tranh gay gắt về thị phần XK trên thị trường thế giới; trong khi đó thị trường trong nước cũng đối mặt với nguy cơ trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa của các nước khác, khiến tỷ lệ nhập siêu tăng mạnh.
Thông tin từ Bộ Công Thương, từ các hiệp hội, ngành hàng, DN... là XK những tháng cuối năm đang có sự sụt giảm về sản lượng, thu hẹp về thị trường. Cụ thể: đơn hàng XK dệt may, hạt điều, hạt tiêu, đồ gỗ... vào Mỹ và EU đều giảm mạnh ở mức 20 - 30%. Dù Ngân hàng nhà nước công bố cuộc khủng hoảng tài chính thế giới không ảnh hưởng nhiều tới tài chính trong nước, nhưng thực tế, "bão" lạm phát trước đó và khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động cực lớn đến nền kinh tế có doanh số xuất NK chiếm 60% GDP như Việt Nam.
Tác động nhìn thấy ngay, là tình hình khó khăn về tài chính của các đối tác nước ngoài đã làm giảm các đơn đặt hàng với DN trong nước. Với dệt may - ngành có doanh số XK lớn nhất của năm 2007 - nhiều đơn hàng đã bị hủy. Nhiều đơn hàng do không mở được L/C, đối tác nước ngoài đã đề nghị DN XK Việt Nam cho bán hàng trả chậm... Và đó thực sự là một thách thức với DN XK. Nhưng không chỉ vì tính rủi ro cao trong bán hàng trả chậm mà vì bản thân DN trong nước cũng khó huy động vốn để XK. Trong dự báo mới nhất, có ba kịch bản XK cho năm 2009. Trong đó, "lạc quan" nhất thì các nhà dự báo cũng chỉ "mong" kim ngạch XK năm 2009 bằng 95% của năm 2008. "Xấu nhất" thì kim ngạch XK chỉ bằng... 60% của năm 2008. Cùng với đó là dự báo về cuộc "đổ bộ" của hàng giá rẻ từ Trung Quốc và các nước ASEAN vào thị trường trong nước. Đặc biệt khi thị trường bán lẻ được mở cửa từ 1/1/2009. Đó là viễn cảnh không hề tốt của năm 2009 đang chờ đón các DN Việt Nam.
Trong hoàn cảnh ấy, việc Chính phủ công bố gói kích thích tiêu dùng trị giá 1 tỷ USD, cùng với công bố tổng trị giá các khoản hỗ trợ, kích thích phát triển có thể lên tới 6 tỷ USD vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của DN. Vì bản thân biện pháp khắc phục bằng... tiền chưa hẳn đã... đủ. Vì sao? Vì "đặc trưng" giá thành cao của sản phẩm mang thương hiệu Việt có nguyên nhân không chỉ từ thiếu chủ động về giá nguyên liệu (do chủ yếu NK). Mà còn do chi phí phi kinh tế trong cơ cấu giá thành sản phẩm quá cao... Nghĩa là, việc cải cách cơ chế, quy định quản lý kinh tế, quản lý hành chính cần được đẩy mạnh hơn và xem như biện pháp "cởi trói", giúp DN nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh. Mà điều này thì vẫn là chuyện “khổ lắm biết rồi, nói mãi”.
Thứ nữa là yếu kém kinh niên trong việc hình thành công nghiệp chế biến nguyên liệu, tiền đề để hình thành chuỗi sản xuất giá trị gia tăng từ nguyên liệu ban đầu thô, đến nguyên liệu tinh và cuối cùng là sản xuất sản phẩm hàng hóa, hệ thống phân phối tiêu dùng. Các nhà quản lý khuyến khích DN quay trở về thị trường nội địa để bù đắp "khoảng trống" XK. Tuy nhiên, đề xuất này có thể không đem lại kết quả như ý, vì khi các yếu tố đầu vào vẫn phụ thuộc NK thì khó có thể nói tới chuyện tự chủ trong giá thành sản xuất.
Có nghĩa là nếu muốn XNK trong năm 2009 có thể đạt hiệu quả tốt nhất, thì ngay từ bây giờ, DN đang mong muốn Nhà nước thực hiện ngay những giải pháp hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách cụ thể, thay vì chỉ hỗ trợ bằng tiền. Sau nữa, là biện pháp tìm kiếm thị trường XK mới cũng cần được hỗ trợ bằng những biện pháp mang tầm... Chính phủ. DN chờ đợi một chiến lược và định hướng cụ thể, cùng với đó là các thông tin thương mại đầy đủ đối với từng thị trường và với từng ngành hàng. Bên cạnh đó, Nhà nước nên xây dựng cơ chế bảo hiểm tín dụng XK đối với các thị trường truyền thống đang khó khăn, cũng như các thị trường mới nhưng khả năng thanh toán chưa an toàn.
Cần nhắc lại, hàng dệt may, da giầy, thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong hàng hóa XK của Việt Nam. Mà đây đa phần là các sản phẩm tiêu dùng, giá trị thấp. Nghĩa là nhu cầu tiêu thụ bao giờ cũng lớn, kể cả khi kinh tế khủng hoảng. Như vậy, việc đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng cơ chế giá sản phẩm XK vẫn có thể là những biện pháp gia tăng hiệu quả XK cụ thể. Đó là nỗ lực tự thân của mỗi DN cần phải tự vượt qua. Chứ nếu chỉ trông vào "bánh" kích thích của Chính phủ, thì bao nhiêu vẫn cứ là ít với nhu cầu của DN.
(Theo báo diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com